Chuyển đổi số: “Chìa khóa” để doanh nghiệp phát triển bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Chuyển đổi số được xem là “chìa khóa” để doanh nghiệp phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Vì thế, việc nâng cao nhận thức, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số đang được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm.

Để chuyển đổi số trong doanh nghiệp thành công phải ứng dụng công nghệ vào các mặt: cải tiến quy trình vận hành, công nghệ làm việc, quản lý dữ liệu, gắn kết khách hàng và thúc đẩy văn hóa-chiến lược số. Mục đích cuối cùng của quy trình này là để phát triển thị trường, mở rộng thị phần, thêm khách hàng, tăng doanh thu và lợi nhuận.

Tại buổi tập huấn cho các doanh nghiệp tỉnh Gia Lai về chuyển đổi số hồi tháng 11-2022, ông Hoàng Văn Ngọc-Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ mới phát triển quốc tế KTS Việt Nam-nhận định: “Các doanh nghiệp thường có một số tâm lý chung gây ảnh hưởng tới quá trình chuyển đổi số. Họ nghĩ chuyển đổi số vô cùng tốn kém và nếu triển khai thì lại mang tâm lý nóng vội, muốn thấy hiệu quả ngay. Trong thế giới công nghệ mà mọi thứ thay đổi quá nhanh, quá gấp gáp như hiện nay, doanh nghiệp cần bình tĩnh để tìm ra những khó khăn hiện có của mình, hiểu rõ bối cảnh cạnh tranh cũng như tâm lý người tiêu dùng, từ đó mới cân nhắc việc áp dụng công nghệ để đem lại hiệu quả cao nhất”.

Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức khóa đào tạo, tập huấn chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Ảnh: Hà Duy

Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức khóa đào tạo, tập huấn chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Ảnh: Hà Duy

Để từng bước thay đổi nhận thức của doanh nghiệp về chuyển đổi số, tỉnh đã phối hợp với nhiều đơn vị có liên quan triển khai tập huấn để các doanh nghiệp từng tiếp cận với quy trình chuyển đổi số. Ngoài ra, UBND tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh cũng ký kết hợp tác với nhiều đơn vị viễn thông lớn nhằm triển khai chuyển đổi số cho cộng đồng doanh nghiệp. Thông qua các chương trình này, ngoài những kiến thức cơ bản liên quan đến chuyển đổi số thì doanh nghiệp cũng tiếp cận được với nhiều nền tảng công nghệ có thể ứng dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

Như hệ sinh thái All-in-One của Công ty cổ phần Công nghệ mới phát triển quốc tế KTS Việt Nam tích hợp các nhóm tính năng chính là mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, chat OTT, trình duyệt tìm kiếm và trang quản trị doanh nghiệp. Nền tảng “Make in Vietnam” này cung cấp các tính năng phục vụ cho công tác sản xuất nội dung, thông tin tiếp thị, truyền thông và bán hàng online; đồng thời cung cấp trang cá nhân, blog cá nhân, trang bán hàng, thanh toán trực tuyến; cập nhật thông tin từ bạn bè, khách hàng nhanh chóng, không giới hạn.

Hay phần mềm tự động hóa công tác tài chính, kế toán MISA của Công ty cổ phần MISA giúp doanh nghiệp giảm đến 80% thao tác thủ công, tối ưu hiệu suất làm việc của bộ phận kế toán, có hệ thống cảnh báo thông minh để tránh bỏ lỡ công việc, giảm sai sót số liệu…

Mới đây, Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư mở lớp tập huấn chuyển đổi số cho gần 100 lãnh đạo quản lý cấp phòng, ban của các doanh nghiệp. Tại đây, các nội dung kiến thức mang tính chất “nền” đã được các chuyên gia tư vấn Dự án kết nối doanh nghiệp nhỏ và vừa (USAID LinkSME) truyền đạt, như: Môi trường kinh doanh thời đại số và nhu cầu chuyển đổi số; các cấp độ, giai đoạn chuyển đổi số; giải pháp, các bước triển khai chuyển đổi số; giải pháp quản trị tổng thể doanh nghiệp “Tối ưu vận hành-Tăng trưởng đột phá”; cách nhận biết các mô hình đổi mới sáng tạo; nhận diện các thách thức trong kinh doanh; sử dụng công cụ tư duy thiết kế để thiết kế đổi mới sáng tạo; xây dựng phễu bán hàng; xây dựng mô hình kinh doanh tinh gọn; marketing du kích cho doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Ông Phùng Anh Quân-chuyên gia tư vấn Dự án USAID LinkSME-chia sẻ: “Bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển đã tác động đến môi trường sản xuất kinh doanh. Hành vi của người tiêu dùng thay đổi hơn bao giờ hết dẫn tới môi trường kinh doanh thay đổi. Do đó, doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ đều phải đáp ứng chuyển đổi số để tồn tại và phát triển bền vững”.

Công ty Điện lực Gia Lai đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Ảnh: Hà Duy

Công ty Điện lực Gia Lai đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Ảnh: Hà Duy

Là người rất quan tâm đến vấn đề chuyển đổi số trong doanh nghiệp, bà Trần Thị Bích Danh-Giám đốc Công ty Sâm Ngọc Linh Bích Danh (17 Nguyễn Trường Tộ, TP. Pleiku) cho biết: “Tôi đã dự khá nhiều lớp tập huấn liên quan đến chuyển đổi số bởi trong thời buổi này, doanh nghiệp không thể cứ kinh doanh theo kiểu truyền thống. Mục tiêu của tôi là đưa sản phẩm ra thị trường thế giới nên rất cần được hướng dẫn các phương thức thực hiện. Hiện tôi đang đẩy mạnh quảng bá sản phẩm qua các sàn giao dịch điện tử, kênh Zalo, Facebook và hiệu quả kinh doanh theo đó cũng tăng lên nhiều”.

Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số. Tuy nhiên, bản thân việc áp dụng công nghệ chưa chắc đảm bảo được kết quả kinh doanh cho doanh nghiệp, mà sự thành công của chuyển đổi số phải nằm ở trong tư duy, trong cách nhân viên của doanh nghiệp tiếp cận và thực hiện hàng ngày. “Khi chuyển đổi số, văn hóa kinh doanh và quy trình hoạt động của doanh nghiệp sẽ thay đổi nên doanh nghiệp cần có kế hoạch đào tạo nâng cao trình độ cho nhân sự, bố trí hoặc luân chuyển nhân sự phù hợp”-ông Quân nhận định.

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai đạt 141 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý III năm nay, thấp hơn cùng kỳ 12%; lỗ ròng 182 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 199 tỷ đồng. Như vậy, quý III năm nay là quý thua lỗ thứ 14 liên tiếp của doanh nghiệp này.

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Tổng Công ty CP Bia rượu Nước Giải Khát Sài Gòn sẽ chi hơn 830 tỷ đồng để mua công khai hơn 37,8 triệu cổ phiếu SBB của Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn - Bình Tây và chi hơn 100 tỷ đồng để mua hơn 2 triệu cổ phiếu WSB của Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Tây.