(GLO)- Ở Danville, một thành phố bé nhỏ lặng lẽ với 44 ngàn dân, cách trung tâm TP. San Francisco, California chừng 30 phút xe, có một bảo tàng quốc gia Mỹ, cũng nhỏ bé và không nhiều người biết. Đó là bảo tàng nhà viết kịch vĩ đại Eugene O’Neill (1888-1953).
Tọa lạc trong khu vườn rộng lớn gác chân lên một sườn đồi mênh mông cỏ, căn nhà này còn lưu lại dấu tích kỳ vĩ và oái oăm của lịch sử: Bố-Eugene O’Neill đoạt 4 giải Pulitzer về bi kịch (1920, 1922, 1928, 1957) và giải Nobel Văn học (1936); con rể-Charlie Chaplin (1889-1977)-người được coi là một trong những diễn viên hài và nhà sản xuất phim nổi tiếng nhất của lịch sử điện ảnh thế giới. Hoạt động nghệ thuật kéo dài 75 năm, Charlie đoạt hầu hết các giải thuởng như: Oscar (3), Golden Lion... Tuy nhiên, có một giải thưởng mà ông chưa bao giờ đoạt được, đó là một ly rượu vang California từ tay Eugene O’Neill cùng hai tiếng bố-con thân yêu! Bởi khi lấy Charlie, Oona O’Neill (1925 -1991)-con gái út của Eugene O’Neill chỉ vừa bước sang tuổi 18 và trẻ hơn chồng những 36 tuổi.
Dù bị cha phản đối kịch liệt song Oona O’Neill vẫn kết hôn và sống hạnh phúc với diễn viên hài Charlie Chaplin. Ảnh: internet |
O’Neill phản đối kịch liệt việc con gái theo nghề điện ảnh rồi lại lấy một người chồng chỉ thua bố mình 1 tuổi và từng có 3 đời vợ. Và ông chấm dứt mọi quan hệ với con gái cùng con rể cho tới ngày nhắm mắt xuôi tay. Nhưng, oái oăm thay, con gái Oona tưởng chừng bất hạnh thì lại viên mãn, cuộc hôn nhân tưởng chừng khập khiễng này lại nằm ngoài mong đợi, hai người hạnh phúc với nhau những 43 năm và có với nhau 11 mặt con. Ngược lại, bố và 2 người anh trai còn lại của cô thì tràn đầy bi kịch: cả 2 người anh đều tự tử vì nghiện ngập, bản thân Eugene O’Neill cũng nghiện rượu nặng và luôn luôn đối diện với bệnh ức chế thần kinh.
Căn nhà mà Eugene O’Neill sống cùng người vợ thứ hai hầu như không có tiếng cười trong vòng 7 năm cho tới ngày ông về cõi vĩnh hằng. Và kể cả cái giây phút ông kết thúc hành trình cuộc đời như nhân vật vở kịch nổi tiếng nhất của ông: “Hành trình lê thê của một ngày vào đêm” (Long days Journey into Night), cô con gái út cùng chàng rể vẫn chưa gặp lại bố một lần. Còn tôi, tôi có cảm nhận hình như vở kịch đoạt giải Pulitzer (1957) và giải Tony (1956) này, ông viết về số phận chính đại gia đình ông, bố mẹ, anh trai và vợ con ông: sự ngột ngạt bế tắc, đau đớn cả thể xác lẫn tâm hồn, sự hòa hợp và chia ly. Và, có lẽ vì thế mà nhiều người cho rằng, bảo tàng này là bảo tàng của những bất an...
Đông Thái