Cảnh giác thủ đoạn lừa đảo qua giao dịch thương mại điện tử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ tháng 6-2021 đến nay, Phòng Cảnh sát Hình sự (Công an tỉnh Gia Lai) đã tiếp nhận khoảng 10 tin báo liên quan đến hành vi lừa đảo trên sàn thương mại điện tử ảo với số tiền bị chiếm đoạt hơn 5 tỷ đồng. Đây là hồi chuông cảnh báo cho người dân cần tỉnh táo khi tham gia giao dịch thương mại điện tử.
Mất tiền tỷ vì hám lời
Đối tượng Cù Hải Nam. Ảnh: Đức Dũng
Đối tượng Cù Hải Nam. Ảnh: Đức Dũng
Phòng Cảnh sát Hình sự (CSHS) phối hợp với Phòng An ninh mạng và Phòng-chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh) vừa bắt giữ đối tượng Cù Hải Nam (SN 1998, trú tại thị trấn Cẩm Khê, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo đó, ngày 10-8, chị B.T.T.T. (SN 1991, trú tại phường Diên Hồng, TP. Pleiku) đến cơ quan Công an trình báo về việc chị là nạn nhân của liên tiếp những vụ lừa đảo trên mạng internet. Chị T. cho hay, từ cuối tháng 7-2021, chị tham gia vào website shopee88.vip có giao diện và hình thức giống sàn thương mại điện tử Shopee. Trang web này mời chào người chơi tạo tài khoản rồi đầu tư một số tiền để có thể sở hữu các đơn hàng. Khi đơn hàng được bán, người chơi sẽ nhận mức hoa hồng lớn.
Ban đầu, chị T. còn ngần ngại nên chỉ đầu tư số tiền nhỏ. Lập tức, chị được trang web này trả cả gốc lẫn lãi. Sau vài lần tương tự, chị T. tin tưởng đây là loại hình kiếm tiền online uy tín nên đã rót hơn 1 tỷ đồng. Ngay sau đó, trong tài khoản của chị T. tại trang web này báo về chị đã lãi khoảng 500 triệu đồng. Tuy nhiên, dù dùng mọi cách nhưng chị không thể rút được số tiền này. Khi đó, chị mới biết mình bị lừa.
Chị T. tìm hiểu trong cộng đồng những người tham gia website shopee88.vip thì biết 1 người có nickname là “Kabap”. Sau này, cơ quan Công an xác minh Nam chính là chủ sở hữu của tài khoản này. Thông qua mạng xã hội Zalo, chị T. liên hệ với Nam thì đối tượng “nổ” rằng mình là hacker đã từng tham gia website shopee88.vip nên hiểu rõ cách thức vận hành và có thể rút tiền từ tài khoản ra cho chị T. Tuy nhiên, Nam yêu cầu chị T. phải trả phí 10% số tiền rút ra cho mình. Chị T. đồng ý chuyển trước cho Nam hơn 100 triệu đồng. Nhận được tiền, Nam tiếp tục vòi vĩnh, đưa ra lý do rằng phải liên hệ với tổng đài và lấy mật mã tài khoản để chị T. chuyển cho mình nhiều lần số tiền tổng cộng 374 triệu đồng.
Nhận được đơn trình báo, Phòng CSHS phối hợp với Phòng An ninh mạng và Phòng-chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khẩn trương xác minh, xác định đối tượng và vận động Nam ra đầu thú. Tại cơ quan Công an, Nam khai nhận mình chưa qua trường lớp đào tạo về công nghệ thông tin mà chỉ thường xuyên lên mạng internet mày mò các thủ thuật để mạo danh là một hacker. Bản thân Nam cũng đã từng tham gia vào website shopee88.vip và đã bị lừa hàng chục triệu đồng.
Cẩn trọng với bẫy “kiếm tiền online”
Trung tá Hồ Quang Dũng-Điều tra viên Phòng CSHS-cho hay: “Nạn nhân trong tâm lý bị mất số tiền lớn nên đã hoảng loạn, không giữ được sự cảnh giác để đối tượng Nam dẫn dắt tiếp tục lừa đảo. Riêng với website shopee88.vip, tại Gia Lai cũng có 1 cá nhân bị lừa số tiền 120 triệu đồng với thủ đoạn tương tự. Chúng tôi đề nghị những ai là bị hại của website trên liên hệ Phòng CSHS theo số điện thoại 0694329148 để phối hợp công tác điều tra”.
Theo thông tin từ Phòng CSHS, từ tháng 6-2021 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận khoảng 10 tin báo của người dân liên quan đến các sàn thương mại điện tử trên mạng internet với số tiền bị chiếm đoạt lên đến hơn 5 tỷ đồng. Đó là các sàn giao dịch ảo: shopee88.vip, MXC9.com, Fi, Busstrade, Biance… Đặc biệt, trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, loại hình lừa đảo này càng “nở rộ” bởi nhu cầu kiếm tiền online tăng cao. Hầu hết các sàn giao dịch trên đều chung một thủ đoạn là đưa ra mức lãi suất “trên trời”.
Đầu tháng 6-2021, đơn vị nhận được đơn trình báo của chị T.T.T. (trú tại xã Diên Phú, TP. Pleiku). Chị T. đã tham gia sàn đầu tư MXC9.com với mức đầu tư ban đầu chỉ hơn 7 triệu đồng, thu lãi hơn 1 triệu đồng. Sau đó, chị tiếp tục bỏ vào hơn 25 triệu đồng và lãi gần 5 triệu đồng. Qua nhiều lần tăng mức tiền, chị T. thu về khoảng 40 triệu đồng. Thấy lợi nhuận “khủng”, từ ngày 8 đến 10-6, chị chuyển vào tài khoản của sàn này hơn 1 tỷ đồng và được báo lại số dư tài khoản hơn 1,7 tỷ đồng nhưng lại không thể rút tiền ra. Thấy vậy, chị T. liên hệ với bộ phận chăm sóc khách hàng của sàn này thì bị yêu cầu chuyển 10% tiền lệ phí mới cho rút.
Thượng tá Trương Đức Đương-Phó Trưởng phòng CSHS-cho hay: Thời gian qua rộ lên tình trạng các đối tượng tự lập ra hoặc làm đầu mối cho các sàn giao dịch ảo (vàng, ngoại tệ, bất động sản, tiền ảo) để lôi kéo khách hàng mở tài khoản giao dịch. Sau khi có được lượng khách hàng đầu tư lớn, các đối tượng sẽ công bố “vỡ nợ”, “sập sàn” để chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư. Hoặc chúng hướng dẫn bị hại nghiên cứu đầu tư tài chính vào sàn chính thống, khi người đầu tư chấp nhận thì nhận đường link vào sàn ảo do chúng lập ra. Sau đó, cho bị hại hưởng lợi nhuận cao gấp 2-3 lần cho tới khi họ đầu tư số tiền lớn thì không cho rút tiền ra.
“Các đối tượng rất tinh vi khi giao dịch bằng tiền ảo, tiền điện tử, sử dụng các ứng dụng giả mạo địa chỉ IP… Người dân không nên vì lợi nhuận cao mà tham gia các sàn giao dịch ảo, các trang web lạ. Nếu có dấu hiệu lừa đảo đề nghị người dân thông báo ngay cho ngân hàng và cơ quan Công an để phong tỏa tài khoản, điều tra làm rõ”-Thượng tá Đương khuyến cáo.
LÊ VĂN NGỌC

Có thể bạn quan tâm