Chuyện ít biết về bia ký Chăm có nguồn gốc từ Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lâu nay, nhiều người vẫn thường biết đến bia Drang Lai (thị xã Ayun Pa) có ký hiệu C43 và bia Tư Lương (huyện Đak Pơ) ký hiệu C237. Thực ra, Gia Lai còn có 1 bia ký Chăm nữa có ký hiệu C42 đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Boston (TP. Boston, Mỹ). Tư liệu từ Viện Nghiên cứu thế giới cổ đại (Đại học New York) đã cung cấp những thông tin vô cùng quý giá về bia ký này.

Cuộc “phiêu lưu” của bia ký C42

Người Pháp phát hiện bia ký C42 từ những năm đầu thế kỷ XX tại khu đền Drang Lai thuộc khu vực Cheo Reo (Cheo Reo lúc này thuộc địa phận tỉnh Phú Yên, nay thuộc thị xã Ayun Pa). Bức tượng thần Shiva cưỡi bò và bia ký sau lưng bức tượng được chuyển đến tháp Yang Mum (cũng ở trong khu vực Cheo Reo) nên một số nhà nghiên cứu sau đó gọi là bia ký Yang Mum.

Tượng thần Shiva cưỡi bò (ảnh Bảo tàng Mỹ thuật Boston, Mỹ).

Tượng thần Shiva cưỡi bò (ảnh Bảo tàng Mỹ thuật Boston, Mỹ).

Văn khắc này được đề cập lần đầu tiên bởi linh mục thừa sai J-B. Guerlach trong báo cáo của Viện Viễn Đông Bác cổ năm 1901. Nó đã được khảo sát lại bởi nhà nghiên cứu Stenger vào năm 1902. Tấm bia ký này được mô tả lại bởi nhà nghiên cứu người Pháp H. Parmentier của Viện Viễn Đông Bác cổ năm 1909. Ông gọi là “văn khắc Cheo Reo”.

Năm 1927, bia ký C42 được Viện Viễn Đông Bác cổ đưa vào Bảo tàng Tourane (Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng hiện nay). Sau đó, tấm bia được đưa ra khỏi Bảo tàng Tourane trong một hoàn cảnh và vào một thời điểm như thế nào không ai biết, nhưng ước đoán vào thời kỳ giữa Thế chiến thứ 2. Đến năm 1986, bia ký tái xuất hiện tại Bảo tàng Mỹ thuật Boston dưới mã số acc.nr.986.331.

Nội dung bia ký C42

Bia ký C42 bằng đá cao 57 cm, cân nặng 60 kg, trên bia ký khắc 14 dòng chữ Chăm cổ. Bản dịch hoàn chỉnh lần đầu tiên là của Giáo sư Arlo Griffiths vào năm 2012 từ bức ảnh được cung cấp bởi Bảo tàng Mỹ thuật Boston và bản rập của Viện Viễn Đông Bác cổ. Bản dịch bia ký C42 bằng tiếng Anh được công bố lần đầu trên tạp chí HAL Open science năm 2019. Chúng tôi xin tạm dịch toàn văn nội dung bia ký C42 từ tiếng Anh sang tiếng Việt như sau:

“Đó là Y.P.K. Sri Vrsu-Visnujati Virabhadravarmadeva. Cái tên nguyên thủy của vị Hoàng tử, giống như cha của ông ta P.P.K, một người con siêu việt của TP. Nauk Glaun Vijaya. Ông ta đã phát quang và đốn hạ khu rừng Hayav. Ông đã xây đập trên sông Hayav. Ông chặt hạ rừng để tạo cánh đồng lúa Bhan. Tất cả người Việt mà P.P.K. đã bắt giữ trong vùng đất của người Việt, ông ta mang (họ) đến đây. Ông ta dâng một pamrm cho mệnh bà quyền quý, người mẹ thành công. P.P.K. yva dâng tặng kirendras, 20 kukum cho P.P.K. gvac cùng với tất cả những người miền núi có ngoại hình xinh đẹp ở tất cả các tỉnh cho P.P.K gvac. Ông đã xây dựng 1 ngôi đền đặt tên cho nó là Srisamr ddhipuri. Ông đã xây dựng một đài lửa phía Nam pháo đài. Ông chỉ thị cho một nghệ nhân tạo một bức tượng thần Siva. [Ông khuyên răn thần dân] hãy thực hiện thờ phượng hàng ngày, với tầm nhìn đến (sự thịnh vượng của tất cả và sự chia tách) thế giới (bây giờ) và trong thế giới tiếp theo. Hãy chú tâm vào vị vua của họ trong tương lai người sẽ nắm giữ vương quốc. Đừng phá hủy đền thờ của nhà vua. [đã khắc vào năm Saka 1331]”.

