Cây dâu tằm “bén đất” Ia Pa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mặc dù mới “bén đất” Ia Pa (tỉnh Gia Lai) hơn 1 năm nay, song mô hình trồng dâu nuôi tằm đã mang lại hiệu quả cao, mở ra cơ hội chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương.

Hiệu quả kinh tế cao

“Trong các mô hình trồng trọt, chăn nuôi truyền thống tại địa phương, không có mô hình nào thu lợi nhanh như mô hình trồng dâu nuôi tằm”-bà Nguyễn Thị Cúc (thôn Quý Đức, xã Ia Trốk) khẳng định như vậy sau 1 năm triển khai mô hình trồng dâu nuôi tằm.

Với 4 ha dâu tằm, mỗi tháng, gia đình bà nuôi được 8 hộp tằm giống. Định kỳ 15 ngày, bà thu hoạch được gần 2,6 tạ kén. Với giá bán 195 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình bà lãi hơn 70 triệu đồng/tháng.

1vc.jpg
Bà Nguyễn Thị Cúc (bìa phải, thôn Quý Đức, xã Ia Trốk) chia sẻ về cách chăm sóc con tằm. Ảnh: V.C

Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề trồng dâu nuôi tằm, bà Cúc cho hay: Trước đây, toàn bộ diện tích canh tác bà trồng rau ngót. Nhưng do giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định nên hiệu quả kinh tế thấp. Sau khi tìm hiểu một số mô hình phát triển kinh tế tại các địa phương lân cận, bà đã chuyển đổi toàn bộ diện tích đất canh tác sang trồng dâu. Bà cũng sửa chữa lại gần 200 m2 chuồng trại chăn nuôi bò trước đây làm nhà nuôi tằm, lắp đặt tấm cách nhiệt, đảm bảo nhiệt độ thích hợp khoảng 30 độ giúp tằm sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh.

Bà Cúc chia sẻ: Cây dâu tằm không quá kén đất, phát triển nhanh, con tằm dễ nuôi và nhanh cho thu nhập. Chỉ cần nhà nuôi luôn sạch sẽ, thoáng mát, cho tằm ăn đều đặn 4 lần/ngày, đảm bảo lá dâu sạch là tằm không bị bệnh. Sản lượng kén thu hoạch được Công ty TNHH Dâu tằm Minh Hóa (xã Ia Băng, huyện Chư Prông) thu mua nên không lo lắng về đầu ra.

4t-1302.jpg
Bà Nguyễn Thị Cúc (thôn Quý Đức, xã Ia Trôk) phấn khởi thu hoạch kén tằm. Ảnh: Vũ Chi

Tại xã Kim Tân, gia đình ông Trần Văn Thêm (thôn Đồng Sơn) là 1 trong 2 hộ tiên phong đưa cây dâu tằm về trồng trên vùng đất khó. Triển khai từ đầu năm 2024, từ 2 sào dâu tằm ban đầu, đến nay, ông đã mở rộng diện tích lên 1,2 ha. “Mỗi lứa tằm kéo dài 15 ngày, sản lượng đạt 80 kg kén. Nhờ nuôi theo hình thức gối đầu nên mỗi tháng gia đình nuôi 3-4 lứa. Với giá bán ổn định 180-200 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, tôi lãi 30-40 triệu đồng/tháng, cao hơn nhiều so với trồng điều trước đây”-ông Thêm nhẩm tính.

Hết thời “nuôi tằm ăn cơm đứng”

Người xưa có câu “Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng” để nói về sự vất vả của nghề trồng dâu nuôi tằm. Tuy nhiên, hiện nay, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình trồng trọt, chăn nuôi nên bà con nông dân tiết kiệm được thời gian, công sức; năng suất, hiệu quả kinh tế cũng cao hơn.

Theo ông Thêm, trước đây, các hộ thường tận dụng khoảng trống trong nhà, sử dụng nong, nia để nuôi tằm. Với cách làm truyền thống này, con tằm dễ bị nhiễm bệnh, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng. Bây giờ, nhiều người xây dựng một khu nhà riêng để nuôi tằm. Vì vậy, tằm được cách ly tối đa với các loại côn trùng dễ truyền bệnh, giúp giảm thiểu rủi ro trong quá trình chăn nuôi.

Sau 13 ngày nuôi, tằm được cho lên né gỗ để tạo kén. Né gỗ được thiết kế hợp lý, mỗi ô chỉ vừa kích thước 1 con tằm nên tránh được tình trạng kết kén đôi, tằm lên tơ đều. Khi thu hoạch chỉ cần bỏ né gỗ vào máy dập kén, kén sẽ được gỡ ra đồng loạt. Nhà nuôi tằm lắp tôn cách nhiệt và đồng hồ đo nhiệt, đảm bảo nhiệt độ thích hợp cho con tằm phát triển. Dâu trồng lấy lá cho tằm ăn nhờ lắp đặt hệ thống tưới béc phun nên vừa tiết kiệm thời gian, vừa tiết kiệm nhân công.

“Với 1,2 ha dâu và hệ thống nhà nuôi, tôi đầu tư hết khoảng 300 triệu đồng. Tuy kinh phí ban đầu tương đối lớn nhưng sử dụng được lâu dài. Trong năm đầu tiên, sau khi trừ chi phí, mô hình trồng dâu nuôi tằm mang lại lợi nhuận cho gia đình trên 100 triệu đồng”-ông Thêm phấn khởi nói.

