Tôi may mắn gặp được tiến sĩ Trần Triết, Giám đốc chương trình Đông Nam Á - Hội sếu quốc tế, khi ông vừa từ Mỹ về Việt Nam. Hỏi về sếu đầu đỏ, giọng ông buồn buồn: “Năm nay sếu không về Tràm Chim nữa”.
Câu chuyện hơn 1.000 cá thể sếu về Tràm Chim (Tam Nông, Đồng Tháp) những năm 1988 - 1989 là dĩ vãng vàng son. Những năm sau đó, đàn sếu về Tràm Chim giảm nhanh chóng, có thể đủ đếm trên đầu ngón tay. Thậm chí có năm như 2020 và năm nay không có con sếu nào về Việt Nam.
Sếu về mang theo vết sẹo
Những ngày theo chân các nhà khoa học, tình nguyện viên bảo vệ chim hoang dã, trong câu chuyện về loài chim quý vào hàng bậc nhất, nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới này, tôi cảm nhận rằng các nhà khoa học, những người thật sự yêu sếu, mong đợi đàn sếu quay về đến cháy lòng. Trong số nhà khoa học tôi biết, tiến sĩ (TS) Phan Việt Lâm là người luôn đau đáu về chuyện bảo tồn, bảo vệ sếu đầu đỏ. Vì thế, năm 2021, chỉ có 3 con sếu về Tam Nông mà ông đã vỡ òa niềm vui: “Thế là sếu đầu đỏ lại về, dẫu muộn mất mấy tháng so với ngày xưa nhưng cuối cùng chúng cũng đã về”. TS Lâm chia sẻ thêm: “Ngày xưa sếu đầu đỏ vẫn về Tràm Chim vào cuối năm cũ, đầu năm mới. Tựa như những kẻ phiêu dạt mưu sinh, đến mùa xuân thì tìm đường về quê nhà sum họp. Đến đầu mùa hạ khi mưa xuống nhiều thì lại ra đi. Sau này, chim về vắng dần và thưa thớt, mấy năm gần đây thì vắng bóng luôn”.
|
Những con sếu hiếm hoi về Tràm Chim năm 2020. Ảnh: Nguyễn Trường Sinh |
Câu chuyện “đoàn tụ” của đàn sếu 3 con này được TS Phan Việt Lâm kể lại thật cảm động và đáng suy nghĩ. Theo đó, khi gia đình sếu 3 con về thì người bảo vệ gác rừng hồ hởi như gặp lại người thân từ thuở nào. Trong đàn sếu có con trống mang vết sẹo ở cổ ngày trước do lưỡi câu làm bị thương, nhưng nó vẫn đưa cả vợ và con về theo. Vết sẹo của con sếu bố tạo thành vệt dọc phía trên cổ không mọc lông, nhìn kỹ mới thấy. Sếu cũng như quen tiếng người gác rừng, quen cái chòi gác, khung cảnh cũ và cả mấy con chó canh chòi. Mới về mấy hôm mà chú sếu con và con chó con đã có vẻ quấn quýt. Mỗi khi chó con lon ton xuống đầu trảng đất ngóng ra thì sếu con cũng tiến đến gần vẫy vẫy đôi cánh như muốn chào hỏi nhau.
“Ở một góc rừng vùng đất ngập nước Tam Nông, cảnh xuân dường như đang trở lại. Sếu về làm cho mọi thứ trở nên trong vắt và lung linh. Một vẻ đẹp đến muộn, khiêm nhường và cũng thật mong manh. Có thể năm sau sếu sẽ lại về. Chúng sẽ về vì nhớ giọng nói người gác rừng, nhớ rừng tràm, nhớ trảng cỏ năng ngập nước và nhớ cả con chó hay vẫy đuôi chạy xuống doi đất ngóng trông. Miễn là mọi thứ cứ bình yên như thế thì sếu vẫn sẽ tìm về. Đôi khi những vết thương thiên nhiên sẽ tự lành lại, âm thầm và nhẹ nhàng. Khi mọi thứ trên đời biết yêu thương và nương tựa vào nhau”, TS Lâm nói rất văn chương và giàu cảm xúc. Nhưng rồi năm nay, vào thời điểm thường lệ, sếu không về Tràm Chim nữa.
