Chư Pưh: Lan tỏa phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Thời gian qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được Hội Nông dân huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) triển khai sâu rộng. Nhờ đó, nông dân ngày càng phát huy tính năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất để nâng cao thu nhập.
Gia đình ông Huỳnh Văn Ánh (thôn Phú Quang, xã Ia Hrú) là một điển hình của phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi ở địa phương. Từ một hộ khó khăn, đến nay, gia đình ông sở hữu gần 3.000 trụ hồ tiêu trồng theo hướng hữu cơ, nuôi 80 con bò và 60 con dê với thu nhập ổn định 750 triệu đồng/năm và tạo việc làm cho 15 lao động tại địa phương. Gia đình ông nhiều năm liền đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi.
“Gia đình tôi có được cơ ngơi vững vàng như ngày hôm nay một phần là nhờ Hội Nông dân xã vận động, hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời đứng ra tín chấp vay vốn ngân hàng”-ông Ánh cho hay.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Ánh còn tích cực vận động thành lập Hợp tác xã Nông-lâm nghiệp Ia Hrú để hỗ trợ nông dân trên địa bàn cùng phát triển kinh tế. Hiện nay, ông là Giám đốc Hợp tác xã. Ông Ánh cho biết: “Hợp tác xã đã thu mua nhiều loại nông sản, giúp nông dân thoát khỏi cảnh bị thương lái ép giá. Ngoài ra, Hợp tác xã cũng đã hỗ trợ 10 hộ hội viên, nông dân xây dựng mô hình trồng và chăm sóc cà phê xen với cây bơ”.
Chị Nguyễn Thị Tuyết (thôn Hòa An, thị trấn Nhơn Hòa) chăm sóc đàn dê của gia đình. Ảnh: Phạm Ngọc
Chị Nguyễn Thị Tuyết (thôn Hòa An, thị trấn Nhơn Hòa) chăm sóc đàn dê của gia đình. Ảnh: Phạm Ngọc
Ở thôn Hòa An (thị trấn Nhơn Hòa), gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết cũng có tiếng là hộ chăn nuôi giỏi. Hiện nay, gia đình chị có đàn dê trên 80 con, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Chị Tuyết chia sẻ: “Năm 2015, vườn hồ tiêu bị mắc bệnh chết hàng loạt khiến cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Được sự giúp đỡ của Hội Nông dân thị trấn, tôi vay ngân hàng 30 triệu đồng để nuôi 10 con dê. Sau khi xuất chuồng lứa đầu tiên, thấy hiệu quả, tôi tiếp tục đầu tư mở rộng chuồng trại. Mỗi năm dê đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 1 đến 4 con. Sau 6 tháng, dê nặng khoảng 20-25 kg/con, bán với giá 4-5 triệu đồng. Trung bình mỗi lứa, tôi xuất bán khoảng 20-30 con, sau khi trừ chi phí, đạt lợi nhuận gần 100 triệu đồng”.
Tại làng Ia Sâm (xã Ia Rong), gia đình ông Bùi Xuân Nghiệp đã chuyển đổi 1 ha hồ tiêu bị chết sang trồng cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Nghiệp cho hay: “Năm 2014, tôi bắt đầu trồng 300 cây mít Thái xen với 40 cây sầu riêng. Nhờ Hội Nông dân xã hỗ trợ, tôi được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc vườn cây ăn quả. Nhờ áp dụng kỹ thuật nên vườn cây phát triển khá tốt, cho năng suất cao. Riêng cây mít mỗi năm cho thu hoạch 2 đợt, sản lượng đạt khoảng 24 tấn/năm. Sau khi trừ chi phí thì lãi trên 300 triệu đồng. Còn đối với cây sầu riêng, mỗi năm thu hoạch gần 10 tấn, sau khi trừ chi phí, tôi thu về trên 200 triệu đồng”.
Ông Nghiệp thu hoạch mít. Ảnh: Phạm Ngọc
Ông Bùi Xuân Nghiệp (làng Ia Sâm, xã Ia Rong) thu hoạch mít. Ảnh: Phạm Ngọc
Hội Nông dân huyện Chư Pưh hiện có hơn 10.000 hội viên sinh hoạt ở 74 chi hội cơ sở. Thời gian qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã lan tỏa rộng khắp, thu hút đông đảo hội viên tham gia. Nhằm tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, Hội chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng mở nhiều lớp tập huấn về mô hình trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả kinh tế cao, thu hút trên 1.000 hội viên tham gia.
Cùng với đó, Hội đã đứng ra tín chấp với ngân hàng cho 3.316 hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay với tổng dư nợ hơn 85 tỷ đồng. Đa số hộ vay vốn đều sử dụng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, đến nay, toàn huyện có 3.607 hộ được công nhận sản xuất, kinh doanh giỏi, trong đó có 22 hộ cấp trung ương, 321 hộ cấp tỉnh, 900 hộ cấp huyện và 2.360 hộ cấp xã.
Ông Nguyễn Xuân Hùng-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Pưh-cho biết: Thời gian qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã thu hút đông đảo hội viên tham gia, đạt những kết quả đáng ghi nhận. Các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã giúp nhiều hội viên ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Qua phong trào, nhiều gương nông dân giỏi đã xuất hiện, không những làm giàu cho gia đình mà còn tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương.
“Thời gian tới, Hội Nông dân huyện tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng hoạt động của các chi hội cơ sở; đồng thời đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; vận động cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, đặc biệt là đường giao thông và các công trình phúc lợi xã hội. Qua đó, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn”-ông Hùng thông tin.
PHẠM NGỌC

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.