3ong-tran-van-them-bia-trai-thon-dong-son-xa-kim-tan-chia-se-ve-mo-hinh-trong-dau-nuoi-tam-cua-gia-dinh-anh-vu-chi.jpg
Ông Trần Văn Thêm (bìa trái, thôn Đồng Sơn, xã Kim Tân) chia sẻ về mô hình trồng dâu nuôi tằm của gia đình. Ảnh: Vũ Chi

Xã Ia Trốk hiện có 11 hộ trồng dâu nuôi tằm trên diện tích 18,4 ha, tập trung ở các thôn: Quý Tân, Quý Đức và buôn Rngôl. Chị Lê Thị Bích Ngọc-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ia Trốk-cho biết: Tuy mới triển khai nhưng mô hình trồng dâu nuôi tằm đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Cây dâu dễ trồng, dễ chăm sóc. Con tằm dễ nuôi, thời gian sinh trưởng ngắn giúp nhanh chóng thu hồi vốn.

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật nên quá trình sản xuất không còn vất vả như trước. Đặc biệt, công ty cung ứng giống về tận địa phương thu mua sản phẩm nên bà con yên tâm sản xuất. Chúng tôi dự kiến sẽ tổ chức cho chị em hội viên đi tham quan mô hình trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn xã để học hỏi kinh nghiệm, áp dụng vào thực tế, giúp nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Trao đổi với P.V, ông Phạm Văn Hoàng-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Pa-cho hay: Qua đánh giá, mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa, mì. Trên cơ sở khảo sát, nắm tình hình, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế, hỗ trợ 5-7 hộ nhân rộng mô hình trên diện tích 10 ha tại 2 xã Ia Trốk và Kim Tân trong thời gian tới. Đây là tiền đề thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Có thể bạn quan tâm

Krông Pa tổ chức tập huấn xây dựng mã số vùng trồng

Krông Pa tổ chức tập huấn xây dựng mã số vùng trồng

(GLO)- Trong 2 ngày (13 và 14-5), Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Krông Pa phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai tổ chức 2 lớp tập huấn xây dựng mã số vùng trồng cho gần 200 cán bộ, công chức cấp xã, các hộ dân, doanh nghiệp và HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Nông dân Ia Blứ trồng hoa hòe theo tiêu chuẩn VietGAP

Nông dân Ia Blứ trồng hoa hòe theo tiêu chuẩn VietGAP

(GLO)- Nhận thấy việc trồng cây hoa hòe mang lại thu nhập ổn định cho người dân trên địa bàn, xã Ia Blứ (huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) đã chủ động hỗ trợ bà con nông dân kỹ thuật chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP và đăng ký chứng nhận sản phẩm OCOP để nâng cao giá trị nông sản.

Những tỷ phú mía ở Pờ Tó

Những tỷ phú mía ở Pờ Tó

(GLO)- Mặc dù trải qua không ít khó khăn nhưng nhiều nông dân vẫn gắn bó với cây mía và xây dựng cánh đồng mía lớn. Nhờ đưa cơ giới hóa vào sản xuất, cây mía đã giúp nhiều hộ dân ở Pờ Tó (huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) trở thành tỷ phú.

Mang Yang đầu tư phát triển nông sản đặc trưng

Mang Yang đầu tư phát triển nông sản đặc trưng

(GLO)-Nhờ nguồn vốn Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và vốn địa phương, nhiều hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp và hộ kinh doanh trên địa bàn huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) đã đầu tư nâng tầm một số nông-lâm sản đặc trưng đạt tiêu chuẩn OCOP, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Vải ngọt đầu mùa ở Kbang. Ảnh: Ngọc Minh

Vải ngọt đầu mùa ở Kbang

(GLO)- Từ cuối tháng 4 đến nay, một số nhà vườn ở huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) bắt đầu thu hoạch những chùm vải chín. Vải đầu mùa mọng ngọt dễ tiêu thụ, bán được giá, người trồng vải vui mừng và tin tưởng một vụ vải thắng lợi.

Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang: Tự tin tham gia đánh giá sản phẩm OCOP cấp quốc gia

Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang: Tự tin tham gia đánh giá sản phẩm OCOP cấp quốc gia

(GLO)- Sau nhiều nỗ lực, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (huyện Đak Đoa) đã xây dựng thành công 5 sản phẩm cà phê và hồ tiêu đạt tiêu chuẩn chất lượng cao. Hiện các sản phẩm này đang được hoàn thiện hồ sơ đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận OCOP cấp quốc gia (OCOP 5 sao).

Đổi đời trên quê mới

Đổi đời trên quê mới

(GLO)- Rời quê hương Thái Bình, Cao Bằng để đến với mảnh đất Ia Hla (huyện Chư Pưh), nhiều người mang theo ước mơ đổi đời. Qua bao thăng trầm, họ đã trở thành những điển hình sản xuất giỏi ở địa phương.

Anh Thuế bên vườn cà phê tái canh của gia đình

Kiểm soát vật tư đầu vào phục vụ tái canh cà phê

(GLO)- Gia Lai hiện có hơn 106 ngàn ha cà phê. Theo kế hoạch, năm 2025, toàn tỉnh tái canh 2.370 ha và ghép cải tạo 30 ha cà phê. Hiện ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đang tăng cường kiểm soát chất lượng các vật tư đầu vào nhằm giúp nông dân thực hiện chương trình tái canh hiệu quả.