Chư Sê gặp khó trong công tác trồng rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Do quỹ đất để trồng rừng hạn chế và nhận thức của một bộ phận người dân chưa cao nên công tác trồng rừng tại huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) gặp nhiều khó khăn.
Để đạt chỉ tiêu UBND tỉnh giao, ngay từ đầu năm 2021, UBND huyện Chư Sê đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm phối hợp với ngành chức năng, UBND các xã, thị trấn khẩn trương rà soát, chọn quỹ đất và tuyên truyền, vận động người dân đăng ký trồng rừng trên diện tích đất lâm nghiệp đã lấn chiếm. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Nhiều hộ dân chưa nhận thức sâu sắc ý nghĩa của việc trồng rừng. Cùng với đó, một số hộ còn khá e dè, không dám đăng ký trồng mới khi nhiều diện tích rừng trồng những năm trước bị chết.
Nhiều diện tích rừng trồng năm 2017 ở huyện Chư Sê bị chết khô do nắng hạn. Ảnh: Quang Tấn
Nhiều diện tích rừng trồng năm 2017 ở huyện Chư Sê bị chết khô do nắng hạn. Ảnh: Quang Tấn
Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện Chư Sê, trong số 35,84 ha rừng trồng tập trung năm 2017 thì có 29,73 ha bị chết. Năm 2018, huyện trồng được 23,61 ha thì có 21,13 ha bị chết và năm 2019 có 18,39/25,39 ha rừng trồng bị chết. Nguyên nhân do phần lớn diện tích đất rừng là đá sỏi nên khi gặp nắng hạn kéo dài dẫn đến cây chết dần. Cùng với đó, một số diện tích rừng trồng năm 2018 và 2019 bị chết do ngập úng vào mùa mưa, khô hạn vào mùa nắng.
Ông Phạm Ngọc Thanh-Chủ tịch UBND xã Kông Htok-cho biết: Ủy ban nhân dân xã phối hợp với Hạt Kiểm lâm tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, vận động nhưng hầu hết người dân không đồng thuận chuyển đổi đất lâm nghiệp lấn chiếm sang trồng rừng. Mặc dù UBND xã cũng như Hạt Kiểm lâm đã nêu rõ những quyền lợi được hưởng khi trồng rừng (được hỗ trợ 2 triệu đồng/ha trong năm đầu để dọn dẹp thực bì, mua giống và trong 4 năm tiếp theo sẽ được hỗ trợ thêm 5 triệu đồng để chăm sóc) nhưng người dân vẫn chưa đăng ký. Hầu hết hộ dân đều lấy lý do đất không phù hợp khiến nhiều diện tích rừng trồng những năm trước bị chết nên có tâm lý lo ngại.
Dù nhiều lần được tuyên truyền, vận động nhưng ông Nay Tuynh (làng Ia Choan Luh, xã Kông Htok) vẫn chưa đồng thuận chuyển đổi 8 sào đất lâm nghiệp đã lấn chiếm sang trồng rừng. Ông cho rằng, diện tích này được sản xuất ổn định nhiều năm nay và là nguồn thu nhập chính của gia đình. Trong khi đó, nhiều diện tích rừng trồng của dân làng những năm trước đều bị chết gần hết.
Hạt Kiểm lâm cùng với UBND các xã đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, vận động nhưng vẫn không thu hút được người dân tham gia đăng ký trồng rừng. Ảnh: Quang Tấn
Hạt Kiểm lâm huyện Chư Sê phối hợp với UBND các xã đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, vận động nhưng vẫn không thu hút được người dân tham gia đăng ký trồng rừng. Ảnh: Quang Tấn
Trao đổi với P.V, ông Thái Thượng Hải-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chư Sê-cho hay: Diện tích rừng đã trồng bị chết nhiều do điều kiện thổ nhưỡng (tầng đất mỏng, tỷ lệ đá nhiều, đất nghèo dinh dưỡng), khí hậu không thuận lợi, mùa nắng khô hạn, mùa mưa lại ngập úng. Điển hình như một số diện tích rừng trồng năm 2017 có hiện tượng cây chết khô hàng loạt từ ngọn xuống gốc. Chính vì vậy, người dân không còn mặn mà với việc trồng rừng, thậm chí có người không chịu đăng ký trồng dặm diện tích rừng đã bị chết. Cùng với đó, hầu hết người dân tham gia trồng rừng có hoàn cảnh khó khăn nên việc hỗ trợ kinh phí 2 triệu đồng/ha trong năm đầu tiên để dọn thực bì, đào hố, mua giống là còn thấp, không tạo động lực, thu hút bà con. Ngoài ra, diện tích đăng ký trồng rừng manh mún, nhỏ lẻ, nằm rải rác nên gây khó khăn cho công tác khuyến lâm cũng như theo dõi, hướng dẫn, giám sát trồng, chăm sóc và phòng cháy, chữa cháy rừng.
“Theo kế hoạch, năm 2021, huyện Chư Sê triển khai trồng 30 ha rừng tập trung và 60 ha cây phân tán. Tuy nhiên, đến nay, huyện mới chỉ trồng được 34 ha cây phân tán, còn đối với diện tích trồng rừng tập trung thì chưa triển khai. Hạt cùng với UBND các xã mới chỉ vận động được 3 hộ dân đăng ký trồng rừng tập trung với diện tích 2,4 ha. Thời gian tới, Hạt sẽ tiếp tục phối hợp với UBND các xã Al Bá, Ia Pal, Hbông, Kông Htok đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện đăng ký trồng rừng trên diện tích đất lâm nghiệp lấn chiếm, phấn đấu hoàn thành kế hoạch đề ra”-ông Hải thông tin.
Ngoài ra, Hạt Kiểm lâm huyện Chư Sê cũng đề nghị các cấp có thẩm quyền hướng dẫn hồ sơ, thủ tục thanh lý những diện tích rừng bị chết do những nguyên nhân bất khả kháng như: thổ nhưỡng không phù hợp, do thiên tai, dịch bệnh… Đồng thời, lựa chọn cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương để trồng rừng có tỷ lệ sống cao và sinh trưởng tốt.
QUANG TẤN

Có thể bạn quan tâm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

(GLO)- Nhờ chủ động nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi, cộng với việc đưa các giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất nên năng suất lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 tăng đáng kể. Với giá lúa tăng 2-3 ngàn đồng/kg so với vụ trước, bà con nông dân trong tỉnh đã có một vụ sản xuất “thắng lợi kép”.