Chư Sê đẩy mạnh công tác giảm nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất. Nhờ đó, đời sống người dân từng bước được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh.

Chư Sê là một trong những địa phương có tiềm năng về phát triển kinh tế, nhất là kinh tế nông nghiệp. Tuy nhiên, những năm gần đây, do thời tiết không thuận lợi, giá các mặt hàng nông sản chủ lực xuống thấp khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Trước thực tế đó, huyện đã có những giải pháp phù hợp, quyết liệt để đảm bảo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đạt kết quả cao nhất.

  Chương trình đàn dê thoát nghèo đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân huyện Chư Sê. Ảnh: Quang Tấn
Chương trình đàn dê thoát nghèo đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân huyện Chư Sê. Ảnh: Quang Tấn


Trong giai đoạn 2016-2020, huyện Chư Sê đã huy động, lồng ghép các nguồn lực để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với tổng kinh phí hơn 658,7 tỷ đồng. Nhờ đó, cơ sở hạ tầng vùng khó khăn được đầu tư tương đối đồng bộ về điện, giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế và nhiều công trình phúc lợi khác. Sản xuất nông nghiệp được chuyển đổi theo hướng đa canh, đa con; nhiều loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao được đưa vào sản xuất như: bơ, mít Thái, bưởi da xanh, bò lai, dê Bách Thảo...

Tính đến cuối năm 2020, toàn huyện còn 921 hộ nghèo (chiếm 3,03%) và 2.229 hộ cận nghèo (chiếm 7,34%). Trong 5 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm giảm 3,6% (vượt chỉ tiêu phấn đấu là 2-3%/năm). Đặc biệt, từ cuối năm 2018, trên địa bàn huyện không còn hộ nghèo là gia đình chính sách, người có công với cách mạng.

Trước đây, đời sống của gia đình ông Ksor Hoen (làng Kte, xã Hbông) gặp nhiều khó khăn. Năm 2017, gia đình ông Hoen được xã hỗ trợ 15 triệu đồng từ chương trình phát triển kinh tế-xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới để phát triển sản xuất. Có vốn, gia đình ông thuê thêm đất trồng mía, phát triển chăn nuôi heo.

Ông Hoen phấn khởi cho hay: “Nhờ được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật nên 1 ha mía của gia đình sinh trưởng, phát triển tốt. Vụ mía đầu tiên lãi gần 40 triệu đồng. Hiện nay, ngoài 1,3 ha mía, tôi đã phát triển đàn heo nái lên 15 con, trồng 6 sào bắp, 7 sào mì; thu nhập bình quân hàng năm đạt khoảng 130 triệu đồng. Gia đình mình giờ đã thoát nghèo, con cái đều được đi học”.

 Cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi theo hướng đa canh, đa con. Ảnh: Nguyễn Diệp
Nông dân Chư Sê đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Nguyễn Diệp


Tương tự, nhờ các chính sách hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững mà hộ ông Rơ Lan Xuét (làng Kênh Siêu, xã Chư Pơng) đã vươn lên thoát nghèo. “Cuối năm 2017, gia đình tôi được hỗ trợ 1 con bò đực giống và vay 50 triệu đồng vốn ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để mua thêm 3 con bò cái về nuôi. Đến nay, đàn bò đã phát triển lên 10 con. Cùng với 1 ha đất luân phiên trồng các loại cây ngắn ngày như: mì, bắp, đậu đỗ… đã đem lại thu nhập ổn định cho gia đình mỗi năm hơn 60 triệu đồng”-ông Xuét cho hay.

Bà Lê Thị Ngọc-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Chư Sê-cho biết: Trong giai đoạn 2021-2025, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi tư duy, nhận thức về giảm nghèo; rà soát phân loại và lập danh sách quản lý hộ nghèo và hộ cận nghèo theo nguyên nhân, khả năng thoát nghèo để lập kế hoạch hỗ trợ cụ thể, thiết thực cho từng hộ; kiên quyết loại khỏi danh sách điều tra ban đầu những hộ thanh niên có sức khỏe, đủ điều kiện tổ chức sản xuất nhưng lười lao động, trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước…

Đặc biệt, huyện tiếp tục đẩy mạnh triển khai xây dựng, nhân rộng các mô hình mang lại hiệu quả như: đàn dê thoát nghèo; phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm; tạo điều kiện cho người nghèo có nghị lực tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.
 

 QUANG TẤN-NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm

Năm nay, thời tiết khắc nghiệt quá, nắng nóng kéo dài khiến ao, hồ cạn trơ đáy. Ảnh: Gia Hưng

Gia Lai thiệt hại do hạn hán gần 10 tỷ đồng

(GLO)-

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh: Tính đến ngày 24-4, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận thiệt hại do hạn hán gần 10 tỷ đồng, với 379,6 ha cây trồng các loại bị thiệt hại.

Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.
Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.