Cơm quê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trời mùa đông, những ngọn gió thường có mùi của lá non dìu dịu. Tôi đứng gác đêm, nghe từng tiếng động nhẹ của phố phường. Đôi khi chỉ là vài tiếng lá rơi xào xạc cũng thấy lòng xao xuyến.

Bỗng nhiên, tôi nghe thấy tiếng một bà mẹ trẻ ru con vọng lại: Cơm cha cơm mẹ đã từng/ Con đi làm mướn kiếm lưng cơm người/ Cơm người tội lắm mẹ ơi/ Chẳng như cơm mẹ vừa ngồi vừa ăn. Chiếc xe đẩy bán xôi đêm đi ngang qua, tôi kịp nhìn thấy đứa trẻ được mẹ địu trên lưng đang ngủ ngon lành. Tiếng của mưu sinh lẫn trong sự ngọt ngào của tình mẫu tử khiến tôi bất chợt nhớ nhà. Giờ này ở quê chắc cả nhà đã yên giấc sau một ngày đồng áng. Mà cũng có thể cơn đau nhức vai gáy khiến mẹ còn trằn trọc. Vụ đông xuân sắp cày bừa, tôi đi nghĩa vụ quân sự, bao nhiêu nặng nhọc đều đổ dồn lên vai bố mẹ. Đêm nay sao tôi bỗng nhớ nhà, nhớ cơm quê đến thế…

Ăn cơm lính đã lâu, đủ đầy đấy, đông vui đấy mà nhiều hôm tôi thèm quay quắt bữa cơm quê do chính tay mẹ nấu. Cơm dẻo và canh ngọt từ lúa mẹ cấy, rau dại ngoài vườn, mấy chú cua đồng, thêm quả me chua cũng đủ ngon tê lưỡi. Chẳng cần phải món nọ món kia, nấu nướng cầu kỳ. Bữa cơm bình dị nuôi tôi lớn từng ngày bằng dưa cà mắm muối. Cơm ngon không chỉ bởi gạo trắng nước trong, mà lẫn đâu đó cả vị khói, mùi rơm rạ đồng quê. Mùi củi bạch đàn hăng hắc, mùi của yêu thương, mẹ chiu chắt trong bát cơm dẻo thơm, nồi cá kho đượm vị. Mùa nào thức ấy, những món ăn mẹ nấu tưởng mộc mạc thế thôi mà xuống phố có khi thành đặc sản.


 

 

Có lần đi ngang qua một chợ nhỏ Hà thành, chợt thấy vại rau sắn ngâm chua của bà cụ chắc đã ngoài sáu mươi mà nhớ nhà quay quắt. Món rau sắn tưởng chỉ có ở vùng quê trung du đất cằn sỏi đá, giờ cũng góp vào mâm cơm thành phố cho những đứa con xa nhà bớt đau đáu quê hương. Tôi chỉ cần nhắm mắt vào là có thể cảm nhận được vị chua đặc trưng của rau sắn nấu với tép sông, hoặc nấu với thịt ba chỉ, ít lòng dồi cũng đều ngon tuyệt. Mùa này thể nào mẹ cũng nấu canh trai với bầu, canh hến cà chua. Vườn nhà chắc đã có xoài non. Tôi mường tượng ra cảnh mẹ lúi húi trong bếp nấu canh, thò tay qua cửa sổ đã có thể hái xoài cho món canh chua. Nghĩ đến thôi đã thấy rôn rốt trong vòm miệng...

Hôm nằm trong đơn vị, nghe tiếng sấm đầu mùa, tôi tiếc ngơ ngẩn những ngọn rau đắng trên rừng. Mẹ tôi nói, khi bắt đầu có sấm thì rau đắng ngắt không thể ăn được nữa. Đã bao lâu rồi tôi không được chấm thứ rau ấy với chút mắm tôm. Cái vị vừa đắng hình như chỉ người quê mới thích. Mà thật ra, tôi nhớ cơm quê đâu phải bởi món ăn, mà nó là nỗi nhớ một miền quê, một mái nhà trái bếp. Nhớ người mẹ tảo tần mưa nắng, đến bữa nhường chồng con từng miếng ăn ngon. Nhớ bố hay bị nghẹn trong mỗi bữa cơm nên mẹ nói: “Thiếu gì cũng được nhưng không thể thiếu canh”. Nhớ đến quặn lòng từng tiếng ho buốt ngực.   

Tiếng xe bán xôi đêm đã đi qua, nhưng lời ru của người mẹ vẫn còn vọng lại: Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương. Trời đêm vằng vặc ánh trăng. Tôi đứng gác ở vùng trời này ngó trăng mà thấy thân thuộc như quê nhà vậy. Một ngày không xa nữa, khi hoàn thành nghĩa vụ, tôi sẽ trở về với nơi bình yên ấy cùng cha mẹ già ăn những bữa cơm quê đạm bạc.

 

Theo TRANG VŨ (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.