(GLO)- Hiện nay, áp lực về việc làm ở vùng nông thôn đang ngày càng lớn. Nhận thức rõ điều này, tỉnh đã triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói chung và đào tạo nghề cho lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo nói riêng.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, từ 2005 đến nay, công tác dạy nghề cho người nghèo đã được quan tâm, gắn đào tạo nghề với nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo, giải quyết việc làm góp phần đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động, đặc biệt là ưu tiên đào tạo nghề cho lao động nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số.
Dạy nghề sửa chữa ô tô cho con em người dân tộc thiểu số ở 4 huyện, thị phía Đông tỉnh. Ảnh: Đức Thụy |
Theo thống kê, toàn tỉnh có 12 cơ sở đào tạo nghề, trong đó 10 cơ sở đào tạo nghề công lập và 2 cơ sở ngoài công lập. Từ năm 2007 đến đầu năm nay, các cơ sở này đã đào tạo nghề cho 34.874 lao động, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số là 26.560 người, lao động nghèo là 14.034 người. Ngành nghề được đào tạo gồm: điện dân dụng; chăm sóc, khai thác mủ cao su; chăm sóc cà phê; chăn nuôi; sửa chữa xe máy; xây dựng; trồng trọt; bảo vệ thực vật và may công nghiệp-dân dụng.
Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại một số địa phương vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Việc đào tạo nghề chưa gắn với nhu cầu thực tế, đào tạo dồn dập, cấp tốc để đạt chỉ tiêu dẫn đến chất lượng không bảo đảm, hoặc mở lớp dạy nghề nhưng không tính đến đầu ra nên lao động nông thôn học xong thì không có việc làm, tỷ lệ giữa lao động nông thôn được học nghề nông nghiệp và nghề phi nông nghiệp vẫn chưa được cân đối… Do đó, sức thu hút đối với lao động nông thôn tham gia học nghề chưa cao.
Ông Huỳnh Thành- Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng: Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói chung và dạy nghề cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng không đạt yêu cầu. Các trường dạy nghề tuyển sinh không đủ, cơ sở vật chất, trang-thiết bị dạy học sắm xong rồi bỏ không.
Số lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã được tính một cách cụ thể nhưng một vấn đề quan trọng nhất là đầu ra sau đào tạo lại không có số liệu nào thống kê chi tiết. Công tác đào tạo nghề theo chỉ tiêu, sau đó hầu như bỏ ngỏ, người học tự bươn chải tìm kiếm việc làm. Anh Nguyễn Minh Tâm (thị xã Ayun Pa) chia sẻ: Tôi học nghề cơ khí ra trường đã 2 năm nhưng chưa tìm được việc làm. Với kiến thức đã được học, tôi dự định vào TP. Hồ Chí Minh tìm việc.
Nhiều thanh niên nông thôn không có việc làm đành phải rời bỏ quê hương đến các thành phố lớn tìm việc và cũng chỉ làm những việc đơn giản, thủ công với mức lương thấp. Những người trụ lại địa phương thì cũng phát triển nhỏ lẻ vì thiếu vốn, kiến thức, kinh nghiệm. Cũng chính vì trình độ còn hạn chế nên việc tuyển sinh và đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở các trường đào tạo nghề cũng gặp không ít khó khăn. Hệ sơ cấp còn có thí sinh để tuyển còn hệ trung cấp tuyển sinh rất khó vì yêu cầu học viên phải tốt nghiệp THCS trở lên. Đây là vấn đề khó đối với một tỉnh miền núi nhất là các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số.
Anh Khoa