Chư Sê tập trung chống hạn vụ Đông Xuân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Thời tiết nắng nóng gay gắt từ đầu năm đến nay khiến gần 400 ha cây trồng vụ Đông Xuân 2022-2023 của huyện Chư Sê bị khô hạn. Để giảm thiểu thiệt hại cho nông dân, ngành chức năng đang tập trung triển khai các giải pháp chống hạn.

Từ đầu tháng 3 đến nay, thời tiết ở xã Kông Htok nói riêng và huyện Chư Sê nói chung nắng nóng gay gắt, nhiệt độ luôn ở mức cao. Suối Ia Pết-nơi cung cấp nước tưới cho 48 ha lúa của cánh đồng làng Ser Dmó (làng Ser Dmó, xã Kông Htok) gần như khô cạn. Dù nhiều hộ dân đã nỗ lực bơm nước từ giếng để tưới cho cánh đồng nhưng cũng không thấm vào đâu. Dân làng đành bất lực nhìn ruộng lúa của mình khô cháy từng ngày.

Bà Kpuih H’Ruih (làng Ser Dmó, xã Kông Htok) buồn rầu vì hơn 3 sào lúa của gia đình bị khô cháy vì nắng hạn. Ảnh: Nguyễn Quang

Bà Kpuih H’Ruih (làng Ser Dmó, xã Kông Htok) buồn rầu vì hơn 3 sào lúa của gia đình bị khô cháy vì nắng hạn. Ảnh: Nguyễn Quang

Khoảng 1 tuần nay, hơn 3 sào lúa của bà Kpuih H’Ruih (làng Ser Dmó) bị khô cháy vì nắng hạn. “Chưa năm nào suối Ia Pết lại cạn nước nhanh như vậy. Đầu tháng 3, suối đã bắt đầu cạn. Nước giếng cũng cạn nên hơn 3 sào lúa khô cháy từng ngày. Mong Nhà nước quan tâm hỗ trợ giống, phân bón để gia đình có điều kiện sản xuất vụ tới”-bà H’Ruih nói.

Theo ông Rmah Che-cán bộ Địa chính Nông nghiệp xã Kông Htok, từ trước đến nay, cánh đồng làng Ser Dmó chưa có chuyện xảy ra hạn hán sớm như năm nay. Lúa đang giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng lại gặp nắng hạn gay gắt, không có nước tưới nên gần như mất trắng. Hiện đã có 70-80% diện tích lúa bị khô cháy.

Cánh đồng làng Tel (xã Ia Hlốp) cũng đang khát nước tưới bởi nước từ hệ thống thủy lợi Ia Blin đã bị khô cạn cả tháng nay. Để cứu diện tích lúa đang trong giai đoạn làm đòng, chính quyền địa phương đã điều tiết nước từ hồ Ia Glai nhưng quãng đường dài, lượng nước hao hụt nên cũng không cấp đủ cho cánh đồng này. Nhiều hộ dân đã huy động máy móc, mua dầu bơm nước từ giếng tưới lúa với hy vọng cứu vớt phần nào.

Khoảng 1 tháng nay, anh Kpuih Bel (làng Tel) thường xuyên mua dầu để chạy máy bơm tưới nước cho hơn 2 sào lúa đang giai đoạn làm đòng. Anh cho biết: “Mỗi lần bơm tưới chỉ được 30 phút là cạn tới đáy. Hy vọng trời mưa sớm để cứu diện tích lúa của gia đình cũng như các hộ dân trồng lúa trên cánh đồng này”.

Tương tự, gần 100 ha lúa trên cánh đồng xã Ia Ko cũng bắt đầu thiếu nước tưới. Anh Kpuih Gréc-Trưởng thôn O Grưng-cho biết: “Để đảm bảo nước tưới cho cánh đồng, từ ngày 1 đến 4-4, huyện đã điều tiết nước từ hồ thủy lợi Ia Glai về phục vụ cho cánh đồng. Tuy nhiên, mực nước hồ Ia Glai cũng đang xuống thấp, nếu tình hình nắng hạn tiếp tục kéo dài thì khả năng lúa ở hạ nguồn có thể bị khô hạn. Ngoài ra, diện tích cà phê, hồ tiêu của người dân cũng sẽ bị ảnh hưởng vì nước giếng cũng bắt đầu sụt giảm mạnh”.

