Chư Sê: Điều tiết nước hợp lý để chống hạn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Gia Lai đang bước vào giai đoạn cao điểm của mùa khô. Mực nước tại các sông suối, ao hồ, đập trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Chư Sê nói riêng giảm tương đối mạnh, nguy cơ xảy ra hạn vào cuối vụ rất lớn.

Do đó, ngành chức năng huyện Chư Sê đang tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để chống hạn.

Theo ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê: Nhằm tránh những thiệt hại do hạn hán, thiếu nước gây ra cho sản xuất nông nghiệp, ngay từ đầu vụ Đông Xuân 2023-2024, đơn vị đã khuyến cáo bà con nông dân không tiến hành sản xuất lúa nước ở những khu vực thường xuyên bị hạn, không có công trình thủy lợi. Cùng với đó, tuyên truyền, phổ biến lịch thời vụ cụ thể đối với từng loại cây trồng, nhất là lúa cũng như sử dụng các loại giống ngắn ngày, chống hạn tốt…

Nguồn nước dẫn về cánh đồng Kjai (xã Kông Htok) vẫn tương đối dồi dào, đảm bảo cho người dân sản xuất. Ảnh: Q.T

Nguồn nước dẫn về cánh đồng Kjai (xã Kông Htok) vẫn tương đối dồi dào, đảm bảo cho người dân sản xuất. Ảnh: Q.T

Đồng thời, củng cố, kiện toàn, thành lập mới các tổ thủy lợi cơ sở, các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi theo quy định và huy động người dân tham gia quản lý, hoàn thiện hệ thống kênh mương nội đồng. Nhờ đó, đến nay, tuy mực nước các công trình thủy lợi có giảm nhưng vẫn đảm bảo cung cấp nước tưới cho bà con nông dân, chưa xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước cục bộ.

Dù ở cuối kênh thủy lợi nhưng nhờ được điều tiết hợp lý nên hơn 40 ha lúa của người dân canh tác tại cánh đồng Kjai (xã Kông Htok) hiện vẫn sinh trưởng và phát triển tốt, chưa có dấu hiệu thiếu nước tưới. Anh Rmah Chê (làng Kjai Tăng) cho biết: “Nước trong kênh vẫn đang rất dồi dào, chưa xảy ra tình trạng thiếu hay tranh chấp nguồn nước giữa các cây trồng. Khoảng 1 ha cà phê của gia đình vừa mới tưới xong đợt 3. Không như thời điểm này năm trước, nước không đủ, mình phải huy động máy móc, nhân công để tiến hành cảo, khoan giếng lấy nước tưới cho vườn cà phê. Hiện diện tích lúa của người dân tại cánh đồng này đang trong giai đoạn chắc hạt, khoảng 1 tháng nữa là thu hoạch đại trà nên khả năng xảy ra thiếu nước không cao”.

Ông Dương Duy Hùng-Chủ tịch UBND xã Kông Htok-cho hay: Xã đã kiện toàn tổ thủy lợi ở các thôn, làng; huy động người dân tham gia nạo vét kênh mương; tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm; tăng cường ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm trên các loại cây trồng… Đồng thời, thường xuyên theo dõi mực nước tại các suối, ao, hồ, các công trình thủy lợi để báo cáo huyện đề nghị các đơn vị liên quan điều tiết kịp thời, đảm bảo sản xuất. Đặc biệt, nhằm tránh thiệt hại, trong vụ Đông Xuân này, xã đã vận động người dân không sản xuất 50 ha tại cánh đồng Ba vì nơi này không có công trình thủy lợi, thường xuyên xảy ra hạn.

“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết, mực nước trên các suối, công trình thủy lợi để hướng dẫn bà con nông dân sản xuất vụ Đông Xuân 2023-2024 đạt hiệu quả. Cùng với đó, chỉ đạo các tổ thủy lợi cơ sở tiếp tục điều tiết nước hợp lý, tránh để tranh chấp nguồn nước giữa các loại cây trồng. Trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước cục bộ thì ưu tiên nguồn nước cứu những cây trồng có giá trị cao, chuẩn bị thu hoạch cũng như huy động máy móc và tận dụng mọi nguồn nước để tưới cho cây trồng”-Chủ tịch UBND xã Kông Htok thông tin.

Diện tích cà phê của gia đình anh Rmah Chê phát triển tốt nhờ nguồn nước đảm bảo. Ảnh: Q.T

Diện tích cà phê của gia đình anh Rmah Chê phát triển tốt nhờ nguồn nước đảm bảo. Ảnh: Q.T

Vụ Đông Xuân 2023-2024, toàn huyện Chư Sê gieo trồng hơn 2.399 ha cây trồng các loại, đạt 102,09% kế hoạch huyện giao và tăng 3,76% so với vụ Đông Xuân trước. Trong đó, có 1.673 ha lúa nước, đạt 107,94% kế hoạch tỉnh giao và 103,27% kế hoạch huyện giao; 450 ha rau các loại, đạt 100% kế hoạch tỉnh và huyện giao; 120 ha khoai lang, đạt 100% kế hoạch tỉnh và huyện giao; 130 ha cây trồng hàng năm khác.

Thời gian tới, để đảm bảo nước tưới cho người dân, giảm thiểu thiệt hại do hạn hán gây ra, huyện Chư Sê tiếp tục chỉ đạo công chức phụ trách nông nghiệp và các tổ thủy lợi cơ sở trên địa bàn kiểm tra các công trình thủy lợi, rà soát hệ thống kênh mương, xây dựng phương án cấp nước hợp lý cho từng công trình. Chủ động nạo vét kênh mương, các cửa vào cổng lấy nước, trạm bơm tưới, khơi thông dòng chảy cũng như tận dụng mọi nguồn nước phục vụ cho sản xuất vụ Đông Xuân 2023-2024. Đồng thời, theo dõi và bám sát kế hoạch điều tiết nước của các công trình thủy điện, thủy lợi để bố trí lấy nước cho phù hợp, điều hòa lượng nước bơm tưới giữa cây cà phê và cây lúa, không để xảy ra việc tranh chấp điện, nước phục vụ sản xuất trong người dân. “Bên cạnh đó, huyện sẽ quản lý chặt chẽ nguồn nước, hạn chế rò rỉ thất thoát nước; cân đối, sử dụng hợp lý nguồn nước, áp dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm cho lúa, cây trồng cạn. Đặc biệt, chuẩn bị sẵn sàng về máy móc, nhiên liệu, phương tiện cần thiết nếu xảy ra hạn thì tiến hành bơm, tát nước ở những nơi còn nguồn nước để cứu những diện tích cây trồng có giá trị kinh tế cao, chuẩn bị thu hoạch”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

(GLO)- Nhờ chủ động nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi, cộng với việc đưa các giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất nên năng suất lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 tăng đáng kể. Với giá lúa tăng 2-3 ngàn đồng/kg so với vụ trước, bà con nông dân trong tỉnh đã có một vụ sản xuất “thắng lợi kép”.

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.