Chị Hương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

1. Tôi vừa dắt chiếc xe đạp mini “thiếu nhi Liên Xô” dựa vào đống rơm trước nhà thì anh Bảo đến. Anh Bảo ở cạnh nhà tôi. Anh mặc bộ quân phục màu xanh Tô Châu còn mới, chiếc mũ mềm, có ngôi sao lấp lánh. Gặp mẹ tôi, anh Bảo đưa tấm thiệp màu hồng, nói:

- Cháu mời bác dự đám cưới. Tranh thủ mấy ngày phép trước khi đi B, cháu cưới vợ để mai này cháu đi xa có người chăm sóc mẹ cháu.


Mẹ tôi đón tấm thiệp, giọng thật vui:

- Mừng cho cháu. Thế, vợ cháu là con cái nhà ai?

- Dạ, con gái út cụ Riễm dưới xã Hải Đường ạ.

Nghe anh Bảo nói thế, tôi nhận ra ngay đó là chị Hương. Chị Hương học trước tôi một lớp. Khi tôi vào học lớp 8 thì chị đã học lớp 9. Hai lớp ở cạnh nên mỗi ngày chúng tôi vẫn gặp nhau.

Chị Hương là hoa khôi của trường. Dáng mảnh mai, tóc đậm dài, da trắng hồng, đặc biệt đôi mắt lúc nào cũng như có ánh sao, chị Hương là “mục tiêu” của biết bao chàng trai và cả thầy giáo trẻ mới ra trường nữa. Học lớp dưới, tôi không dám để ý đến chị.

Nhưng quả thật mỗi lần chị bận áo xanh Sỹ Lâm, tóc buông thả phủ kín bờ vai, gặp chị tôi cứ như người mất hồn. Chị Hương có vẻ đẹp của thôn nữ, vừa gần gũi lại vừa xa xăm.

 

 

Nay, nghe anh Bảo nói sẽ cưới chị, tôi mừng lắm. Bởi, rồi đây chị về làm dâu gia đình anh Bảo, tôi sẽ có cơ hội gặp chị mỗi ngày. Chị em sẽ có dịp trò chuyện. Những kỷ niệm thời học sinh trường huyện sẽ là cái cớ để tôi gặp chị thường xuyên. Trước khi ra về, anh Bảo nói:

- Anh mời chú cùng đi với mẹ dự đám cưới anh chị nhé?

Anh Bảo mời vậy, nhưng ngày anh Bảo cưới vợ, tôi không sang dự. Tôi chọn vị trí thích hợp nhất để quan sát đám cưới. Khi tiếng pháo nổ ran đầu ngõ, tôi thấy chị Hương xuất hiện. Chị đẹp lộng lẫy khiến cả hội hôn ai cũng trầm trồ khen...

Vài ngày sau, anh Bảo cùng chị Hương sang chào mẹ tôi để trả phép. Gặp tôi, chị Hương ngỡ ngàng:

- Ủa, nhà Thạch ở đây sao? Thế là chị em mình có duyên ở gần nhau. Đoạn chị quay sang anh Bảo:

- Anh. Chú Thạch học cùng trường cấp 3 với em. Dưới một lớp anh ạ.
Giọng anh Bảo thật vui:

- Thế thì hay quá. Anh đi xa thỉnh thoảng em sang nhà chơi nhé?

Lại nói “đi xa”. Hôm trước sang mời mẹ tôi dự đám cưới, anh Bảo nói thế. Bây giờ anh lại nói thế!

Và, đúng là anh Bảo mãi mãi đi xa thật. Anh Bảo vào Nam chiến đấu được hơn một năm thì gia đình nhận được giấy báo tử. Ấy cũng là lúc tôi nhập ngũ. Sau chiến dịch Mậu Thân, cuộc chiến trở nên khốc liệt hơn. May mắn trước khi “đi xa”, anh Bảo gửi lại cho chị Hương giọt máu. Đó là một bé trai có khuôn mặt y như bản sao của cha. Nhưng khi cười, ánh mắt giống hệt của mẹ.

Ngày tôi lên đường vào bộ đội, chị Hương tiễn tôi ra tận cây đa đầu làng. Như người chị gái, chị ôm tôi, nói trong nước mắt:

- Em đi “chân cứng đá mềm”, hết giặc về với mẹ, với chị, với ngôi trường cấp 3 mà chị em mình từng có nhiều kỷ niệm nhé?

