Chuyện mái nhà rông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong thời gian dịch giã buộc phải bó gối, khi mơ về một khoảng không khoáng đạt, tâm trí tôi chợt hướng về làng xa với vẻ đẹp hoang sơ mà thâm nghiêm của những mái nhà rông truyền thống. Chúng tạc lên nền trời diệu vợi, in vào ký ức một nét bay bổng mà không gì bó buộc nổi.
1. Nhà rông được dựng nên theo quan niệm của một số dân tộc bản địa Tây Nguyên: Làng không có nhà rông là… làng đàn bà. Cũng như việc đan gùi đòi hỏi sự tỉ mỉ, chi tiết nhưng lại là việc của đàn ông trong nhà. Nhà nào không có người đan gùi là một thiệt thòi.
Việc lập làng luôn đi đôi với dựng nhà rông. Đây là nơi diễn ra mọi sinh hoạt cộng đồng như thực hiện các nghi lễ, tổ chức các lễ hội lớn trong năm... Để dựng một nhà rông truyền thống, làng huy động sự góp sức của cả cộng đồng, nhất là thanh niên ròng rã hàng tháng trời. Vậy nên, hoàn thành một ngôi nhà rông to đẹp cũng đồng nghĩa với việc chứng tỏ sức mạnh trai tráng, khẳng định “tiềm lực” của làng.  
Quan sát kỹ sẽ thấy nhà rông Jrai thường cao ráo, bề ngang vừa phải, mái có hình lưỡi rìu vút lên mạnh mẽ, thanh thoát. Nhà rông Bahnar thì thân to ngang đường bệ, mái thấp, thâm trầm. Với vật liệu thi công đều là gỗ, mây, tranh, tre nứa…, nhà rông thu hút ánh nhìn ngay bởi vẻ hoang mộc, tiệp vào bức tranh thiên nhiên một cách hoàn hảo, làm thành bản thể sống động chẳng thể tách rời. Ngày thường, vào mỗi chiều, trước sân nhà rông, từng nhóm thanh niên tụ tập chơi bóng đá, bóng chuyền. Vài chị, vài mẹ gùi củi về ngang qua cũng không quên gửi lại ánh nhìn trìu mến. Vẻ đẹp và sinh khí của làng cứ rời rợi nơi đây. Mỗi lần dừng chân ngắm ngôi nhà rông truyền thống là tôi thêm một lần ngưỡng mộ “kiến trúc sư” tài ba của làng. 
Chẳng sách vở, bút thước, chỉ bằng kinh nghiệm truyền đời và tư duy hình khối đặc biệt, họ đã thiết kế chi tiết “bản vẽ” trong đầu với tỷ lệ cân xứng, hài hòa, sau đó phân công tài tình để cả trăm người ai vào việc nấy, nhanh chóng hoàn thành việc lớn của làng.
Nhằm tô đậm chỗ đứng của nhà rông trong đời sống văn hóa tinh thần của cư dân bản địa, gần đây có bài viết nêu thông tin về những ngôi làng sở hữu đến… 2-3 nhà rông truyền thống! Kỳ thực, từ xưa đến nay, thường mỗi cộng đồng làng chỉ có 1 nhà rông truyền thống làm nơi sinh hoạt chung, làm điểm tựa duy nhất để hướng về, như gà con quây mẹ. Chỉ đến khi thực hiện đề án sắp xếp, sáp nhập thôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2021 thì mới dẫn đến chuyện có làng sở hữu đến 2-3 nhà rông. Đơn cử, làng Đak Hway (xã Đak Tơ Pang, huyện Kông Chro) sở hữu đến 3 nhà rông truyền thống sau khi sáp nhập các làng Bong, Kráp, Hway. 
Nhà rông truyền thống làng Đak Hway (xã Đak Tơ Pang, huyện Kông Chro) nổi bật với những hoa văn cầu kỳ, sinh động trên vách. Ảnh: Phương Duyên
Nhà rông truyền thống làng Đak Hway (xã Đak Tơ Pang, huyện Kông Chro) nổi bật với những hoa văn cầu kỳ, sinh động trên vách. Ảnh: Phương Duyên
2. Nếu nhà rông Jrai ở các vùng ít có sự khác biệt về kiểu dáng thì nhà rông Bahnar mỗi nơi lại mang một đặc trưng. Đến với xã Hà Tây (huyện Chư Păh) cách TP. Pleiku chừng 50 km, nhiều khách phương xa không khỏi bất ngờ khi gặp những ngôi nhà rông Bahnar truyền thống to đẹp của các làng Kon Băh, Kon Măh, Kon Sơ Lăl... Đặc trưng của nhà rông Bahnar trong vùng là chiều ngang tương đối rộng, dáng vẻ bề thế, vách đan bằng tre nứa, có nẹp tre ngang dọc để tăng độ bền chắc, mái lợp tranh dày cả gang tay. Nhịp đời hối hả dường như chẳng làm lay chuyển quá nhiều nếp sống nơi đây.
Trong số này, nhà rông Kon Sơ Lăl được xem là lớn nhất Tây Nguyên với chiều cao tương đương ngôi nhà 4 tầng, chiều ngang 23 m, phải huy động 4.000 ngày công của dân làng trong suốt 4 tháng ròng mới có thể hoàn thành. Sau khi đưa vào sử dụng năm 2017, người làng bàn nhau dựng thêm nhà chồ (pra) ngay chỗ vừa lên hết cầu thang để làm nơi nghỉ chân trước khi bước vào bên trong, đồng thời bố trí 2 băng ghế gỗ đối xứng, đủ chỗ cho hàng chục người ngồi. Từ băng ghế này, có lần chúng tôi ngồi lặng yên ngắm những vệt nắng cuối ngày bình thản buông nhẹ trên những mái nhà, trên con đường làng hun hút. Chuyến phượt chẳng định trước giúp làm mới chính mình vô cùng hiệu quả.
Trong khi đó, xuôi về các huyện phía Đông, đặc biệt là ở Kông Chro, ta sẽ có dịp đối chiếu, so sánh vài nét khác biệt trong kiến trúc nhà rông truyền thống Bahnar. Nhà rông làng Tờ Nùng 1 (xã Ya Ma) hay nhà rông làng Đak Hway (xã Đak Tơ Pang) là những ví dụ. Ngoài chiều ngang hàng chục mét trông như một ngôi nhà dài, mái thấp và bằng tựa chiếc thuyền úp ngược, tấm thân uy nghiêm của chúng còn được tôn lên đặc sắc bởi những hoa văn sinh động, cầu kỳ như hoa văn hình thoi, mặt trời 8 cạnh… với 2 màu chủ đạo trắng-đỏ. Đứng trước khung cảnh ấy, ta tưởng như đang ngắm một tấm thổ cẩm vĩ đại vừa được dệt xong rồi căng dây phơi giữa khoảnh đất bằng phẳng, thoáng đãng. Vẻ đường bệ mà mềm mại của những nhà rông ấy khiến ta không khỏi liên tưởng đến bóng mẹ hiền từ. Lại có ngôi nhà rông mà vách tre được nẹp bằng những thanh gỗ phủ sơn xanh dương chạy song song trên thân trông thật lạ mắt, nổi bật. Chúng điểm xuyết một vẻ đẹp rực rỡ cho vùng đất khó. Chỉ tiếc là qua nhiều năm mưa nắng, do không tìm được tranh, phần mái của nhiều nhà rông đã thay bằng mái tôn chói lòa dưới nắng. 
Gần đây, ghé thăm một số nhà rông, chúng tôi bắt gặp những băng rôn, bảng biểu căng lên phía trước tuyên truyền dân làng cài đặt Bluezone, chủ động 5K để bảo vệ sức khỏe trước cơn đại dịch. Rất truyền thống nhưng cũng thật nhanh nhạy, kịp thời. Càng rõ ra một điều: Dù cuộc sống biến thiên, dù ít nhiều mai một, nhà rông vẫn luôn ở đấy, vững chãi vô cùng, để lúc nào cũng chở che cho làng…
PHƯƠNG DUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

