
Miếu An Xuyên (thị xã An Khê) hiện vẫn lưu giữ nhiều văn bản dân gian từ thời khai hoang lập làng, niên đại từ thời Vua Thành Thái (1894). Đặc biệt là tập văn cúng Thủy thần ghi lại mốc lập làng, danh sách những người có công với làng. Ngoài bản đầu tiên còn có các bản chép tay vào năm 1915, 1935, 1956 do các cụ giữ miếu sao chép lại nhằm bảo tồn nội dung trong bối cảnh văn bản gốc đã xuống cấp. Các bản sao chép có bổ sung một số nội dung mới phù hợp với sự thay đổi trong đời sống cộng đồng, qua đó cũng mang giá trị tín ngưỡng, văn hóa, xã hội riêng.
“Khi các cụ cho tôi xem các tập văn cúng cổ này, những mảnh giấy cổ xưa đã mủn mục, ai chạm vào cũng phải rất cẩn thận để chúng không rách và rơi ra”-anh Sơn nhớ lại.
Trước sự lo lắng của bậc cao niên về việc bảo tồn hiện vật gắn với lịch sử lập làng, Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn đề xuất các cụ giao cho mình những văn bản này mang về bồi lại để tập văn cúng không bị mục nát hoàn toàn. Bằng kỹ thuật bồi giấy tự học được, anh đã phục hồi thành công tập văn cúng tại di tích miếu An Xuyên, giữ lại nguyên trạng và giúp kéo dài tuổi thọ của văn bản có thể lên đến trăm năm.
Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn cho biết: Đây là tập văn cúng cổ nhất còn lưu lại đến ngày nay trên địa bàn tỉnh, là minh chứng sống động về ký ức cộng đồng và là nguồn tư liệu chữ Hán-Nôm vô giá. Hiện nay, các bản gốc đang được trưng bày tại triển lãm Hán-Nôm ở Bảo tàng tỉnh để công chúng có thể tận mắt nhìn thấy một báu vật độc đáo trong kho tàng di sản tư liệu cổ ở Gia Lai mà người dân còn giữ được từ hơn 1 thế kỷ trước.

Vậy kỹ thuật bồi giấy là gì và có ý nghĩa như thế nào trong bảo tồn di sản tư liệu? Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn kể: Cơ duyên anh đến với kỹ thuật bồi giấy bắt nguồn từ niềm yêu thích tranh thủy mặc-dòng tranh vẽ trên giấy xuyến rất mỏng manh, muốn treo phải “bồi” thêm lớp giấy để gia cố. Bản thân họa sĩ vẽ các bức tranh thủy mặc mà anh sưu tập cũng không biết bồi, anh nhờ họa sĩ tại Gia Lai giúp nhưng cũng không ai nắm được kỹ thuật này.
Không bỏ cuộc, anh tự tìm tòi qua các trang mạng, tài liệu hướng dẫn của các nghệ nhân bồi tranh, bồi giấy truyền thống trong và ngoài nước. Từ việc học cách nấu, luyện hồ cho đến thực hành trên giấy dó, giấy xuyến, anh đã thành công và ứng dụng kỹ thuật đó vào việc bồi các bức tranh thủy mặc do mình sưu tập.
Bồi giấy là quá trình gia cố và bảo tồn văn bản giấy đã mục nát. Đây không chỉ là kỹ thuật thuần túy mà còn là một nghệ thuật kết hợp tinh tế giữa sự tỉ mỉ, kiên nhẫn và kiến thức về chất liệu dân gian truyền thống. Trước khi bồi, văn bản phải được “ngậm nước” vừa đủ, sau đó dùng cọ chuyên dụng vuốt phẳng bề mặt giấy. Đây là lúc giấy ở trong tình trạng mong manh nhất nên công đoạn này cực kỳ quan trọng, đòi hỏi độ chính xác, độ miết vừa đủ, bởi chỉ cần một chút sơ suất có thể làm rách hỏng văn bản gốc.
Tiếp theo là bước “vào hồ”-sử dụng keo hồ truyền thống nấu từ tinh bột, phết lên mặt sau văn bản một lớp mỏng để kết dính và gia cố. Tùy chất lượng văn bản có thể dùng hồ đặc hay loãng. Theo Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn: “Bản gốc đã tồn tại hàng trăm năm trên chất liệu giấy dó, mực tàu khi bồi đúng kỹ thuật có thể kéo dài thêm hàng thế kỷ nữa. Đặc biệt, khi giấy đã thấm và vào hồ, nếu hư hỏng vẫn có thể dễ dàng rã hồ ra, bồi lại mà không ảnh hưởng đến màu sắc, nét chữ. Nếu bồi dán bằng keo hồ hiện đại sẽ làm biến dạng và không phục hồi được văn bản gốc”.
Không dừng lại ở những bức tranh thủy mặc thuộc bộ sưu tập riêng của mình hay các tập văn cúng, trong quá trình nghiên cứu thực tế tại các địa phương trong tỉnh, thấy một số văn bản cổ xưa quý giá, anh Sơn cũng sẵn sàng giúp các gia đình sở hữu bồi lại. Đơn cử như trường hợp của gia đình họ Tô và họ Văn ở An Khê được anh giúp bồi lại sắc phong hàm Cửu phẩm bá hộ cho Lý trưởng thôn Tân Lai mang tên Văn Thạnh, Lý trưởng thôn Cửu An mang tên Tô Nga từ xấp xỉ 90 năm trước. Các mảnh giấy cổ xưa nhàu nhĩ màu thời gian nằm lặng yên gần trăm năm trong bóng tối nay bỗng được tỏa sáng trong không gian mới, khiến gia đình, con cháu gìn giữ bấy lâu càng thêm tự hào về tổ tiên ông bà của mình.
Dù hồi sinh các văn bản thuộc về cộng đồng hay cho tư gia các dòng họ, Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn đều làm hoàn toàn miễn phí. Đó là một chút tấm lòng của anh đối với di sản tư liệu quý của địa phương. Nhìn từ câu chuyện này, có thể thấy vấn đề bảo tồn tư liệu cổ không chỉ là trách nhiệm của cơ quan chuyên môn mà cần sự nhập cuộc của từng cá nhân có tâm huyết và hiểu biết.
Gia Lai hiện sở hữu một kho tư liệu Hán-Nôm phong phú với niên đại nhiều thế kỷ. Kỹ thuật bồi giấy có thể trở thành “phao cứu sinh” cho những văn bản cổ đang đứng trước nguy cơ hư hỏng do điều kiện bảo quản không tốt trong thời gian dài. Tuy nhiên, kỹ thuật này hiện ít người biết và làm được, thậm chí còn bị mai một trong chính giới bảo tồn. Đây cũng là một thách thức lớn trong việc bảo tồn di sản tư liệu hiện nay.