Tôi ôm ghì lấy chị. Mái tóc dài như suối của chị phủ ngập bờ vai tôi. Đó là lần đầu tiên tôi ý thức được mùi tóc phụ nữ, sự cọ xát thịt da và cả hơi thở ngát thơm như hương một loài hoa mà chưa bao giờ tôi thấy...

2. Chiến tranh kết thúc, tôi may mắn sống sót trở về. Trải qua những năm tháng chiến tranh khốc liệt, làng tôi không chỉ có anh Bảo đi xa mãi mãi, mà những ngôi nhà dọc bờ sông này đều hiến dâng cho đất nước những người con thân yêu, ruột thịt. Tôi cứ nghĩ anh Bảo hy sinh đã lâu, chị Hương trẻ và đẹp thế, chắc đã... Song, mẹ tôi nói:

- Có nhiều nơi hỏi. Gia đình anh Bảo cũng động viên chị ấy đi bước nữa. Nhưng chị Hương nhất mực từ chối. Chị ấy nói ở vậy nuôi con, chăm sóc mẹ chồng cho tròn đạo.

Tôi nghe mẹ nói mà cảm phục và thương chị Hương đến trào nước mắt. Tôi chạy sang nhà thăm chị, nhưng chị Hương không có nhà. Mẹ anh Bảo đã bước sang tuổi tám mươi, mắt lòa, nhưng nghe giọng nói vẫn nhận ra tôi:

- Cháu Thạch về rồi hả. Sao không rủ anh Bảo nhà bác về với?

Lại một lần nữa tôi không cầm lòng được trước câu hỏi của bà mẹ liệt sỹ. Mẹ anh Bảo cho tôi biết, dạo này chị Hương làm Phó Chủ tịch xã nên chị bận lắm, họp hành liên tục. Đi làm từ sáng sớm, tối mịt mới về.

Khuya ấy, chị Hương sang thăm tôi. Không ngần ngại, trước mặt mọi người, chị bắt tay rồi kéo tôi vào lòng:

- Mừng quá, em là số ít con trai làng này trở về sau chiến tranh. Mau nghỉ ngơi rồi cưới vợ cho mẹ có cháu bế nhé?

Tôi gặp lại hương vị lạ mà quyến rũ khi ở cạnh chị Hương. Bao năm xa cách, vất vả, cực nhọc, chị Hương vẫn giữ được nét đẹp thôn nữ mà sang trọng ngày nào. Nụ cười vẫn thế. Chỉ đuôi mắt đã xuất hiện vết chân chim và trong ánh mắt chứa đựng một nỗi buồn sâu thẳm...

3. Ngôi trường cấp 3 mà tôi và chị Hương từng học, hôm nay kỷ niệm lần thứ 60 năm ngày thành lập. Ấy cũng là lúc chúng tôi đến tuổi bảy mươi. Chị Hương thì còn hơn thế nữa. Bao nhiêu thế hệ thầy và trò từ khắp nơi đổ về. Sân trường không đủ chỗ cho ô tô các loại đậu mà phải tràn cả ra đường làm nghẽn tắc giao thông. Tôi sang nhà rủ chị Hương về hội trường. Chị Hương đang bế cháu:

- Thôi, em đi đi. Chị phải trông cháu cho thằng bố nó đi họp lớp. Bố thằng cu này được chọn là cựu học sinh tiêu biểu đấy. Chú sẽ gặp cháu trên trường.

Tôi xin phép thắp hương cho mẹ anh Bảo rồi chia tay chị Hương. Cháu nội của chị đậm nét mặt anh Bảo - chồng chị. Cậu bé nhoẻn miệng cười. Nụ cười ấy tôi đã gặp ở đâu?

Phải chăng đó chính là nụ cười của ông nội bé - anh bộ đội mặc quân phục vải Tô Châu, đầu đội mũ mềm có ngôi sao vàng lấp lánh khi đem thiệp đám cưới mời mẹ tôi hơn nửa thế kỷ trước.

Tôi muốn ôm chị Hương vào lòng như ôm mẹ và chị gái của tôi để nói thầm:

- Chị ơi, cũng như biết bao bà mẹ, người vợ liệt sỹ trên đất nước này, chị thật “vĩ đại”. Đất nước ta có ngày hôm nay không bao giờ quên ơn những bà mẹ, người vợ liệt sỹ “vĩ đại” như thế. Chúng con yêu các mẹ, các chị. Chị ơi, em yêu chị lắm!

 Nam Định, cuối đông 2020

 

Truyện ngắn TRẦN THẾ TUYỂN
(Dẫn nguồn SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).