Chư Pưh siết chặt quản lý kinh doanh vật tư nông nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Huyện Chư Pưh có khoảng 32.000 ha đất nông nghiệp phù hợp với các loại cây công nghiệp dài ngày giá trị kinh tế cao như: hồ tiêu, cà phê, cao su cùng một số loại cây ngắn ngày. Những năm trước đây, Chư Pưh là địa bàn để các công ty sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và giống cây trồng đến giới thiệu, cung cấp sản phẩm. Bình quân mỗi năm, nông dân trong huyện tiêu thụ khoảng 10 triệu tấn phân vô cơ. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ sở làm ăn uy tín thì vẫn còn một số ít cơ sở kinh doanh sản phẩm kém chất lượng, gây ảnh hưởng đến sản xuất của người dân.

Điển hình, năm 2017, một số hộ dân tại xã Ia Blứ và Ia Hla đã làm đơn tố cáo Công ty TNHH Tuấn Đại An (TP. Pleiku) cung cấp giống chanh dây thực sinh và phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không đảm bảo chất lượng gây thiệt hại nặng về kinh tế. Ông Lê Đầu (thôn Lương Hà, xã Ia Blứ) cho biết: Năm 2017, tôi và một số hộ trong xã được Công ty TNHH Tuấn Đại An giới thiệu và liên kết đầu tư trồng chanh dây. Theo đó, Công ty cung cấp giống chanh dây thực sinh, các loại phân canxi bo, thuốc bảo vệ thực vật cho người dân. Đến vụ thu hoạch, Công ty sẽ thu mua sản phẩm. Tôi trồng khoảng 600-700 cây chanh dây và sử dụng các loại thuốc do họ cung cấp. Tuy nhiên, đến khi thu hoạch, vườn chanh rất ít quả, lại nhỏ. Không chỉ vườn của tôi mà các vườn khác đều có chung tình trạng này. Công ty cũng xuống kiểm tra và cam kết trả nợ cho người dân nhưng mấy năm rồi không thấy đâu.

  Một cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật tại thị trấn Nhơn Hòa. Ảnh: Nguyễn Diệp
Một cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật tại thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh. Ảnh: Nguyễn Diệp


Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, những năm gần đây, cây hồ tiêu chết nhiều, giá các mặt hàng nông sản xuống thấp nên ảnh hưởng đến khả năng đầu tư của người dân. Theo đó, các cơ sở kinh doanh dịch vụ hậu cần nông nghiệp cũng thu hẹp. Toàn huyện có 38 cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và giống cây trồng. Thời gian qua, UBND huyện chỉ đạo tăng cường kiểm tra, siết chặt quản lý kinh doanh vật tư nông nghiệp.

Mới đây, huyện đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành nhằm phát hiện và xử lý các cơ sở kinh doanh hàng vật tư nông nghiệp, giống cây trồng không đảm bảo chất lượng. Qua kiểm tra thực tế, đoàn đã phát hiện 4 cơ sở vi phạm các lỗi như: kinh doanh thuốc trừ sâu trên nhãn có chữ viết không đúng bản chất, sự thật về hàng hóa và 3 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng vi phạm quy định khi không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp phải đăng ký, không thuê nhân viên kỹ thuật. Đoàn đã tham mưu UBND huyện Chư Pưh ra quyết định xử phạt 7 cơ sở vi phạm với số tiền trên 28 triệu đồng.

Trong đó, cửa hàng kinh doanh thuốc trừ sâu Thái Bình Gia Lai số 7 (thị trấn Nhơn Hòa) kinh doanh 3 sản phẩm Ferssy 66SC, Kata-top 600SC và Bacca 8WG đều có chữ viết không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa. Bà Đoàn Thị Kim Hương-quản lý cửa hàng-giãi bày: “Tôi mới kinh doanh các sản phẩm phân bón lá, thuốc trừ sâu, trừ bệnh. Vừa rồi, đoàn kiểm tra phát hiện vi phạm nên tôi đã gửi trả lại đơn vị sản xuất, không bán sản phẩm đó nữa và chấp hành quy định của Nhà nước”.

Song song với hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm, huyện còn mời các doanh nghiệp đầu tư sản xuất giống cây trồng chất lượng cao cung ứng cho người dân. Trong đó có Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trường Thịnh (Olam) cung cấp giống hồ tiêu sạch bệnh.

Ông Nguyễn Long Khánh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-nhận định: Các hành vi vi phạm về kinh doanh vật tư nông nghiệp chủ yếu trên nhãn hàng hóa ghi không đúng với đăng ký. Còn lĩnh vực giống cây trồng thì một số cơ sở chưa thuê nhân viên kỹ thuật theo đúng quy định của pháp luật. Hàng năm, huyện đều tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm nhằm đảm bảo nguồn cung đầu vào phục vụ sản xuất đạt chất lượng tốt. “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, khuyến cáo người dân chỉ mua sản phẩm ở các cơ sở uy tín, đảm bảo chất lượng và có nguồn gốc sản xuất rõ ràng. Đồng thời, hướng dẫn các xã, thị trấn kiểm tra các đại lý vật tư nông nghiệp, giống cây trồng tại địa phương. Kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình vi phạm”-ông Khánh cho hay.

 

 NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

(GLO)- Nhờ chủ động nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi, cộng với việc đưa các giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất nên năng suất lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 tăng đáng kể. Với giá lúa tăng 2-3 ngàn đồng/kg so với vụ trước, bà con nông dân trong tỉnh đã có một vụ sản xuất “thắng lợi kép”.

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.