VN-Index nhanh chóng lấy lại mốc 1.200 điểm. Kết tuần, VN-Index giảm 1,1% xuống mức 1.223,6 điểm. Thanh khoản tuần này tăng 6,1% lên mức 17.048 tỷ đồng/phiên.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng 3.994 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần, trong đó bán ròng 3.943,5 tỷ đồng trên HoSE.
Cùng với xu hướng hồi phục của các thị trường lớn, VN-Index giữ mạch hồi phục trong nửa cuối tuần, sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố số người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần qua ít hơn dự báo, phần nào xóa tan lo ngại về nguy cơ nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái. Đồng thời, thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ cũng ghi nhận phiên tăng điểm mạnh nhất trong 2 năm, giá dầu tăng trở lại đi cùng với lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ phục hồi về mức 4%, tất cả những diễn biến này cho thấy tâm lý thị trường đã dần cân bằng trở lại sau cú sốc cuối tuần trước.
Ngay phiên đầu tuần, VN-Index để mất mốc 1.200 điểm. |
Theo khối phân tích Chứng khoán VNDirect, lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp niêm yết trong quý II đã tăng trưởng trên 20% so với cùng kỳ, vượt mức dự báo của thị trường trước đó là 5-10%.
Sau nhịp điều chỉnh mạnh, định giá của thị trường cũng về mức hấp dẫn hơn khi P/E của VN-Index đã có thời điểm chạm mức -1 độ lệch chuẩn, từ đó kích thích dòng tiền “bắt đáy” nhập cuộc.
Chuyên gia Phạm Bình Phương - Chứng khoán Mirae Asset - nhận định, dù thị trường chung hồi phục trong nghi ngờ, nhưng ở phiên cuối tuần, một số cổ phiếu đã giảm nhiều trước đó như FPT, các mã của Viettel (VTP, CTR), và nhóm chứng khoán (FTS, BSI, SSI, VCI) đang hồi phục khá mạnh. Đây có thể là cơ hội cho các giao dịch ngắn hạn.
Nhóm phân tích của Chứng khoán VPBank (VPBankS) nhận định, thị trường trong nước duy trì nhịp phục hồi vào phiên cuối tuần, thanh khoản tuy giảm so với phiên trước đó nhưng độ rộng thị trường khá tích cực khi đà tăng lan tỏa ở khắp các nhóm ngành. Về kỹ thuật, tuần này vẫn là tuần giảm điểm thứ 5 liên tiếp, tuy nhiên mức đóng cửa đang cao nhất tuần...
Với những biến động trên thị trường tài chính trong nước và quốc tế vừa qua, VNDirect đưa quan điểm tích cực với triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong trung hạn từ 6-12 tháng. Yếu tố hỗ trợ cho thị trường bao gồm kết quả kinh doanh tích cực trong quý II, dự báo lợi nhuận toàn thị trường có thể tăng trưởng 18% trong năm nay.
Kết quả kinh doanh quý II của các ngành so với cùng kỳ năm trước. |
Kịch bản Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất điều hành 2-3 lần từ nay đến cuối năm đang dần trở nên hiện hữu, giúp giảm bớt áp lực tỷ giá. Ngân hàng Nhà nước có thể linh hoạt hơn để bơm thanh khoản vào hệ thống, đặc biệt là trong quý IV (thông qua kênh OMO và mua vào USD), qua đó giúp duy trì mặt bằng lãi suất trong nước ở mức hấp dẫn để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Trong bối cảnh thị trường dần cân bằng trở lại, chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư xem xét tái cơ cấu danh mục cho mục tiêu đầu tư trung và dài hạn. Theo VNDirect, VN-Index có thể đóng cửa năm 2024 ở vùng 1.300-1.350 điểm (kịch bản cở sở) và trong kịch bản tích cực (Fed hạ lãi suất điều hành như thị trường kỳ vọng và Ngân hàng Nhà nước có động thái nới lỏng chính sách tiền tệ), VN-Index có thể đóng cửa trên 1.400 điểm.
Do đó, trường hợp VN-Index kiểm định lại vùng hỗ trợ 1.200 điểm sẽ là cơ hội tốt để nhà đầu tư dài hạn xem xét gia tăng tỷ trọng cổ phiếu và xây dựng danh mục đầu tư cho tầm nhìn 6-12 tháng tới.
Nhà đầu tư có thể quan sát, ưu tiên các nhóm ngành có triển vọng kinh doanh cải thiện như Ngân hàng và Xuất nhập khẩu (dệt may, thủy sản, sắt thép); tuy nhiên lưu ý duy trì tỷ trọng danh mục ở mức hợp lý (60-70% cổ phiếu, không sử dụng đòn bẩy để quản trị rủi ro khi trong ngắn hạn thị trường vẫn còn nguy cơ rung lắc mạnh.
Theo Việt Linh (TPO)