|
Tiến sĩ Trần Triết (người quấn khăn rằn) trong một chuyến đi khảo sát chim hoang dã. Ảnh: Quang Viên |
Báo động đỏ và bài học từ người Thái
Mỗi năm, TS Trần Triết có không dưới 3 lần từ Mỹ về Việt Nam để thực hiện các hoạt động bảo tồn đàn sếu Việt Nam - Campuchia. Ông cho biết đàn sếu từng di cư qua lại giữa Việt Nam - Campuchia trước đây, năm 2021 chỉ còn vỏn vẹn 164 con ở Campuchia. Năm nay (2022), chỉ một lần phát hiện đàn sếu 7 con bay qua khu vực Phú Mỹ (Kiên Giang) kiếm ăn rồi bay ngay về Campuchia ngủ. “Năm nay không có con sếu nào ở Tràm Chim. Về mặt “kỹ thuật” thì Việt Nam không còn sếu”, TS Triết nói. Tôi hỏi TS Triết: “Điều gì làm đàn sếu suy giảm nhanh như thế và chúng không về Việt Nam nữa?”, ông trầm ngâm rồi nói: “Sếu đầu đỏ có nhiều nhu cầu khắt khe về môi trường sống. Nhưng môi trường sống của chúng bị đe dọa nghiêm trọng”. Theo ông, việc chuyển đổi vùng đất ngập nước sang trồng lúa và tăng thêm nhiều vụ lúa trong năm khiến nơi kiếm ăn của đàn sếu không còn. Ở bên Campuchia, rừng khộp, nơi sinh đẻ của loài sếu, cũng bị mất. Thêm vào đó, việc dùng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp khiến các loại thức ăn của sếu như ốc, côn trùng… bị nhiễm độc, ảnh hưởng đến sức khỏe đàn sếu. “Năm 2015 đã phát hiện 11 con sếu bị bệnh, chỉ cứu được 2 con. Sếu bệnh và chết đồng loạt như vậy là có vấn đề. Sau này, thỉnh thoảng vẫn tìm thấy sếu chết ở ruộng”, TS Triết cho biết.
|
Năm 2021 chỉ có gia đình sếu 3 con về Tràm Chim. Ảnh: Nguyễn Trường Sinh |
Câu chuyện bảo tồn, phục hồi đàn sếu cần phải học từ Thái Lan. Trong khi chúng ta buồn rầu, ta thán và dường như chỉ trông đợi vào sự may mắn, hoặc “thiên thời” khiến đàn sếu quay về, thì trong suốt 30 năm nay người Thái đã hành động. Họ cử người sang Mỹ học cách nuôi sếu, cho sếu sinh sản. Họ chọn lọc tìm gien sếu bố mẹ đảm bảo về mặt di truyền để cho sinh sản. Trong vườn nuôi sếu của họ lúc nào cũng có từ 40 - 50 cặp sếu sinh sản. Từ 10 năm nay, mỗi năm Thái Lan thả ra tự nhiên từ 10 - 15 con sếu trưởng thành. “50 năm trước, Thái Lan đã mất hết sếu, nhưng họ thức tỉnh rất nhanh. Hơn 30 năm nay, họ kiên trì phục hồi, nhân rộng đàn sếu dù chi phí mỗi năm họ bỏ ra hơn cả triệu USD”, TS Triết thổ lộ.
Tín hiệu rất tốt lành với Việt Nam, đặc biệt là một nhà khoa học lao tâm, lao lực vì loài sếu nói chung và đàn sếu Việt Nam - Campuchia như TS Trần Triết rất vui khi ông tiết lộ Thái Lan sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam khôi phục đàn sếu như cách làm của họ. “Thái Lan mất 30 năm, còn bây giờ với sự giúp đỡ của họ, chúng ta có thể chỉ cần 10 năm để gầy lại đàn sếu. Chi phí cho việc phục hồi, phát triển đàn sếu của Thái Lan trong 5 năm gần đây là 7 triệu USD. Nhưng khi được người Thái hỗ trợ thì chi phí sẽ thấp hơn khá nhiều”, TS Triết chia sẻ. Được biết, mới đây qua sự kết nối của ông, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp và Vườn quốc gia Tràm Chim đã có bước tiếp cận đầu tiên với các chuyên gia nuôi sếu Thái Lan. “Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp rất tâm huyết với ý tưởng này và muốn dự án khôi phục phát triển đàn sếu trở thành chương trình cấp nhà nước. Điều quan trọng là phải thật sự quyết tâm, chứ đừng đánh trống bỏ dùi”, TS Triết tâm tư.
Để Việt Nam, mà cụ thể là Tràm Chim trở thành đất lành cho đàn sếu, theo TS Trần Triết cần phải giải quyết vấn đề môi trường sinh cảnh ở nơi này. Vùng lõi của Tràm Chim cần được quản lý phù hợp với điều kiện sinh thái tự nhiên. Khu vực xung quanh Tràm Chim phải đầu tư phát triển nền nông nghiệp xanh. Để giải quyết mâu thuẫn về sản lượng nông nghiệp đi đôi với giá trị, TS Triết hiến kế: “Chúng ta vẫn đảm bảo được giá trị tương xứng của việc trồng lúa thân thiện môi trường khi chọn những giống lúa đặc sản phù hợp với thổ nhưỡng và canh tác theo tiêu chuẩn sạch. Mặt khác, khi đàn sếu trở về đông đúc, chúng ta dễ dàng phát triển các mô hình du lịch đem lại lợi nhuận để chia sẻ với người nông dân”. Được biết, ở Campuchia muốn chụp ảnh sếu phải bỏ ra 15 USD một lần chỉ để mua vé. Sau đó, còn nhiều chi phí du lịch liên quan đến chụp sếu nữa. (còn tiếp)
“Ngày trước, nhìn những đàn sếu bay lượn ngay trên đầu mình hay trên những ngọn núi ở Kiên Lương (Kiên Giang) đẹp như một bức tranh. Tôi chụp được những bức ảnh đó như cảnh thần tiên. Nhưng bây giờ chỉ là hoài niệm”. Nhà nhiếp ảnh chim hoang dã Tăng A Pẩu |
Theo Quang Viên (TNO)