(GLO)- Tại Kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra tại Thủ đô Asunción (Cộng hòa Paraguay) vào ngày 4-12, UNESCO đã chính thức ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

“Điểm sáng văn hóa vùng biên”

“Điểm sáng văn hóa vùng biên”

(GLO)- Năm 1993, Sở Văn hóa-Thông tin (VH-TT) và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai đã ký kết chương trình phối hợp hành động với nhiều hoạt động thiết thực, trong đó có mô hình “Điểm sáng văn hóa vùng biên”.

Mừng lúa mới trên cao nguyên

Mừng lúa mới trên cao nguyên

(GLO)- Sau khi thu hoạch mùa vụ và đưa lúa về kho, đồng bào Jrai náo nức với lễ mừng lúa mới. Nghi lễ nông nghiệp cổ truyền độc đáo này đã được bà con duy trì từ bao đời nay.

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.

Tiết mục hát dân ca của em Đinh Doanh và đoàn nghệ nhân xã Pờ Tó trong chương trình “Cồng chiêng cuối tuần-Thưởng thức và trải nghiệm” tại huyện Ia Pa. Ảnh: V.C

Cồng chiêng cuối tuần trở lại Ia Pa

(GLO)- Tối 17-11, chương trình “Cồng chiêng cuối tuần-Thưởng thức và trải nghiệm” tiếp tục được tổ chức tại huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai. Chương trình mang đến nhiều tiết mục đặc sắc làm nức lòng người dân và du khách.

Giá trị của liên hoan

Giá trị của liên hoan

Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 tổ chức tại TP Cần Thơ vừa khép lại. Bên cạnh những hồ hởi, vui vẻ, nhiều nỗi niềm của sân khấu cải lương truyền thống cũng đã bộc lộ trong mùa liên hoan năm nay.

Chuyện một “công trình sư” Bahnar

Chuyện một “công trình sư” Bahnar

(GLO)- Sau khi hoàn tất việc cắt lúa, ông Chánh thư thái ngồi trò chuyện cùng chúng tôi bên ghè rượu. Phẩm chất nghệ sĩ của người nông dân với tư cách “công trình sư” một loạt công trình, mô hình ghi dấu bản sắc văn hóa tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) hiện diện trước mặt chúng tôi.

Các nghệ nhân làng Chuet 2 (phường Thắng Lợi) phục dựng lễ báo hiếu cha mẹ tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Thu

Lễ báo hiếu của người Jrai

(GLO)- Lễ báo hiếu cha mẹ là tập tục văn hóa truyền thống đã có từ xa xưa trong đời sống của cộng đồng người Jrai. Đây là dịp để những người con đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục và cầu mong thần linh ban sức khỏe cho cha mẹ.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Sân trường rộn tiếng cồng chiêng

Sân trường rộn tiếng cồng chiêng

(GLO)- Cứ mỗi buổi sinh hoạt, khuôn viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lơ Pang (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) lại rộn ràng tiếng cồng chiêng. Âm thanh quen thuộc ấy đến từ đôi tay nhỏ bé của các em học sinh thuộc Câu lạc bộ (CLB) Cồng chiêng của trường.