Chế độ cho nhân viên y tế chống dịch - Bài 3: Bệnh viện "gồng mình" không nổi, lãnh đạo thành phố xót xa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mặc dù Chính phủ, Bộ Y tế, Sở Y tế, lãnh đạo TP.HCM đã cố gắng có những quyết sách để chăm lo đời sống cho nhân viên y tế tuyến đầu, nhưng thực tế cho thấy, vẫn còn rất nhiều "khoảng trống" thiệt thòi cho các y, bác sĩ.

Cấp cứu cho bệnh nhân nặng tại Trung tâm hồi sức Covid-19. Ảnh: HCDC
Cấp cứu cho bệnh nhân nặng tại Trung tâm hồi sức Covid-19. Ảnh: HCDC
Vẫn còn nhiều thiệt thòi
PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, Sở đã có văn bản gửi các bệnh viện thu dung điều trị Covid-19, các bệnh viện dã chiến cấp TP và quận, huyện. Trong đó, đề nghị đảm bảo các chế độ cho nhân viên y tế, tình nguyện viên khi tham gia công tác phòng chống dịch (phương tiện phòng hộ đầy đủ và đạt chuẩn, bữa ăn, nơi nghỉ ngơi sau khi làm việc...), hưởng phụ cấp phòng chống dịch Covid-19 theo quy định.
Sở đã yêu cầu các bệnh viện phải đảm bảo các chế độ cho nhân viên y tế, tình nguyện viên khi tham gia công tác phòng chống dịch (phương tiện phòng hộ đầy đủ và đạt chuẩn, bữa ăn, nơi nghỉ ngơi sau khi làm việc...), hưởng phụ cấp phòng chống dịch theo quy định. 
Đề xuất nhu cầu sử dụng lực lượng tình nguyện viên là người F0 đã khỏi bệnh tham gia công tác phòng chống dịch tại Sở Y tế để tổng hợp.
Sở Y tế sẽ kiểm tra, giám sát việc cung cấp bữa ăn cho nhân viên y tế, tình nguyện viên khi tham gia chống dịch ở các đơn vị, đảm bảo bữa ăn đủ dinh dưỡng, đa dạng. Bên cạnh đó, sẽ giám sát các đơn vị thực hiện chính sách đặc thù, hỗ trợ, động viên cho lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Sở Y tế TP.HCM sẽ triển khai chính sách đặc thù hỗ trợ, động viên lực lượng tuyến đầu tham gia phòng chống dịch. Cụ thể như: lực lượng y tế tuyến đầu thực hiện công việc trực tiếp với mức hỗ trợ 10 triệu đồng/người/lần, lực lượng tuyến đầu thực hiện công việc gián tiếp với mức hỗ trợ là 4,5 triệu đồng/người/lần...
Theo công văn 6401 của Bộ Y tế ngày 7/8, hướng dẫn thực hiện chế độ chi cho cán bộ y tế, tình nguyện viên đi hỗ trợ các tỉnh chống dịch Covid-19, cán bộ y tế chống dịch được hưởng các mức từ 150.000 đồng – 300.000 đồng/ngày, tùy theo tính chất công việc.
Tại các bệnh viện, nhân viên y tế được cử tham gia chống dịch, điều trị tại các bệnh viện Covid-19, được hưởng toàn bộ lương cơ bản, phụ cấp như nhân viên ở bệnh viện, tùy vào điều kiện của bệnh viện. Nhưng thực tế vài tháng qua, nhiều bệnh viện "gồng mình" để chi thu nhập tăng thêm, vì hoạt động khám, chữa bệnh chỉ tập trung vào Covid-19.
Để nhận được các khoản hỗ trợ từ ngân sách (ngoài lương, phụ cấp của bệnh viện), các bệnh viện lập danh sách nhân viên y tế tham gia phòng chống dịch Covid-19 gửi về Sở Y tế. Các bệnh viện ứng trước chi trả cho nhân viên, sau đó ngân sách sẽ chuyển về cho các bệnh viện. Hiện nay, còn một số đơn vị chưa tạm ứng chi trả cho nhân viên y tế vì… quỹ bệnh viện đã cạn.
"Nhiều tháng nay chúng tôi "gồng" đảm bảo thu nhập tăng thêm cho anh em, nhưng tháng 8 vừa qua phải giảm xuống còn trung bình 40%, các tháng tới chưa biết tính sao, tùy tình hình" - lãnh đạo một bệnh viện nói và cho biết thêm, tại bệnh viện, nhân viên y tế kết thúc thời gian chống dịch cách ly vẫn được tính lương cơ bản và phụ cấp.
Lãnh đạo một Trung tâm y tế quận cho biết, cán bộ y tế lâu năm có mức lương còn tương đối, nhưng nhân viên y tế mới ra trường, nhất là nhân viên cao đẳng, trung cấp thì lương rất thấp.
"Hằng tháng ký bảng lương, trong đó cộng hết các khoản của các em nhìn rất xót xa, chỉ 5 - 6 triệu đồng. Các tháng trước thì có làm dịch vụ có thu nhập tăng thêm, còn bây giờ phải lấy quỹ ra để phụ cấp cho các em 1 tháng 800.000 đồng, lương và công việc chưa tương xứng. Nếu nhân viên y tế chống dịch không may bị nhiễm bệnh, thì xem như nghỉ bệnh và chỉ được nhận 75% lương BHXH" - lãnh đạo này cho biết.
Rất cần những chính sách kịp thời, sát sườn
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định: "Tình hình dịch Covid-19 ở TP.HCM đang trên đà được cố gắng để có thể kiểm soát, đòi hỏi sự chăm sóc của y tế tốt hơn để đảm bảo giảm tỷ lệ chuyển nặng, nguy kịch và tử vong trong số những người nhiễm Covid-19. Hiện nay, thành phố đang có sự tham gia chống dịch của đội ngũ thầy thuốc từ các bệnh viện tuyến trung ương và nhiều tỉnh, thành, nhưng vẫn cần có thêm sự chi viện".

