Chủ động nguồn lực ứng phó với thảm họa, sự cố từ sớm, từ xa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chiều 24/5, thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự, các đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến về hai phương án Quỹ Phòng thủ dân sự....
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, chiều 24/5, thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự, các đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến về hai phương án Quỹ Phòng thủ dân sự; đồng thời đề xuất có sự phân công, phân cấp trách nhiệm cho chính quyền các cấp để chủ động áp dụng biện pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa phù hợp tình hình thực tiễn.

Xây dựng hai phương án về Quỹ Phòng thủ dân sự

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2022), Quốc hội đã thảo luận tại tổ và hội trường về dự án Luật Phòng thủ dân sự. Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng Hai năm nay, sau đó tiếp tục được hoàn thiện trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.

Về khái niệm “sự cố,” “thảm họa,” tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho bỏ cụm từ “có nguy cơ dẫn đến thảm họa” ở khái niệm “sự cố;” đồng thời, chỉnh lý lại khái niệm “sự cố” và “thảm họa” rõ ràng, cụ thể, thống nhất với khái niệm “phòng thủ dân sự.”

Các khái niệm được giải thích phù hợp với Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự đến năm 2030 (Nghị quyết 22) và những năm tiếp theo, tương thích với khái niệm “thảm họa” trong Hiệp định ASEAN về Quản lý thảm họa và Ứng phó khẩn cấp mà Việt Nam là thành viên.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý lại các nguyên tắc hoạt động phòng thủ dân sự; bổ sung nguyên tắc “Hoạt động Phòng thủ dân sự phải đảm bảo tính nhân đạo, công bằng, minh bạch và bình đẳng giới;” nguyên tắc “kết hợp với chi viện, hỗ trợ của Trung ương, các địa phương khác và cộng đồng quốc tế; chủ động đánh giá nguy cơ xảy ra sự cố, thảm họa, xác định cấp độ phòng thủ dân sự và áp dụng các biện pháp phòng thủ dân sự phù hợp để ứng phó, khắc phục kịp thời hậu quả chiến tranh, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, ổn định đời sống nhân dân” phù hợp với Nghị quyết 22 và thực tiễn hoạt động phòng thủ dân sự.

Về Quỹ Phòng thủ dân sự, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết do còn ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xây dựng hai phương án: giữ quy định về Quỹ Phòng thủ dân sự như dự thảo Chính phủ trình và có chỉnh lý một số nội dung cho phù hợp như dự thảo Luật; quy định “Trong trường hợp cấp bách, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Quỹ Phòng thủ dân sự theo quy định của pháp luật để quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện bằng tiền, tài sản của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác cho hoạt động phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa.”

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về đề nghị chỉ quy định trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành có liên quan trực tiếp đến phòng thủ dân sự, để thống nhất với pháp luật có liên quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đổi tên Chương VI thành “Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về phòng thủ dân sự;” quy định rõ hơn trách nhiệm của 8 bộ có nhiệm vụ nhiều nhất và liên quan trực tiếp đến hoạt động phòng thủ dân sự; đồng thời, rà soát, chỉnh lý các điều trong chương này cụ thể, rõ ràng, thuận lợi trong tổ chức thực hiện.

Chuẩn bị tốt lực lượng dự bị, công tác hậu phương

Các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành, đánh giá cao dự thảo luật đã tiếp thu ý kiến của đại biểu tại Kỳ họp thứ 4 và ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đến nay, dự thảo luật đã tương đối hoàn thiện.

Góp ý về cấp độ phòng thủ dân sự và căn cứ xác định cấp độ phòng thủ dân sự, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội), cho rằng cấp độ phòng thủ dân sự là vấn đề mà các luật khác chưa quy định. Đây cũng là cơ sở để phân công, phân cấp trách nhiệm của chính quyền cấp huyện, cấp tỉnh và Trung ương nhằm phát huy phương châm 4 tại chỗ, nâng cao tính chủ động của chính quyền các cấp trong việc nắm bắt thông tin, theo dõi giám sát các nguy cơ, kịp thời phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả của sự cố, thảm họa.

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho rằng cần có sự phân công, phân cấp trách nhiệm cho chính quyền các cấp để chủ động áp dụng biện pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục phù hợp tình hình thực tiễn.

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Thích Bảo Nghiêm phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Thích Bảo Nghiêm phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Đối với Quỹ Phòng thủ dân sự, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) ủng hộ lựa chọn phương án 1. Theo đó, dự thảo luật là Luật Phòng thủ dân sự, nguyên tắc phòng thủ dân sự quy định phải chuẩn bị từ sớm, từ xa; có nghĩa là cần thiết phải chuẩn bị các nguồn lực, trong đó, tài chính là một nguồn lực rất quan trọng để ứng phó kịp thời với thảm họa, sự cố. “Không thể để nước đến chân rồi nhảy không kịp. Tuy nhiên, công tác quản lý quỹ cần đảm bảo hiệu quả, không để thất thoát,” đại biểu Dương Khắc Mai nói.

Đồng quan điểm, đại biểu Châu Chắc (An Giang) cho rằng hoạt động phòng thủ dân sự trong phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, hậu quả sự cố thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc gia… có phạm vi rất rộng, thời gian diễn ra rất nhanh, mức độ và tính chất khác nhau. Hoạt động này liên quan đến tính mạng, tài sản của nhân dân, tổ chức và Nhà nước. Do đó, việc chuẩn bị tốt lực lượng dự bị, công tác hậu phương, tạo nguồn lực chủ động, to lớn, để hỗ trợ ngân sách Nhà nước trong mọi tình huống, không bị động, không bất ngờ.

