(GLO)- Ở làng Kuk Kôn (xã An Thành, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai), chị Đinh Thị Dại không chỉ là tấm gương sáng về ý chí vươn lên phát triển kinh tế gia đình mà còn đi đầu trong công tác Hội Phụ nữ.
Quyết tâm thoát nghèo
Thả xong bó lá cây tươi cho đàn dê trong chuồng, chị Đinh Thị Dại-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng Kuk Kôn niềm nở mời chúng tôi vào nhà. Vừa rót nước mời khách, chị vừa kể: Chị năm nay 35 tuổi, nhưng con đầu đã 16 tuổi. Lấy chồng sớm nên cuộc sống khá vất vả. Hồi mới ra riêng, anh chị ở trong ngôi nhà sàn bé tin hin dựng sát nhà bố mẹ. Trong nhà chỉ có vài vật dụng như xoong nồi, cuốc xẻng, gùi. Để mưu sinh, vợ chồng trần lưng vỡ mấy sào đất đồi bố mẹ cho và đi làm thuê. “Đến cuối năm 2017, cuộc sống gia đình vẫn trong cảnh thiếu trước hụt sau. Ngày ấy, đi đâu mình cũng thấy tự ti lắm, ai hỏi chuyện kinh tế gia đình là tìm cách né sang chuyện khác”-chị Dại chia sẻ.
Chị Đinh Thị Dại chăm sóc đàn dê của gia đình. Ảnh: Thiên Di |
Không cam chịu đói nghèo, năm 2018, từ nguồn vốn vay 34 triệu đồng hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Đak Pơ và Chi hội Phụ nữ làng, chị mở cửa hàng tạp hóa, đồng thời mua thêm cặp dê giống về nuôi. Chồng chị thì theo học nghề sửa chữa, lắp đặt thiết bị điện dân dụng. Cái duyên với nghề mới cộng với sự ủng hộ của dân làng đã giúp gia đình chị có nguồn thu ổn định và dành dụm tiền trả nợ. Tiếp đó, vợ chồng chị mạnh dạn vay vốn ngân hàng mua hơn 4 ha đất để trồng keo lai, mía. Hiện gia đình chị Dại có đàn dê hơn 30 con và 3 ha keo lai. “Buôn bán có lời, cộng với trúng mấy vụ mía và tiền bán dê, gia đình tôi trả hết nợ vay ngân hàng, mua thêm đất và xây nhà. Năm vừa rồi, thu nhập gần 200 triệu đồng. Từ tay trắng mà có được cơ ngơi như hôm nay, chúng tôi vui lắm. Mừng nhất là xây được ngôi nhà trị giá 160 triệu đồng, con cái không phải đói ăn, thiếu mặc, chăm chỉ học hành”-chị Dại hồ hởi.
Góp sức nâng cao chất lượng hoạt động Hội
Với cương vị là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ của làng, chị Dại luôn tiên phong đi đầu trong công tác Hội, nhất là việc trồng hoa, hàng rào xanh quanh nhà hay xây nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh. Nhờ vậy, đến nay, 50% gia đình hội viên phụ nữ trong làng đã xây được nhà tiêu hợp vệ sinh. Hầu hết đường giao thông trong làng được trồng hoa, hàng rào xanh và thường xuyên được chị em dọn vệ sinh sạch sẽ.
Nhận xét về Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ của làng mình, chị Đinh Thị Tam bộc bạch: “Chị Dại là người rất năng nổ. Với uy tín của mình, chị đã tập hợp được đông đảo chị em trong làng tích cực tham gia hoạt động của Chi hội; đặc biệt là các mô hình như: “Mỗi hộ có một vườn rau xanh và cây ăn trái”, “5 không, 3 sạch”, “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm từ 5-10 ngàn đồng”… Ví như việc trồng hoa ở các con đường, chị đến tận nhà hội viên nói chuyện, kêu gọi chị em cùng làm. Thế nên, dù đoạn đường dốc, đất xấu đến mấy, chúng tôi đều trồng hoa và lên rất tốt. Chi hội Phụ nữ còn được cấp trên đánh giá là đi đầu trong công tác xây dựng làng Kuk Kôn đạt chuẩn nông thôn mới”.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Liên-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Đak Pơ-cho biết: “Chị Đinh Thị Dại đã triển khai rất hiệu quả hoạt động, công tác Hội ở cơ sở, góp phần đưa phong trào phụ nữ đi vào chiều sâu, thực chất. Những việc làm ý nghĩa của chị tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, góp phần nâng cao trách nhiệm của người dân trong việc chung tay xây dựng quê hương. Năm 2020, chị được Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tặng bằng khen cho Chi hội trưởng có thành tích xuất sắc trong công tác vận động, thu hút hội viên tôn giáo. Năm 2021, chị được Chủ tịch UBND huyện tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
THIÊN DI - NGUYỄN HIỀN