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê, tính đến ngày 6-4, toàn huyện có gần 400 ha cây trồng bị thiệt hại do nắng hạn. Tập trung chủ yếu là diện tích lúa Đông Xuân với hơn 373,6 ha, trong đó có 218 ha lúa thiệt hại trên 70%, hơn 128 ha thiệt hại 50-70%, hơn 27 ha thiệt hại 30-50%. Ước tổng giá trị thiệt hại do hạn hán gây ra 643,7 triệu đồng.

Diện tích lúa ở cánh đồng làng Ser Dmó (xã Kông Htok) gần như mất trắng vì hạn. Ảnh: Nguyễn Quang

Diện tích lúa ở cánh đồng làng Ser Dmó (xã Kông Htok) gần như mất trắng vì hạn. Ảnh: Nguyễn Quang

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Thương-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người dân, UBND huyện chỉ đạo các ngành, đơn vị chức năng khẩn trương triển khai các biện pháp chống hạn cho vụ Đông Xuân. Đồng thời, thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật phối hợp với các địa phương kiểm tra ruộng đồng, hướng dẫn người dân triển khai phòng-chống hạn; sử dụng các nguồn nước như giếng đào, giếng khoan, ao hồ, kênh rạch… để tưới cho cây trồng.

Bên cạnh đó, UBND huyện cũng yêu cầu Xí nghiệp Thủy nông Chư Sê-Chư Pưh phối hợp với UBND xã có diện tích hợp đồng với đơn vị triển khai công tác chống hạn, hỗ trợ dầu để người dân chủ động bơm tưới diện tích lúa đang làm đòng và trổ bông.

“Hầu hết diện tích lúa Đông Xuân đang trong thời kỳ trổ bông, đong sữa và chắc hạt. Đây là giai đoạn cây lúa rất cần nước, người dân nên ưu tiên nguồn nước tưới để cứu lúa. Dự báo, trong khoảng 1 tháng nữa nếu không có mưa thì tình trạng khô hạn sẽ nghiêm trọng hơn. Bởi hiện nay lượng nước trên các sông suối, ao hồ cũng như mực nước tại các giếng đang xuống rất thấp nên khả năng cấp nước cho cây trồng sẽ hạn chế”-ông Thương thông tin.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Trao chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao

Gia Lai: Trao chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao

(GLO)- Chiều 8-5, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị công bố Quyết định số 803/QĐ-UBND ngày 28-12-2023 của UBND tỉnh về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm năm 2023.

Người cao tuổi ở Ia Grai làm kinh tế giỏi

Người cao tuổi ở Ia Grai làm kinh tế giỏi

(GLO)- Huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) có gần 7.000 hội viên người cao tuổi (NCT), trong đó, 659 hội viên được công nhận là NCT làm kinh tế giỏi. Họ là lực lượng đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Điều chuyển hơn 57 tỷ đồng trồng rừng thay thế

Điều chuyển hơn 57 tỷ đồng trồng rừng thay thế

(GLO)- Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) vừa có công văn đề nghị UBND các tỉnh, TP. Hà Nội và đơn vị liên quan chỉ đạo, thông báo các chủ dự án nộp hơn 57,3 tỷ đồng tiền trồng rừng thay thế để điều chuyển cho tỉnh Gia Lai kịp thời trồng rừng.
Dựa vào dân để giữ rừng

Dựa vào dân để giữ rừng

(GLO)- Thời gian qua, các địa phương, đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh triển khai công tác giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và cá nhân sống gần rừng.