Chủ động phòng ngừa biến chủng Covid-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Lời Tòa soạn: Dù dịch Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng nhưng vẫn diễn biến khó lường khi các biến chủng được ghi nhận. Xung quanh vấn đề này, ông Rơ Mah Huân-Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã có cuộc trao đổi với P.V Báo Gia Lai.

* P.V: Ông đánh giá thế nào về tình hình dịch Covid-19 hiện nay?

- Ông RƠ MAH HUÂN: Đến nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác nhận Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế. Tại Việt Nam, từ ngày 20-10-2023, Covid-19 được chuyển phân loại từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B.

Đến ngày 29-10-2023, Thủ tướng Chính phủ đã bãi bỏ Quyết định số 447/QĐ-TTg ngày 1-4-2020 về việc công bố dịch Covid-19. Theo đó, các hoạt động phòng-chống Covid-19 được thực hiện theo quy định của Luật Phòng-chống bệnh truyền nhiễm đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B.

Tuy vậy, dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường. Ngày 22-12-2023, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thông tin hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm quốc gia ghi nhận thông tin biến thể JN.1 của vi rút SARS-CoV-2 gia tăng nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu.

Biến thể JN.1 thuộc nhóm biến thể cần quan tâm (VOI), theo phân loại của WHO, là biến thể phụ nhánh BA.2.86 của Omicron. Biến thể này chưa có bằng chứng về tăng nặng so với trước đây.

Người dân khi có dấu hiệu mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời. Ảnh: N.N

Người dân khi có dấu hiệu mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời. Ảnh: N.N

* P.V: Trước tình trạng gia tăng các ca mắc biến chủng Covid-19 trên toàn cầu, công tác phòng-chống dịch Covid-19 nói riêng, các dịch bệnh khác nói chung trên địa bàn tỉnh được triển khai như thế nào, thưa ông?

- Ông RƠ MAH HUÂN: Năm 2023, toàn tỉnh ghi nhận trên 600 ca mắc Covid-19, không có trường hợp tử vong. Các loại dịch bệnh truyền nhiễm có chiều hướng giảm. Toàn tỉnh ghi nhận 5.897 ca mắc sốt xuất huyết (3 ca tử vong), số ca mắc sốt xuất huyết giảm 49% so với năm trước; số mắc sốt rét giảm đáng kể với 13 ca mắc.

Tuy nhiên, trong năm qua, số ca tử vong do bệnh dại tăng cao với 14 ca tử vong, tăng 9 ca so với năm 2022.

Thời gian tới, dự báo số mắc SARS-CoV-2 nói riêng và các bệnh đường hô hấp khác nói chung sẽ gia tăng. Vì vậy, việc chủ động phòng-chống dịch bệnh Covid-19 và các loại dịch bệnh khác cần được tăng cường, không chủ quan, lơ là.

Với mục tiêu không để dịch bệnh bùng phát và lây lan mạnh trên địa bàn tỉnh, không để xảy ra “dịch chồng dịch”, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiếp tục cập nhật và kiểm soát tốt dịch bệnh; triển khai công tác phòng-chống dịch, đặc biệt là phòng-chống sốt rét, sốt xuất huyết, Covid-19, bệnh tay chân miệng...; duy trì kiểm dịch y tế biên giới; đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng thường xuyên cho trẻ dưới 1 tuổi trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Ngoài ra, tiếp tục triển khai công tác giám sát, kịp thời phát hiện và chủ động phòng-chống dịch bệnh. Tăng cường công tác truyền thông giúp người dân nâng cao nhận thức, không chủ quan, lơ là trong công tác phòng-chống dịch.

* P.V: Ông có khuyến cáo gì đến người dân trong phòng-chống dịch Covid-19 nói riêng, các dịch bệnh khác nói chung?

- Ông RƠ MAH HUÂN: Hiện nay, việc giao thương giữa các vùng miền hết sức thuận lợi, nhu cầu du lịch ngày càng tăng cao nên nguy cơ đối mặt với sự lây lan của nhiều loại dịch bệnh khác nhau là rất lớn.

Vì vậy, người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh, tăng cường rèn luyện thể dục thể thao nâng cao sức khỏe; thường xuyên, tích cực tham gia các hoạt động phòng-chống dịch bệnh.

Gia Lai tăng cường truyền thông phòng-chống dịch bệnh truyền nhiễm. Ảnh: Như Nguyện

Gia Lai tăng cường truyền thông phòng-chống dịch bệnh truyền nhiễm. Ảnh: Như Nguyện

Để phòng-chống dịch bệnh truyền nhiễm, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, người dân cần đeo khẩu trang tại các cơ sở y tế, trên các phương tiện công cộng và tại các địa điểm tập trung đông người.

Thường xuyên rửa tay bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; súc miệng, họng bằng nước súc miệng; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi. Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, giữ ấm cơ thể, tập luyện thể dục, thể thao, nâng cao thể trạng. Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo an toàn thực phẩm trong giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến các sản phẩm từ gia súc, gia cầm.

Người dân tránh tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh đường hô hấp như ho, sốt, khó thở… và khi có dấu hiệu mắc bệnh, đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Công tác phòng-chống dịch cần có sự vào cuộc của các ngành, địa phương và sự tham gia của cộng đồng. Chủ động phòng-chống dịch, phòng bệnh từ sớm, từ xa, từ cơ sở nhằm hạn chế dịch bệnh bùng phát và luôn sẵn sàng ứng phó với đại dịch, các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh trong tương lai.

* P.V: Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

Ngành Y tế Gia Lai hướng đến mục tiêu hiện đại, đáp ứng yêu cầu của người dân

Ngành Y tế Gia Lai hướng đến mục tiêu hiện đại, đáp ứng yêu cầu của người dân

(GLO)- Đề án “Phát triển hệ thống y tế tỉnh Gia Lai đến năm 2030” nhằm mục tiêu xây dựng hệ thống y tế phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội và đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân. P.V Báo Gia Lai có cuộc phỏng vấn Giám đốc Sở Y tế Lý Minh Thái xung quanh vấn đề này.
Khó khăn trong tiêm phòng vắc xin bệnh dại ở Gia Lai

Khó khăn trong tiêm phòng vắc xin bệnh dại ở Gia Lai

(GLO)-   Gia Lai đang trải qua cao điểm nắng nóng gay gắt, thời điểm này dễ phát sinh  dịch bệnh động vật trong đó bệnh dại trên đàn chó, mèo là nỗi lo lớn nhất hiện nay.  Giải pháp đẩy mạnh tiêm phòng vắc xin bệnh dại là ưu tiên của các địa phương hiện nay.