Cơi trầu của nội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bà nội tôi thuộc lớp người xưa bên lũy tre làng, răng đen, bàn chân giao chỉ “đi như chạy suốt một đời” và luôn nhai trầu bỏm bẻm. Có hai vật dụng suốt ngày ở bên nội tôi là cái cơi trầu để ở tràng kỷ cùng ông bình vôi và chiếc bị trầu giắt bên mình mỗi khi ra khỏi nhà. 
Tôi không biết nội tôi “nghiện” ăn trầu từ lúc nào, từ thời còn con gái chăng? Hồi còn nhỏ, thấy nội suốt ngày nhai trầu rồi nhổ ra thứ nước màu đỏ tươi như máu, tôi hỏi bà ăn trầu có ngon không? Nội tươi cười: “Cha mi! Hỏi chi lạ rứa… Không ngon mà nội ăn suốt ngày được à! Cơm cá nội nhịn được đôi bữa, nhưng không có miếng trầu thì lạt miệng chịu không thấu, cháu ạ”. Khi đó, tôi vốn tò mò, lén nhặt miếng trầu đã têm cùng miếng cau tươi đưa vào miệng nhai thử có “ngon” như nội nói không?! Trời đất… Tôi nhai được vài phút, không dám nuốt nước thì mùi trầu xông lên tận đầu, miệng nóng ran như muốn bung lửa, nước mắt chảy ra ràn rụa đành phải nhổ ra và lấy nước ấm súc miệng. Từ đó, tôi không bao giờ dám đụng vào cơi trầu của nội.
Cơi trầu của nội hình trụ, đáy cạn, làm bằng đồng, có nắp đậy, lớn như chiếc tô canh bằng sành sứ ngày nay. Nội kể, đây là di vật từ thời cố nội để lại. Khi mới về làm dâu nhà này, nội đã nhìn thấy bà cố sử dụng rồi. Bấy giờ, tôi thầm hiểu, tục ăn trầu của người Việt đã có từ thời xưa. Đến khi đi học, đọc được sự tích “Trầu cau”-câu chuyện tình đầy trắc ẩn, bi thương, tôi mới hiểu được ý nghĩa của phong tục ăn trầu, mời trầu-“miếng trầu là đầu câu chuyện” trong tâm thức và truyền thống người Việt.
Minh họa: Thủy Ngọc
Minh họa: Thủy Ngọc
Trong cơi trầu của nội bao giờ cũng có năm bảy miếng trầu đã têm với ít lá trầu xanh, vài quả cau tươi, một ít vỏ khô cây chay và thuốc bổi (thuốc rê) cùng một con dao xếp nhỏ để bổ cau; tất nhiên không thể thiếu ông bình vôi lúc nào cũng nạp đủ thứ vôi trắng hồng dẻo quẹo mua ở chợ quê. Những thứ “nguyên liệu” cùng vật dụng này để chế biến một miếng trầu đúng nghĩa làm nên chất cay nồng, ấm nóng đủ độ thơm tho qua bàn tay khéo léo của nội. Nhà có vườn rộng, nội trồng hàng cau trước ngõ cùng những dây trầu nguồn tốt tươi quanh năm đủ để cung cấp cho nhu cầu hàng ngày. Khi buồng cau đủ độ già, nội thường sai tôi trèo hái. Đến mùa cau chín tới, ăn không kịp, nội bổ ra phơi khô để dành dùng dần cho những mùa sau. Những khi rảnh rỗi, nội lại dạy tôi cách têm trầu và ngâm nga những câu ca về tục mời trầu ngày xưa cho tôi nghe. Nhưng đến giờ, tôi chỉ thích và nhớ mấy câu hết sức tình cảm, chân phương của lớp người xưa: “Trầu này trầu tính trầu tình/Trầu loan, trầu phượng, trầu mình, trầu ta/Trầu này têm tối hôm qua/Giấu cha, giấu mẹ đem ra mời chàng”. Nội nói: “Têm trầu khéo là cả một nghệ thuật cháu ạ!”. Ngày xưa, con gái đi lấy chồng là phải biết têm trầu, bổ cau cho khéo. Người con trai chọn vợ chỉ cần nhìn vào miếng trầu têm của cô gái là có thể đoán được tính nết, sự giỏi giang của người phụ nữ tương lai mà mình gá nghĩa.
Ngày giỗ chạp thường có khách đông đúc, nội tôi trực tiếp ngồi tỉ mẩn têm những miếng trầu cánh phượng, cánh quế vừa cúng quảy tổ tiên, vừa để đãi khách, cũng còn là phô diễn bàn tay khéo léo của mình. Các cụ ông, cụ bà đến nhà được nội mời trầu đều xuýt xoa khen hết lời người têm trầu có bàn tay vàng khiến nội ấm lòng. Mỗi lần nhìn nội têm trầu, từ thao tác rọc lá trầu, gấp nếp lá, bôi vôi, rồi cài trầu một cách thành thục đạt đến kỹ năng cao; có thể vừa chuyện trò với khách vừa hoàn thiện miếng trầu một cách hoàn hảo, tôi đều hết sức khâm phục. Riêng cách bổ cau cũng phải cẩn trọng để sánh đôi cùng miếng trầu têm đẹp làm vừa mắt người ăn trầu. Quả cau được nội tôi chọn bao giờ cũng vừa già đúng độ tròn đẫy, dùng dao tước vỏ nhưng còn để lại những đường vân xanh mỏng bên ngoài; cắt núm nhưng không được gạt phăng đi đầu hạt cau bên trong. Rồi công đoạn bổ quả cau làm sáu hay làm tám? Thường thì với thiết diện quả cau vừa phải, người ta chỉ bổ ra làm sáu là đủ để ăn cùng miếng trầu cả về dung lượng và chất lượng. Nếu chỉ bổ ra làm bốn thì lớn quá, mà bổ ra làm làm tám thì mỏng manh không vừa vặn với miếng trầu têm, lại khó vừa lòng với mọi người…
Đi qua thế hệ của nội tôi, tục ăn trầu, mời trầu dường như đã phai nhạt dần. Đến thời mẹ tôi, trên mâm cúng quảy vẫn còn dâng đĩa trầu cau nhưng đã có ít người dùng đến. Khi nội tôi qua đời, mỗi lần quay lại vườn xưa nhìn hàng cau lúc lỉu quả chín vàng, những lá trầu khô héo rụng, lòng tôi nao nao với một nỗi buồn xa vắng… Có lẽ nào câu chuyện trầu cau lại trả về cổ tích?!
BÙI QUANG VINH

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Tranh minh họa (nguồn internet).

Thơ Đại Dương: Kính rượu thầy giáo cũ

(GLO)- Bài thơ "Kính rượu thầy giáo cũ" của tác giả Đại Dương chứa đựng nhiều tình cảm và lòng tri ân sâu sắc. Mỗi câu thơ là hình ảnh rất chân thật về một thời gian khó cắp sách đến trường, về những hy sinh thầm lặng của thầy giáo và cả sự khắc khoải, trăn trở của người học trò đã trưởng thành...

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.