Cho nhau thời gian

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bác Thực là hàng xóm của tôi. Sau bữa cơm tối, bác thường sang nhà tôi chơi. Sau một hồi chuyện trò, bác thường bảo mình cảm thấy cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. 

Hàng ngày, các con đi làm từ sớm, các cháu đi học bán trú. Cả nhà chỉ có mặt đông đủ vào buổi chiều. Thế nhưng ai cũng có việc người đó.

Con trai bác nếu không đi nhậu thì cũng xem ti vi hoặc lướt web. Cô con dâu sau khi dọn dẹp cũng vào phòng đóng cửa ôm điện thoại. Các cháu sau khi học bài thì cũng mỗi đứa một chiếc điện thoại. Sau bữa cơm cuối tuần, bác rủ cả nhà đi bộ thể dục, nhưng tuyệt nhiên chẳng có đứa nào đi, cả nhà 5 người ngồi ở phòng khách nhưng ai cũng đều chăm chú vào điện thoại.

Chị bạn cùng cơ quan thở hắt ra khi nghe tôi kể lại câu chuyện trên. Chị chia sẻ, ngày anh chị mới lấy nhau, anh học thêm tại Hà Nội, chị ở nhà vừa chăm con vừa đi làm. Chỉ dịp cuối tuần anh chị mới có thời gian nói chuyện với nhau.

Những lần ấy, anh phải đi bộ đến gần 2 km từ trường học đến nơi có điện thoại công cộng để gọi về cho gia đình. Nhưng bây giờ, cứ hễ về đến nhà, thấy chồng con dán mắt vào điện thoại, đôi lúc chị nghĩ giá cứ như ngày xưa, chỉ dùng điện thoại công cộng mà lại hay.

Một lần, tôi cho con đi cà phê cùng bạn bè. Sau khi về nhà, thằng bé tỏ ra không vui. Gặng hỏi thì con trả lời: “Chẳng có ai chơi với con. Bố mẹ và các cô chú hết nói chuyện thì xem điện thoại”.

Nghe con nói, tôi không khỏi giật mình, khi bấy lâu nay, tôi cũng đã có lúc quên chơi với con vì mải xem điện thoại, đã có lúc tôi mải nhắn tin với bạn mà để con nằm một mình rồi ngủ luôn. Tôi thấy mình ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào máy móc, chỉ cần một chiếc điện thoại là mọi thứ từ email, địa chỉ, ghi chú, hay cả sức khỏe… đều có thể ghi nhớ thay tôi.

Hàng ngày, chúng ta đi làm, con cái cũng được gửi đến nhà trẻ, trường học. Nếu như mỗi tối ở nhà, sau giờ cơm, con cái vào bàn học, bố xem ti vi, mẹ lướt Facebook… thì vô hình trung chính chúng ta đã tạo ra khoảng cách giữa những thành viên trong gia đình. Lâu dần, vợ chồng ít hỏi han nhau, con cái ít nói chuyện với bố mẹ, người già cô đơn trong chính trong ngôi nhà của mình.

Các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook thường đặt câu hỏi cho người dùng: “Bạn đang nghĩ gì?”. Tôi thầm nghĩ, nếu mỗi ngày chúng ta cũng hỏi người thân những câu tương tự như thế, bớt “ghiền” điện thoại, ti vi… để ngồi xuống cùng nhau, cùng lắng nghe và thấu hiểu nhau, có lẽ sẽ chẳng còn ai cảm thấy cô đơn trong chính ngôi nhà của mình.

 

PHÚC AN
 

Có thể bạn quan tâm

Chư Băh giảm nghèo bền vững nhờ các chương trình mục tiêu quốc gia

Chư Băh giảm nghèo bền vững nhờ các chương trình mục tiêu quốc gia

(GLO)- Với sự vào cuộc của hệ thống chính trị, sự chung sức đồng lòng của người dân, xã Chư Băh (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo, phấn đấu không còn hộ nghèo vào năm 2025.
Bình yên làng Lơ Pơ

Bình yên làng Lơ Pơ

(GLO)- Nằm sâu giữa đại ngàn Trường Sơn, làng Lơ Pơ (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn còn giữ vẻ bình yên đến lạ. Để vào được làng, du khách phải men theo nhiều đoạn đường đất uốn lượn rồi vượt qua những con đường mòn vắt vẻo giữa đồi núi quanh co.

Cả nhà bị bệnh

Cả nhà bị bệnh

(GLO)- Gần 2 năm qua, ông Đặng Chí Thành (thôn 1, xã Ia Tôr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) phải chạy vạy khắp nơi để có tiền chữa bệnh u ác tính cho vợ là bà Lê Thị Xuân Bích. Cuộc sống của gia đình càng trở nên túng quẫn khi 2 cha con ông Thành cũng bị bệnh.
Hội chợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Ya Hội: Cơ hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm

Hội chợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Ya Hội: Cơ hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm

(GLO)-

Ngày 25 và 26-4, tại sân vận động xã Ya Hội (huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) diễn ra hội chợ-giao lưu văn hóa, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đây là cơ hội để người dân giới thiệu, quảng bá văn hóa và sản phẩm của địa phương.