Thực hiện Nghị quyết trên, ngành chức năng và các địa phương trong huyện Chư Prông đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân nâng cao kỹ thuật sản xuất, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.
Huyện Chư Prông có trên 77 ngàn ha cây trồng gồm cao su, cà phê, điều, hồ tiêu, mì, lúa, cây ăn quả và rau màu các loại. Trong đó, cà phê là cây trồng chủ lực với gần 14.750 ha. Những năm qua, huyện tích cực hỗ trợ cây giống, kỹ thuật để người dân áp dụng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Từ năm 2021 đến nay, huyện đã hỗ trợ 283.300 cây cà phê giống, đồng thời, phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp giống cà phê chất lượng để giới thiệu và trợ giá cho người dân nhằm giảm chi phí tái canh.
Đến cuối năm 2023, toàn huyện đã tái canh được 515 ha cà phê, trong đó, nhiều diện tích đã thu hoạch với năng suất đạt cao hơn so với giống cà phê cũ đã già cỗi, góp phần nâng cao năng suất cà phê trung bình của huyện lên 3,05 tấn nhân/ha.
Ông Ngô Văn Thành-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Drang-cho biết: Toàn xã có 1.582 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 865 ha cà phê. Hàng năm, Hội Nông dân xã tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ, tham quan vườn cây để nâng cao kỹ thuật chăm sóc cà phê cho người dân; đồng thời, vận động bà con đưa giống cà phê mới vào tái canh. Mỗi năm, bà con nông dân trong xã tiến hành tái canh 60-80 ha cà phê, năng suất đạt 3,5-4 tấn nhân/ha.
Bà Hoàng Thị Thúy (thôn An Hòa) cho hay: “Gia đình tôi có 4 ha cà phê. Từ năm 2021 đến nay, nhờ được huyện hỗ trợ giống và hướng dẫn kỹ thuật, tôi tái canh được 1 ha. Hiện nay, một số diện tích đã cho thu hoạch, năng suất đạt 4-4,5 tấn nhân/ha (cao hơn giống cũ 0,5-1 tấn/ha)”.
Bà Hoàng Thị Thúy (thôn An Hòa, xã Ia Drang) cùng cán bộ nông nghiệp xã thăm vườn cà phê tái canh của gia đình. Ảnh: N.H |
Bên cạnh đẩy mạnh tái canh cà phê, từ năm 2021 đến nay, huyện đã triển khai “Mô hình sản xuất lúa vụ mùa” tại 5 xã: Ia Boòng, Ia Vê, Ia Mơ, Bình Giáo và Ia Púch; Dự án “Trồng lúa theo tiêu chuẩn VietGAP” tại xã Ia Piơr; Dự án “Đánh giá hiệu quả sản xuất lúa bằng phân hữu cơ áp dụng cơ giới hóa” tại xã Ia Lâu.
Ông Nguyễn Văn Lâm-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Púch-thông tin: “Được huyện hỗ trợ kinh phí và giống lúa, từ năm 2021 đến nay, xã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và các đơn vị bộ đội, doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn hỗ trợ người dân khai hoang, canh tác hơn 8,5 ha lúa nước theo quy trình gieo sạ, sử dụng giống mới cho năng suất, chất lượng cao, nâng tổng diện tích đất sản xuất lúa nước của xã lên trên 21 ha, năng suất bình quân đạt trên 4,5 tấn/ha”.
Huyện Chư Prông đã triển khai nhiều mô hình, dự án giúp người dân trồng lúa nước hiệu quả. Ảnh: N.H |
Đến nay, huyện Chư Prông có 33 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP, 1 mã số cơ sở đóng gói và 32 mã số vùng trồng với diện tích hơn 1.379 ha cây ăn quả.
Trao đổi với P.V về định hướng phát triển ngành nông nghiệp trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Luyến-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-thông tin: Huyện sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị tập huấn kỹ thuật sản xuất cho người dân; đẩy mạnh tái canh cà phê, xây dựng các vùng sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn; mở rộng và nâng cao hiệu quả sản xuất lúa nước; xây dựng vùng sản xuất điều tập trung có năng suất, chất lượng cao để tiến tới cấp chứng nhận mã vùng cho sản phẩm.
Ngoài ra, huyện tiếp tục triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); thực hiện các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trên các sản phẩm cây trồng chủ lực để giúp người dân có đầu ra ổn định; tạo điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu nông nghiệp trên địa bàn.
Trong đó, ưu tiên thu hút đầu tư doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm triển khai có hiệu quả chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030”.