Tương tự, đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) nhấn mạnh mục đích hoạt động của quỹ là ưu tiên cứu trợ khẩn cấp về lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh và các nhu cầu cấp thiết khác cho đối tượng bị thiệt hại do sự cố và thảm họa gây ra. Với sự chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, có thể cung ứng ngay lập tức các nhu yếu phẩm thiết yếu cho người bị thiệt hại đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe.

“Nếu quỹ chỉ được thành lập sau khi sự cố thảm họa xảy ra sẽ không đáp ứng được yêu cầu cung ứng ngay và kịp thời, dễ dẫn đến khả năng thiệt hại về người sẽ cao hơn. Do đó, nên thành lập quỹ trước khi sự cố thảm họa xảy ra để thực hiện tốt mục đích của phòng thủ dân sự là bảo vệ nhân dân,” đại biểu Nguyễn Hải Dũng nêu.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) chọn phương án 2, là trong trường hợp cấp bách Thủ tướng Chính phủ sẽ thành lập quỹ theo quy định của pháp luật; không nên thành lập Quỹ phòng thủ dân sự như phương án 1. “Nếu thành lập thêm quỹ sẽ phát sinh thêm bộ máy, chi phí quản lý, dễ gây thất thoát, lãng phí, thậm chí có thể dẫn đến vi phạm.

Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Hiện nay, cũng tồn tại nhiều quỹ như Quỹ Phòng, chống thiên tai; Quỹ Hỗ trợ phòng, chống dịch; Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam… Nếu thành lập thêm Quỹ Phòng thủ dân sự sẽ chồng chéo, khó vận động đóng góp. Nếu lựa chọn phương án 1, cần rà soát các quỹ liên quan để thống nhất gom lại thành Quỹ Phòng thủ dân sự chung,” đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi đề xuất.

Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết tờ trình đã đưa ra hai phương án về Quỹ Phòng thủ dân sự. Chính phủ đề xuất thành lập Quỹ ngay trước khi xảy ra các vụ việc, sự cố. Các ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã tương đối thống nhất, đồng thuận.

Nêu dẫn chứng cụ thể trong những tình huống cấp bách khi đối phó với dịch COVID-19 vừa qua để thấy được sự cần thiết phải có quỹ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết nếu không có lực lượng, nguồn lực dự trữ, đặc biệt là về vốn, sẽ không thể ứng phó kịp, xử lý tốt, giải quyết nhanh các sự cố xảy ra.

Nhấn mạnh việc chuẩn bị từ sớm, từ xa để ứng phó sự cố là rất quan trọng, Bộ trưởng Phan Văn Giang đề nghị các đại biểu Quốc hội ủng hộ giữ quy định về Quỹ Phòng thủ dân sự; đồng thời cho biết sẽ có cách thức phù hợp để không làm phát sinh biên chế, đảm bảo hoạt động hiệu quả, đúng mục đích.

Về cấp độ phòng thủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng cần có các tiêu chí cụ thể để các cấp căn cứ, tổ chức chuẩn bị từ sớm, từ xa trong ứng phó với các thảm họa, sự cố xảy ra.

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Rah Lan Chung: Sớm tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án của THACO AGRI

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Rah Lan Chung: Sớm tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án của THACO AGRI

(GLO)- Chiều 17-12, đồng chí Rah Lan Chung-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Nông nghiệp Trường Hải (THACO AGRI) và Công ty TNHH Chăn nuôi bò Trung Nguyên (thuộc Tập đoàn THACO AGRI) để tìm hiểu các dự án triển khai tại huyện Chư Prông.

Chỉ thị của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

Chỉ thị của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025. Thông tấn xã Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn văn Chỉ thị số 40-CT/TW:

Va chạm với container, 2 mẹ con tử vong

Va chạm với container, 2 mẹ con tử vong

Chiếc xe máy do chị N.T.L (42 tuổi, ở Hải Phòng) điều khiển chở theo con trai bất ngờ va chạm với container di chuyển cùng chiều tại nút giao Đặng Kinh - Đình Vũ (Hải An, Hải Phòng) khiến cả hai người trên xe máy ngã xuống đường, bị ô tô đầu kéo đâm trúng dẫn đến tử vong. 

Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050: TẦM NHÌN MỚI, CƠ HỘI MỚI, GIÁ TRỊ MỚI

E-magazineQuy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050: TẦM NHÌN MỚI, CƠ HỘI MỚI, GIÁ TRỊ MỚI

VỚI TẦM NHÌN DÀI HẠN NHẰM PHÁT HUY HIỆU QUẢ CÁC LỢI THẾ CỦA TỈNH, QUY HOẠCH LÀ CĂN CỨ KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN ĐỂ BÌNH PHƯỚC SẮP XẾP, BỐ TRÍ HIỆU QUẢ CÁC KHÔNG GIAN PHÁT TRIỂN, HỆ THỐNG ĐÔ THỊ VÀ PHÂN BỐ DÂN CƯ, KẾT CẤU HẠ TẦNG, PHÂN BỔ ĐẤT ĐAI…

Chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu cung cấp bản sao chứng thực khi thực hiện thủ tục hành chính

Chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu cung cấp bản sao chứng thực khi thực hiện thủ tục hành chính

(GLO)- Văn phòng UBND tỉnh Gia Lai vừa thông báo đến các sở, ban, ngành, địa phương về triển khai văn bản của Văn phòng Chính phủ liên quan đến việc chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu cung cấp bản sao chứng thực từ bản chính khi thực hiện thủ tục hành chính (TTHC).