Cao su Chư Sê lan tỏa phong trào phát triển kinh tế gia đình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Công đoàn Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê đã triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 6a/NQ-CĐCS của Công đoàn Cao su Việt Nam về đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế gia đình trong công nhân, viên chức, lao động. Nhờ đó, đời sống của công nhân, người lao động không ngừng được cải thiện, giúp họ yên tâm gắn bó với công việc.  
Chị Siu H'Hep (làng Tung Mo B, xã Ia Dreng, huyện Chư Pưh) được nhiều người biết đến không chỉ là một công nhân cao su luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao mà còn là điển hình trong phát triển kinh tế gia đình. Chị H'Hep chia sẻ, năm 2004, chị xin vào làm công nhân khai thác mủ của Nông trường Cao su Ia Ko (Công ty Cao su Chư Sê). Ý thức được trách nhiệm của mình, chị thường xuyên rèn luyện nâng cao tay nghề, khai thác mủ đúng quy trình kỹ thuật, chăm sóc tốt vườn cây nhận khoán. Nhờ vậy, sản lượng vườn cây năm nào cũng vượt chỉ tiêu.
 Công nhân Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê chăm sóc vườn hồ tiêu của gia đình. Ảnh: K.N.B
Công nhân Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê chăm sóc vườn hồ tiêu của gia đình. Ảnh: K.N.B
Không những vậy, chị H'Hep còn là điển hình trong phong trào phát triển kinh tế gia đình. Nhờ sự động viên, tạo điều kiện của Công đoàn Nông trường, tranh thủ thời gian rảnh rỗi sau khi cạo mủ, chị ở nhà bán các mặt hàng tiêu dùng cho người dân trong làng. Nhờ biết cách tiết kiệm trong chi tiêu, chị đã mua được đất để trồng 300 cây cao su và 900 cây cà phê. Diện tích cao su của gia đình chị nay đã cho thu hoạch, còn cà phê thì chuẩn bị cho thu bói. Sau một thời gian tích lũy từ lương, buôn bán tạp hóa và thu hoạch mủ cao su tiểu điền, vợ chồng chị đã xây được căn nhà khang trang rộng gần 100 m2 trị giá hơn 300 triệu đồng.
Chị H'Hep là một trong hàng trăm công nhân điển hình ở Công ty Cao su Chư Sê thực hiện hiệu quả phong trào phát triển kinh tế gia đình theo Nghị quyết số 6a/NQ-CĐCS của Công đoàn Cao su Việt Nam. Trong những năm qua, thực hiện nghị quyết này, Công đoàn Công ty đã vận động công nhân, người lao động tích cực tham gia phát triển kinh tế gia đình để nâng cao thu nhập. Để phong trào có sức lan tỏa, phát huy hiệu quả, Công đoàn Công ty đã chú trọng xây dựng mô hình tiêu biểu để từ đó nhân rộng trong công nhân, người lao động.
Trao đổi với chúng tôi, ông Vương Đức Thông-Chủ tịch Công đoàn Công ty-cho biết: Khi giá mủ cao su xuống thấp, việc phát triển kinh tế gia đình trong công nhân trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Để gắn bó lâu dài với Công ty, đảm bảo đời sống, rất nhiều gia đình công nhân đã tích cực tăng gia sản xuất. Trong số đó, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu. Đặc biệt, từ năm 2015 đến nay, Ban Giám đốc cùng Công đoàn Công ty đã tạo mọi điều kiện để người lao động tham gia trồng xen canh trên vườn cao su kiến thiết cơ bản. Ngoài ra, các cấp Hội Phụ nữ trong đơn vị còn triển khai thực hiện tốt phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”. Phong trào này đã khơi dậy được tiềm năng to lớn trong đội ngũ nữ công nhân. Chị em đã tự nguyện giúp nhau về ngày công lao động, cây giống, con giống để sản xuất, góp phần tăng thu nhập cho gia đình, xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu. Các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế đã góp phần đáng kể trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo. Hiện nay, có 450 hộ công nhân của Công ty trồng xen canh trong vườn cao su kiến thiết cơ bản với tổng diện tích hơn 660 ha. Các loại cây trồng xen chủ yếu là cà phê, hồ tiêu, chuối, chanh dây, bơ, mít, nghệ, cây dược liệu, sầu riêng, khoai lang… Việc trồng xen này đã tạo thêm thu nhập gần 6 triệu đồng/hộ/tháng. Ngoài ra, có 220 hộ công nhân trồng chuyên canh các loại cây như cà phê, hồ tiêu với tổng diện tích 243 ha, cho thu nhập hơn 3,6 triệu đồng/hộ/tháng. Bên cạnh đó, các hộ gia đình công nhân còn chăn nuôi bò, heo, gà… với gần 22.000 con.
Từ thực tế việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 6a/NQ-CĐCS ở Công ty Cao su Chư Sê cho thấy, phong trào phát triển kinh tế gia đình đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo động lực cho người lao động tích cực tăng gia sản xuất để nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, gắn bó lâu dài với đơn vị.

 HÀ ĐỨC THÀNH

Có thể bạn quan tâm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Liên tiếp các lô hàng trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu bị nhiều nước nhập khẩu cảnh cáo vì không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hệ thống kênh nhánh dẫn nước tại thủy lợi Plei Keo về làng Vơng Chép (xã Ayun). Ảnh: N.D

Chư Sê chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới

(GLO)- Trước thông tin dự báo về thời tiết diễn biến khắc nghiệt, cộng với việc công trình hồ thủy lợi Ia Ring gặp sự cố, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới cuối vụ Đông Xuân 2024-2025 nhằm giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.