Chủ động nước tưới cho vụ Đông Xuân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2016-2017, nguồn nước tưới tại các công trình thủy lợi, hồ chứa lớn do Công ty TNHH một thành viên Khai thác Công trình Thủy lợi Gia Lai đã tích đủ theo cao trình thiết kế. Điều này hy vọng sẽ giúp nông dân yên tâm đầu tư sản xuất để bù đắp lại những thiệt hại do hạn hán gây ra trong vụ Đông Xuân trước.

 Hệ thống kênh chính thủy lợi Ayun Hạ. Ảnh: Đ.T
Hệ thống kênh chính thủy lợi Ayun Hạ. Ảnh: Đ.T

Những năm trước đây, cứ đến giáp Tết Nguyên đán, nhiều người trồng cà phê lại phải tập trung tưới nước đợt I cho cây. Một số vùng gần nguồn nước tưới thì sau Tết người dân mới bắt đầu tưới. Nhưng năm nay, do mưa muộn, tập trung vào những tháng cuối năm và rải rác kéo dài nên đến nay, độ ẩm trong đất vẫn còn cao giúp người dân chủ động chăm sóc cây trồng và chưa phải dùng nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi. Nhờ đó, đã tiết kiệm được nguồn nước tích trữ tại các hồ chứa lớn.

Theo thông tin từ Công ty TNHH một thành viên Khai thác Công trình Thủy lợi Gia Lai, đơn vị hiện quản lý 12 hồ chứa lớn cùng 21 đập dâng tại nhiều địa phương trong tỉnh. Đến thời điểm này, toàn bộ 12 hồ chứa lớn đã tích đủ lượng nước bằng với mực nước dâng bình thường so với thiết kế, lưu lượng nước đang ổn định. Người dân đề nghị Công ty không nên mở nước sớm để tưới các loại cây trồng như những năm trước vì độ ẩm trong đất vẫn đảm bảo cho cây sinh trưởng, phát triển tốt. Đây là tín hiệu lạc quan trong vụ Đông Xuân 2016-2017 khi nguồn nước đang được đơn vị chủ động điều tiết phù hợp, đảm bảo từ nay đến cuối vụ.

Để đảm bảo nguồn nước tưới trong vụ Đông Xuân 2016-2017, ngay từ đầu mùa mưa 2016, Công ty TNHH một thành viên Khai thác Công trình Thủy lợi Gia Lai đã tranh thủ tích trữ nước sớm hơn cho các hồ chứa lớn. Dù vậy, phải đến đầu tháng 12-2016, các hồ chứa mới tích đủ nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2016-2017. Song song với việc này, Công ty cân đối nguồn thu thủy lợi phí khoảng 4,9 tỷ đồng tập trung sửa chữa, nâng cấp nhiều hạng mục ở các công trình thủy lợi để đảm bảo dẫn nước tưới đến từng chân ruộng.

Ông Hoàng Bình Yên-Trưởng phòng Quản lý Nước và Công trình Thủy lợi-Công ty TNHH một thành viên Khai thác Công trình Thủy lợi Gia Lai cho biết: Hiện nay, các hồ chứa lớn do Công ty quản lý đã tích đủ nước phục vụ tưới cho cây công nghiệp dài ngày như cà phê, hồ tiêu. Tại các hồ chứa phục vụ tưới cây công nghiệp dài ngày, từ trung tuần tháng 12-2016, Công ty đã tổ chức hội nghị dùng nước và thống nhất lịch mở nước để bà con các địa phương chủ động tưới cho cây trồng. Nhưng hiện nay, độ ẩm trong đất vẫn còn cao nên phần lớn người dân đề xuất Công ty sau Tết Nguyên đán mới mở nước tưới đợt I cho cây cà phê. Còn cây lúa nước và hoa màu ở gần các đập dâng, Công ty cũng đã mở hội nghị dùng nước sớm hơn mọi năm để tuyên truyền, vận động người dân đẩy lịch thời vụ gieo sạ sớm hơn tại một số công trình như Ia Lâu, Ia Lốp (huyện Chư Prông)…  dự kiến cuối tháng 2 sẽ kịp thu hoạch để tránh hạn cuối vụ. Một trong những điều đáng mừng nhất hiện nay là ý thức của người dân trong việc chủ động phòng-chống hạn, giảm thiệt hại do hạn hán gây ra đã được nâng cao. Bên cạnh đó, theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, nền nhiệt các tháng sắp tới của vụ Đông Xuân 2016-2017 sẽ xấp xỉ hoặc cao hơn so với trung bình nhiều năm và lượng mưa phổ biến ở mức cao hơn vụ Đông Xuân 2015-2016. Hy vọng rằng, vụ Đông Xuân 2016-2017 sẽ không còn bị hạn cuối vụ như vụ Đông Xuân vừa qua.

Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm

Năng suất và giá lúa trà sớm giảm, nông dân kém vui

Năng suất và giá lúa trà sớm giảm, nông dân kém vui

(GLO)- Hiện nay, một số vùng trọng điểm lúa nước của tỉnh Gia Lai đang thu hoạch lúa trà sớm vụ Đông Xuân 2024-2025. Tuy nhiên, một số vùng bị ảnh hưởng của thời tiết nên bước vào thu hoạch năng suất giảm. Hơn nữa, giá lúa Đông Xuân cũng giảm, nông dân thu lợi nhuận không cao so với năm trước.

Các thương hiệu cà phê của Gia Lai được trưng bày, giới thiệu tại nhiều điểm bán hàng OCOP. Ảnh: V.T

Xây dựng thương hiệu: Đòn bẩy để nông sản vươn xa

(GLO)- Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm là một bước quan trọng trong phát triển bền vững và là đòn bẩy để nông sản vươn xa. Sự thành công trong xây dựng thương hiệu không chỉ giúp tăng giá trị cho sản phẩm mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp trong tương lai.

Người dân xã Nam Yang (huyện Đak Đoa) thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: Vũ Thảo

Niên vụ hồ tiêu 2024-2025: Niềm vui chưa trọn

(GLO)- Thời điểm này, bà con nông dân trong tỉnh Gia Lai đang khẩn trương thu hoạch hồ tiêu niên vụ 2024-2025. Dù giá hồ tiêu đang ở mức cao nhưng do ảnh hưởng bởi thời tiết, nhất là giai đoạn cây ra hoa gặp không khí lạnh kéo dài dẫn đến năng suất giảm 20-30% so với vụ trước.