Trong pin thường có các loại kim loại nặng, những chất cực độc gây nguy hiểm cho não, thận, tim mạch và khả năng sinh sản, thậm chí có thể gây tử vong.
Chất màu đen trong pin Con Ó tại cơ sở sản xuất cà phê ở Đak Nông. |
Liên quan vụ hơn 3 tấn cà phê nhuộm bằng pin được bán ra thị trường, Ths. Bs Nguyễn Văn Tiến (Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia ) cho biết, trong pin thường có các kim loại nặng như chì (Pb), thủy ngân (hg), kẽm (Zn), cadmium (Cd) và Asen (As) hay còn gọi là thạch tín.... là những chất cực độc, gây nguy hiểm cho não, thận, tim mạch và khả năng sinh sản của con người.
Ths. Bs Nguyễn Văn Tiến cho biết thêm, nếu sử dụng thực phẩm nước uống nhiễm kim loại nặng gây ngộ độc cấp tính làm ảnh hưởng tới sức khỏe khôn lường, ngộ độc cấp tính nặng có thể gây thiệt mạng.
Ngoài ra, bệnh nhân bị ngộ độc thủy ngân, có biểu hiện vị kim loại nặng trong cổ họng, đau bụng, nôn, xuất hiện những chấm đen trên lợi, bị kích động, tăng huyết áp, sau 2-3 ngày chết vì suy thận.
Ngộ độc cấp bởi Asen (thạch tín), nạn nhân có biểu hiện nôn mửa, đau bụng, ỉa chảy, khát nước dữ dội, mạch tim đập yếu, nhợt nhạt rồi thâm tím, bí đái.
Nhiễm độc chì cấp tính khi ăn uống phải một lượng chì 25-30 gam, nạn nhân lúc đầu có thể thấy vị ngọt, rồi chat, tiếp theo là cảm giác nghẹn ở cổ, chảy máu thực quản, dạ dày, nôn ra chất trắng (chì clorua) đâu bụng dữ dội, ỉa chảy, phân đen (chì sunfua), mạch yếu, tê chân tay, co giật và tử vong.
Bên cạnh đó, cơ thể bị ngộ độc mạn tính thường bị nguy hiểm tính mạng do nhiều lần ăn uống phải thức ăn, đồ uống có hàm lượng các nguyên tố kim loại nặng, chúng nhiễm và tích lũy dần.
Đa phần, trong cơ thể người các bộ phận như gan, thận, não tích lũy kim loại nặng rồi đào thải qua đường tiêu hóa và đường tiết niệu.
Điều này có thể gây ra các biểu hiện nhiễm độc như hơi thở hôi, sung lợi, da vàng, đau bụng dữ dội, táo bón, đau khớp xương, bại liệt chi trên (tay bị biến dạng), mạch yếu, nước tiểu ít, thường gây xẩy thai ở phụ nữ có thai.
Các biểu hiện của ngộ độc mạn tính như: da mặt xám, tóc rụng, viêm dạ dày ruột, đau mắt, đau tai, có asen trong nước tiểu, gây yếu dần và kiệt sức.
Trước đó, ngày 16/4, lực lượng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Đak Nông phối hợp cùng Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh đột nhập vào cơ sở chế biến cà phê bột của gia đình bà Nguyễn Thị Loan (trú thôn 13, xã Đak Wer, huyện Đak R’lấp).
Tại đây, lực lượng phát hiện trong xưởng chế biến cà phê của bà Loan có hàng chục tấn cà phê bẩn đã được trộn lẫn với đất, bột đá.
Lực lượng công an kiểm tra cơ sở sản xuất cà phê có dùng chất trong pin con ó. |
Qua kiểm tra ban đầu, lực lượng chức năng thu giữ 2 chậu chứa cục pin hiệu Con Ó (khoảng 35 kg) đã được đập vụn, 1 xô chứa nước màu đen (khoảng 10 kg) đã được hòa tan bằng pin, 12 tấn cà phê bột đã được chủ cơ sở cho nhuộm đen bằng pin chuẩn bị đóng gói cùng nhiều máy móc, vật dụng liên quan đến việc sản xuất cà phê bẩn.
Theo lời khai ban đầu, bà Loan cho biết, cơ sở mình hoạt động nhiều năm nay. Bà nhờ người đi thu mua lại các loại cà phê thải, phế phẩm vỏ cà phê, cà phê vụn vỡ… tại các đại lý và sau đó mua các cục pin đập dẹp, dùng chất bột màu đen của pin hòa với nước rồi đem nhuộm với cà phê.
Bà Loan khai nhận, cà phê sau khi được nhuộm, cơ sở đem rang, xay rồi đóng gói bán ra thị trường nhằm mục đích kiếm lời. Tính từ đầu năm 2018 đến nay, cơ sở của bà đã xuất bán ra thị trường hơn 3 tấn cà phê bẩn đã được nhuộm đen bằng pin như trên.
Ths. Bs Nguyễn Văn Tiến (VTC)