Nhiều thông tin quý giá

Bia ký C42 được lập vào năm Saka 1331, tức năm 1409-1410 dương lịch. So với bia ký Drang Lai (C43) năm Saka 1357 (năm 1435-1436 dương lịch), bia ký Tư Lương (C237) năm Saka 1360 (năm 1438-1439 dương lịch) thì bia ký C42 có niên đại sớm nhất và cùng dưới thời trị vì của Vua Vira Bhadravarmadeva (người Việt gọi là Ba Đích Lại).

Tìm hiểu về vị vua Vira Bhadravarmadeva, chúng ta trở lại lịch sử cuối thế kỷ XIV. Thời kỳ này, nhà Trần suy thoái, Champa dưới thời Vua Chế Bồng Nga đang hưng thịnh. Giữa Champa và Đại Việt xảy ra chiến tranh liên miên. Chế Bồng Nga nhiều lần tấn công Đại Việt, vào tận kinh thành Thăng Long đốt phá. Vua tôi nhà Trần nhiều lần phải rời bỏ kinh thành lánh nạn.

Bia ký C42 (ảnh Bảo tàng Mỹ thuật Boston, Mỹ).

Bia ký C42 (ảnh Bảo tàng Mỹ thuật Boston, Mỹ).

Năm 1390, Chế Bồng Nga tiến quân ra Hoàng Giang (Ninh Bình). Quân Trần do Thượng tướng Trần Khát Chân chỉ huy mai phục ở sông Hải Triều. Chế Bồng Nga bị phục kích tử trận, quân Champa tan vỡ. Tướng chỉ huy quân Champa là La Khải (La Ngai) rút quân về. Sau khi về kinh thành Vijaya (thành Đồ Bàn), La Khải tự xưng làm vua. La Khải chính là Jaya Simhavarman. Năm 1400, La Khải mất, con là Vira Bhadravarmadeva lên ngôi. Vua Vira Bhadravarmadeva trị vì trong thời gian từ năm 1401 đến năm 1441 (theo sách Vương quốc Champa của Gorges Maspero, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội).

Bia ký C42 cùng với bia ký Drang Lai và bia Tư Lương đã cung cấp những thông tin quý giá về lịch sử khu vực Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng. Các bia ký cho chúng ta biết ít nhất là vào thế kỷ XV, khu vực Tây Nguyên đã thuộc quyền cai quản của Vua Champa. Champa đã “thu nạp “vị vua vĩ đại của người miền núi” vào phạm vi lãnh địa có tên gọi Madhyamagrama và sự thần phục của Sri Gajaraja (vua của loài voi). Bằng cách này, sự bảo trợ của thần Kiratesvara được mở rộng đến phần lãnh địa trong rừng của vua Chăm” (bia ký Drang Lai).

Cả 3 bia ký ở Gia Lai đều nói đến TP. Nauk Glaun Vijaya. Nauk Glaun có nghĩa là vùng cao, thượng nguyên; Vijaya là kinh thành Đồ Bàn ở An Nhơn, Bình Định hiện nay. Nauk Glaun Vijaya là khu vực thượng nguyên của kinh thành Vijaya, tức là khu vực Tây Nguyên hiện nay. Vira Bhadravarmadeva từ khi còn là thái tử đã được vua cha Jaya Simhavarman cho cai quản khu vực Nauk Glaun Vijaya. Vira Bhadravarmadeva đã cho xây dựng cung điện, đền thờ Samr ddhipura ở đây (bia C42 và bia Tư Lương C237 đều nói đến địa danh này).

