Chậm khắc phục sai phạm sau thanh tra

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Vừa qua, Báo Gia Lai Điện tử đã phản ánh về các sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng nguồn kinh phí tại Trung tâm Y tế huyện Chư Sê và Chư Pưh. Việc khắc phục sai phạm đang được các đơn vị thực hiện nhưng vẫn còn chậm.
Mới đây, Thanh tra tỉnh đã có kết luận thanh tra tại Trung tâm Y tế huyện Chư Sê và Chư Pưh với số tiền sai phạm lần lượt là gần 2 tỷ đồng và hơn 1,3 tỷ đồng. Các sai phạm chủ yếu là thanh toán sai quy định về chế độ: phụ cấp ưu đãi cho viên chức; phụ cấp độc hại; phụ cấp khu vực cho những viên chức đi học có thời hạn trên 1 tháng và nghỉ thai sản; phụ cấp thường trực; phụ cấp thu hút; lương, phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp chức vụ; tiền đào tạo cho viên chức đi học đại học và sau đại học. Ngày 22-10, Thanh tra tỉnh đã ban hành Quyết định số 127 và 131/QĐ-TTr về việc thu hồi tiền sai phạm sau thanh tra tại Trung tâm Y tế huyện Chư Sê và Trung tâm Y tế huyện Chư Pưh. Thời hạn nộp tiền là 25 ngày kể từ ngày có quyết định thu hồi.
 Thanh tra tỉnh phát hiện nhiều sai phạm tại Trung tâm Y tế huyện Chư Sê. Ảnh: C.H
Thanh tra tỉnh phát hiện nhiều sai phạm tại Trung tâm Y tế huyện Chư Sê. Ảnh: C.H
Mặc dù đã rất nỗ lực nhưng 2 Trung tâm Y tế này vẫn gặp khó trong việc khắc phục sai phạm. Theo ông Phan Văn Hưng-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế huyện Chư Pưh, số tiền sai phạm mà Thanh tra tỉnh phát hiện và kiến nghị thu hồi tại đơn vị là do việc tiếp cận và vận dụng các quy định pháp luật chưa phù hợp. Ông Hưng lấy ví dụ sai phạm về phụ cấp độc hại và phụ cấp ngành là do thiếu nhân lực nên khi có nhiều bệnh nhân điều trị hoặc biểu hiện quá tải, Trung tâm phải điều động nhân viên bộ phận hành chính sang hỗ trợ bộ phận chuyên môn và phải tính phụ cấp cho họ. Tuy nhiên, theo Thanh tra tỉnh thì chỉ cán bộ làm công tác chuyên môn thường xuyên liên tục mới được hưởng phụ cấp này. Đối với việc chi sai tiền đào tạo cho viên chức đi học thì tại địa phương đang tính phụ cấp khu vực cho viên chức là 0,3. Khi viên chức được cử đi học ở địa phương khác có hệ số phụ cấp khu vực là 0,2 nhưng do chưa cập nhật, điều chỉnh kịp thời nên dẫn đến sai phạm.
Đồng quan điểm, ông Trương Minh Cẩn-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chư Sê-cho biết: Theo quy định, các khoa, phòng chuyên môn phải tách biệt nhau và có hệ số phụ cấp khác nhau. Tuy nhiên, do khó khăn về nhân lực và cơ sở vật chất nên Trung tâm phải tiến hành sáp nhập một số khoa, phòng. Điển hình như Khoa Hồi sức và Khoa Cấp cứu có hệ số phụ cấp khác nhau, sau khi sáp nhập, Trung tâm chưa điều chỉnh kịp thời hệ số phụ cấp dẫn đến số tiền sai phạm. “Số tiền chi sai cho cán bộ, viên chức xuất phát từ việc tiếp cận và vận dụng các quy định pháp luật chưa phù hợp chứ không phải vì mục đích trục lợi. Đơn vị tiếp thu và sẽ khẩn trương khắc phục trong thời gian đến”-ông Cẩn nói.
Trao đổi với P.V về kết quả khắc phục các sai phạm và thực hiện quyết định thu hồi tiền của Thanh tra tỉnh, lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Chư Pưh cho biết: Trên địa bàn huyện có 117 cán bộ, viên chức đang làm việc trong ngành Y tế thì có 114 người phải nộp lại tiền khắc phục theo quyết định thu hồi, người nộp lại nhiều nhất là 80 triệu đồng. Còn theo lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Chư Sê, trên địa bàn huyện có gần 200 cán bộ, viên chức đang làm việc trong ngành Y tế thì có khoảng 80% phải nộp tiền khắc phục sai phạm. Trong khi đó, giai đoạn thanh tra của Thanh tra tỉnh là từ năm 2013 đến năm 2017 nhưng việc khắc phục trong thời gian ngắn gây khó khăn cho đơn vị và ảnh hưởng đến công tác, tâm lý và đời sống của cán bộ, viên chức.
Làm việc với P.V, đại diện Thanh tra tỉnh thông tin: Đơn vị đã có quyết định thu hồi số tiền sai phạm tại Trung tâm Y tế huyện Chư Sê và Trung tâm Y tế huyện Chư Pưh. Về nguyên tắc, sai phạm là phải khắc phục trong thời hạn quy định. Tuy nhiên, cá nhân nào có điều kiện thì nộp hết một lần; ai không có điều kiện hoặc điều kiện khó khăn thì đơn vị phải làm văn bản đề nghị, xác nhận những trường hợp khó khăn theo Luật Lao động. Thanh tra tỉnh sẽ tổng hợp, báo cáo cấp trên xin ý kiến chỉ đạo. Thực tế tại địa phương, một số đơn vị nộp tiền khắc phục sai phạm sau thanh tra đã được cho phép nộp ứng trước 30% số tiền sai phạm; số tiền còn lại sẽ được trừ dần vào lương nhưng không được quá 1/3 số lương hàng tháng để đảm bảo đời sống cán bộ, công chức, viên chức.
Chí Hào

Có thể bạn quan tâm

Phiên tòa giả định xét xử tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ tại Đak Pơ

Phiên tòa giả định xét xử tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ tại Đak Pơ

(GLO)- Chiều 8-11, Huyện Đoàn Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) phối hợp với các cơ quan tư pháp huyện tổ chức phiên tòa giả định xét xử tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ và giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ tại xã Yang Bắc.

Thanh tra Sở Giao thông-Vận tải kiểm tra điều kiện an toàn kỹ thuật phương tiện kinh doanh vận tải trước khi xuất bến. Ảnh: M.P

Nỗ lực kiềm chế tai nạn giao thông

(GLO)- Trong 10 tháng năm 2024, tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh Gia Lai tăng cả số vụ, số người chết và số người bị thương so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện tại, ngành chức năng và chính quyền các địa phương đề ra nhiều giải pháp nhằm kiềm chế, kéo giảm TNGT trong những tháng cuối năm.