Cấp cứu cho F0 tại nhà. Ảnh: HCDC
Cấp cứu cho F0 tại nhà. Ảnh: HCDC
Theo Thứ trưởng Sơn, cần phải quan tâm sâu sắc đến đời sống vật chất, tinh thần của y bác sĩ, đặc biệt là từ các địa phương khác chi viện đến TP.HCM. Mục tiêu là phải đảm bảo tốt điều kiện an toàn cho nhân viên y tế khi làm việc như: khẩu trang, bảo hộ, dinh dưỡng…
Theo số liệu của Sở Y tế TP.HCM, đến nay ngành y tế đã huy động 20.000 cán bộ, nhân viên tham gia phòng chống dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã huy động nhân lực hỗ trợ cho thành phố gần 6.700 người phục vụ tại các bệnh viện điều trị, lấy mẫu xét nghiệm và tiêm vaccine. Có thể nói, đây là đợt huy động lớn nhất của ngành y tế từ trước đến nay.
Để đảm bảo sức chiến đấu của nhân viên y tế, nâng cao tinh thần phục vụ người bệnh và chất lượng điều trị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn yêu cầu các đơn vị đã rút nhân sự khỏi các bệnh viện phải lập tức bổ sung nhân lực thay thế đầy đủ, đảm bảo quân số, tránh tạo áp lực công việc lên các nhân viên y tế còn lại.
Các bệnh viện cũng phải đảm bảo thời gian nghỉ sau khi kết thúc ca trực cho các nhân viên y tế, không để nhân viên làm việc liên tục trong thời gian dài mà không có ngày nghỉ. Hạn chế sử dụng nhân viên y tế vào vị trí hành chính nhằm đảm bảo công tác chuyên môn. Trong tình hình thiếu nhân lực hành chính, đề nghị bổ sung lực lượng sinh viên, tình nguyện viên vào các vị trí hoàn thiện hồ sơ thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Y tế cũng đề nghị các đơn vị cung cấp thực phẩm điều chỉnh chế độ ăn đảm bảo dinh dưỡng, có thêm lựa chọn phù hợp khẩu vị mỗi vùng miền. Đối với các trường hợp nhân viên y tế không may mắc Covid-19 cần được đảm bảo chế độ ăn tối thiểu như thường ngày, không áp dụng chế độ của người bệnh dành cho nhân viên y tế.
Ngoài ra, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng yêu cầu lực lượng an ninh, quân sự chỉ kiểm soát việc ra vào trong điều trị đối với nhân viên y tế, tuyệt đối không gây ảnh hưởng đến đời tư mỗi cá nhân, gây áp lực lên đời sống tinh thần của nhân viên y tế.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì cùng các bộ, ngành liên quan tiếp tục quan tâm hơn nữa về đời sống vật chất, tinh thần và đề xuất chính sách cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch, nhất là đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên y tế đang ngày đêm vất vả phục vụ nhân dân.
Ngay sau đó, Bộ Y tế đã có tờ trình gửi Chính phủ về chế độ trợ cấp trong phòng chống dịch; trong đó đề nghị nâng mức trợ cấp chống dịch cho nhân viên y tế lên gấp đôi so với hiện hành cho người trực tiếp khám, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người mắc và nghi mắc Covid-19 lên 600.000 đồng/người/ngày.

Cần chế độ tương xứng, sát sườn hơn cho nhân viên y tế tuyến đầu. Ảnh: HCDC
Cần chế độ tương xứng, sát sườn hơn cho nhân viên y tế tuyến đầu. Ảnh: HCDC
Các nhóm nhân viên y tế tham gia vào công tác phòng, chống dịch cũng được tăng mức hỗ trợ so với trước đây, lên 300-400.000 đồng/người/ngày.
Cùng với đó, Công đoàn y tế Việt Nam cũng cho biết, đã đề xuất các gói hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm cho y bác sĩ, hỗ trợ "gói dinh dưỡng" trị giá 1 triệu đồng/đợt cho nhân viên y tế phục hồi sức khỏe. Ngoài ra, trên 1.200 y bác sĩ mắc Covid-19 đã được hỗ trợ mức 10 triệu đồng/người.
Nhiều lần trực tiếp đến các bệnh viện thăm, động viên đội ngũ y bác sĩ ở tuyến đầu, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên xúc động trước những hy sinh to lớn của các nhân viên y tế và lực lượng tình nguyện. Đặc biệt, khi nghe những khó khăn mà đội ngũ tuyến đầu đang gặp phải về ăn uống sinh hoạt, thậm chí thiếu cả trang thiết bị y tế, ông rất xót xa. 
Ông khẳng định: "Lực lượng tuyến đầu chính là những người chiến sĩ dũng cảm đã ra trận với tinh thần không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, thậm chí có sự hy sinh. Cuộc chiến chống dịch Covid-19 lần này lịch sử sẽ ghi nhận, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM trân trọng ghi nhận và biết ơn các chiến sĩ áo trắng".
Theo Bạch Dương (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.