Cùng với tháp Yang Prong hiện còn ở tỉnh Đak Lak, các tháp Drang Lai, Yang Mum (tỉnh Gia Lai), Kon Klor (tỉnh Kon Tum) được các nhà nghiên cứu Pháp thống kê, miêu tả. Các phát hiện gần đây như: phế tích tháp Rong Yang (tháp Phú Thọ) ở TP. Pleiku, phế tích tháp Bang Keng ở huyện Krông Pa… khẳng định khu vực Tây Nguyên đã từng thuộc Vương quốc Champa.

Nhờ công nghệ số mà chúng ta biết được những thông tin vô cùng giá trị về bia ký C42. Một bia ký Chăm quý hiếm có nguồn gốc từ Gia Lai nhưng ít người biết đến. Các nhà nghiên cứu, các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu, quảng bá và xa hơn là xúc tiến kế hoạch “hồi hương cổ vật” để hy vọng một ngày nào đó, người dân trong nước được mục sở thị hiện vật “quý hơn vàng” này ngay tại quê hương.

Có thể bạn quan tâm

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

(GLO)- Tại Kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra tại Thủ đô Asunción (Cộng hòa Paraguay) vào ngày 4-12, UNESCO đã chính thức ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

“Điểm sáng văn hóa vùng biên”

“Điểm sáng văn hóa vùng biên”

(GLO)- Năm 1993, Sở Văn hóa-Thông tin (VH-TT) và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai đã ký kết chương trình phối hợp hành động với nhiều hoạt động thiết thực, trong đó có mô hình “Điểm sáng văn hóa vùng biên”.

Mừng lúa mới trên cao nguyên

Mừng lúa mới trên cao nguyên

(GLO)- Sau khi thu hoạch mùa vụ và đưa lúa về kho, đồng bào Jrai náo nức với lễ mừng lúa mới. Nghi lễ nông nghiệp cổ truyền độc đáo này đã được bà con duy trì từ bao đời nay.

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.

Tiết mục hát dân ca của em Đinh Doanh và đoàn nghệ nhân xã Pờ Tó trong chương trình “Cồng chiêng cuối tuần-Thưởng thức và trải nghiệm” tại huyện Ia Pa. Ảnh: V.C

Cồng chiêng cuối tuần trở lại Ia Pa

(GLO)- Tối 17-11, chương trình “Cồng chiêng cuối tuần-Thưởng thức và trải nghiệm” tiếp tục được tổ chức tại huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai. Chương trình mang đến nhiều tiết mục đặc sắc làm nức lòng người dân và du khách.

Giá trị của liên hoan

Giá trị của liên hoan

Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 tổ chức tại TP Cần Thơ vừa khép lại. Bên cạnh những hồ hởi, vui vẻ, nhiều nỗi niềm của sân khấu cải lương truyền thống cũng đã bộc lộ trong mùa liên hoan năm nay.

Chuyện một “công trình sư” Bahnar

Chuyện một “công trình sư” Bahnar

(GLO)- Sau khi hoàn tất việc cắt lúa, ông Chánh thư thái ngồi trò chuyện cùng chúng tôi bên ghè rượu. Phẩm chất nghệ sĩ của người nông dân với tư cách “công trình sư” một loạt công trình, mô hình ghi dấu bản sắc văn hóa tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) hiện diện trước mặt chúng tôi.

Các nghệ nhân làng Chuet 2 (phường Thắng Lợi) phục dựng lễ báo hiếu cha mẹ tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Thu

Lễ báo hiếu của người Jrai

(GLO)- Lễ báo hiếu cha mẹ là tập tục văn hóa truyền thống đã có từ xa xưa trong đời sống của cộng đồng người Jrai. Đây là dịp để những người con đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục và cầu mong thần linh ban sức khỏe cho cha mẹ.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Sân trường rộn tiếng cồng chiêng

Sân trường rộn tiếng cồng chiêng

(GLO)- Cứ mỗi buổi sinh hoạt, khuôn viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lơ Pang (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) lại rộn ràng tiếng cồng chiêng. Âm thanh quen thuộc ấy đến từ đôi tay nhỏ bé của các em học sinh thuộc Câu lạc bộ (CLB) Cồng chiêng của trường.