Chuyên gia chỉ cách ngăn chặn phần mềm gián điệp cài lén vào điện thoại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
Đối tượng Trần Ngọc Đức (ảnh: Cơ quan công an).
Vụ việc mới đây Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05, Bộ Công an) chuyển giao cho Công an Lâm Đồng đối tượng Trần Ngọc Đức (30 tuổi) cùng đồng phạm đã cài đặt phần mềm gián điệp vào máy của khoảng 12.000 người đang làm dấy lên lo ngại cho không ít người dùng.
Việc ngăn chặn phần mềm gián điệp đối với nhiều người không phải là chuyện quá khó khăn nếu có chút am hiểu về công nghệ. Tuy nhiên đối với đại đa số người dùng, đây là vấn đề không đơn giản, thậm chí hóc búa.
Trường hợp Trần Ngọc Đức, theo chuyên gia bảo mật Võ Đỗ Thắng – Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena - đối tượng là thợ sửa chữa điện thoại đã lén lút cài đặt phần mềm gián điệp vào máy của khách hàng để theo dõi, nghe lén, đánh cắp dữ liệu.v.v…
Chuyên gia Thắng khuyến cáo rằng, người dùng khi mang điện thoại đi sửa chữa cần chọn những nơi có uy tín, nhân viên chấp hành nghiêm các qui định của hệ thống và cũng tuân thủ đạo đức hành nghề nhằm hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro bị cài phần mềm nghe lén vào điện thoại.
Thứ hai, theo ông Thắng, khi cài các ứng dụng (app) từ chợ ứng dụng Google Play hay các nguồn khác người dùng cũng cần cẩn trọng. Trên thực tế, có không ít ứng dụng cho cài đặt và sử dụng miễn phí có chèn theo các mã độc, phần mềm gián điện để đánh cắp thông tin, dữ liệu người dùng.
Trong trường hợp cần kiểm tra, phát hiện điện thoại của mình có bị cài lén phần mềm gián điện hay không, những người dùng có kinh nghiệm có thể tìm kiếm và cài đặt các ứng dụng chống phần mềm gián điệp (Anti Spyware). Ứng dụng này sẽ giúp phát hiện các phần mềm được cài trong điện thoại có dấu hiệu chuyển dữ liệu ra bên ngoài thì có khả năng là phần mềm gián điệp, cần được xem xét, xử lí.
Với những người không am hiểu công nghệ, nếu nghi ngờ điện thoại bị cài phần mềm gián điệp thì có thể mang máy đến các trung tâm bảo mật/an ninh mạng để kiểm tra. Các trung tâm bảo mật sẽ giúp rà soát và liệt kê những phần mềm cài trên điện thoại có dấu hiệu chuyển dữ liệu ra ngoài, từ đó trao đổi với thân chủ để đưa ra hướng xử lí, khắc phục.
 
Tang vật thu giữ được từ đối tượng Đức và đồng phạm (ảnh: Cơ quan công an).
Theo chuyên gia bảo mật Ngô Tuấn Anh – Phó chủ tịch phụ trách an ninh mạng của Bkav - bình thường có hai cách cài phần mềm nghe lén vào điện thoại: Thứ nhất là khi người dùng chia sẻ mật khẩu cho người khác trong đó có đối tượng sẽ cài lén phần mềm gián điệp. Thứ hai là các đối tượng lừa người dùng tải các phần mềm/ứng dụng về điện thoại có kèm theo mã độc hay phần mềm nghe lén.
Với cách thứ nhất, đối tượng cài phần mềm nghe lén có thể là thợ sửa máy, hoặc người thân, bạn bè… Chính vì thế, theo ông Tuấn Anh, người dùng tuyệt đối không nên chia sẻ hay để lộ mật khẩu máy cho người khác. Trong trường hợp bất khả kháng, nếu có thể cần giám sát quá trình đối tượng sử dụng điện thoại của mình và sau đó nên thay đổi mật khẩu.
Khi có nghi ngờ máy bị cài lén phần mềm gián điệp, người dùng có thể tập trung vào các dấu hiệu cảm quan, như: Trên máy có những phần mềm/ứng dụng lạ hoạt động liên tục, máy nhanh hết pin, ứng dụng GPS (định vị) luôn bị kích hoạt ngoài ý muốn, kết nối mạng liên tục kết nối ra ngoài…
Về mặt kĩ thuật, người dùng có thể tìm kiếm một số phần mềm/ứng dụng bảo mật để cài đặt bảo vệ máy. Các phần mềm bảo mật có thể phát hiện ra những ứng dụng trên máy có những hành vi can thiệp vào danh bạ, tin nhắn, hình ảnh .v.v… Nếu đó là những  ứng dụng lạ mà mình không thường sử dụng thì cần xem xét và xử lí.  
Thế Lâm (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

500 nhà khoa học, lãnh đạo quốc tế bàn về trí tuệ nhân tạo cho tương lai

500 nhà khoa học, lãnh đạo quốc tế bàn về trí tuệ nhân tạo cho tương lai

Phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) an toàn và vững bền, các hệ thống trí tuệ tăng cường kết hợp trí tuệ tự nhiên và trí tuệ nhân tạo, Chính phủ sử dụng AI phục vụ tốt nhất cho công dân... là những vấn đề thời sự toàn cầu được các nhà khoa học quốc tế thảo luận tại hội thảo diễn ra sáng nay 11.1.