Cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh sốt xuất huyết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai, 2 tuần qua, toàn tỉnh ghi nhận 108 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), nâng tổng số ca mắc từ đầu năm đến nay lên 269 ca. Hiện đang bước vào mùa mưa, thời tiết mưa nắng xen kẽ tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi gây bệnh SXH sinh trưởng và phát triển làm gia tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Hiện toàn tỉnh đã có 32/220 xã, phường, thị trấn của 16/17 huyện, thị xã, thành phố (trừ huyện Kông Chro) ghi nhận các ca mắc SXH. Riêng trong tuần qua, toàn tỉnh ghi nhận 61 ca mắc SXH, tăng 14 ca so với tuần trước đó. Các huyện có số ca mắc cao gồm: Ia Grai (83 ca), Ia Pa (31 ca), Chư Pưh (27 ca)…
2 tuần qua, huyện Ia Grai ghi nhận 69 ca mắc SXH. Dịch bệnh SXH có dấu hiệu bùng phát với 9 ổ dịch tại xã Ia Krai và thị trấn Ia Kha. Bà Hà Thị Thoa (tổ dân phố 1, thị trấn Ia Kha) cho biết: “Cả 4 người trong gia đình tôi đều mắc SXH. Ngay khi người đầu tiên trong nhà bị bệnh thì chồng tôi đã báo chính quyền địa phương xuống phun thuốc. Sau đó, một số người trong khu phố cũng bị mắc SXH”.
Theo Trung tâm Y tế huyện Ia Grai, từ đầu năm đến nay, huyện ghi nhận 83 ca mắc SXH; riêng từ đầu tháng 5 đến nay ghi nhận 75 ca; trong đó, thị trấn Ia Kha 4 ca, xã Ia Krai 71 ca. Đến ngày 28-5, 5/9 ổ dịch trên địa bàn huyện đã được dập tắt, ngành Y tế tiếp tục xử lý các ổ dịch còn lại. Tuy nhiên, số bệnh nhân mắc SXH trên thực tế có thể nhiều hơn. Bởi ngoài số bệnh nhân đến các cơ sở y tế điều trị thì những trường hợp mắc SXH nhẹ tự điều trị tại nhà nên không thể thống kê hết. Nhằm kịp thời khống chế, không để dịch bệnh lây lan, Trung tâm Y tế huyện Ia Grai tiến hành phun hóa chất diệt muỗi tại các ổ dịch; đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường truyền thông, vận động người dân tham gia các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng/bọ gậy, thu dọn vật dụng, phế thải chứa nước đọng… phòng bệnh SXH. Bên cạnh đó, hướng dẫn người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh, mắc màn khi ngủ ngay cả ban ngày.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân mắc SXH đang điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi tỉnh). Ảnh: Như Nguyện
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân mắc SXH đang điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi tỉnh). Ảnh: Như Nguyện
Trên thực tế, công tác phòng-chống SXH hiện nay gặp phải một số khó khăn, nhất là ý thức của một bộ phận người dân chưa cao. “Khi tổ chức vận động, tuyên truyền thì bà con hưởng ứng nhưng sau đó thì thiếu sự phối hợp, không thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng bệnh, tạo điều kiện cho muỗi tiếp tục sinh trưởng, phát triển làm lây lan dịch bệnh SXH. Thời gian tới, SXH có thể tiếp tục gia tăng. Vì vậy, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức phòng bệnh của người dân, chúng tôi tiếp tục kiểm tra, giám sát chuyên môn về phòng-chống SXH nhằm kịp thời phát hiện, xử lý triệt để các ổ dịch, không để lây lan”-bà Lê Thị Thúy-cán bộ chuyên trách chương trình SXH (Trung tâm Y tế huyện Ia Grai) nói.
Từ đầu năm đến nay, huyện Ia Pa ghi nhận 31 ca mắc SXH. Bác sĩ Rơ Ô Dung-cán bộ chuyên trách chương trình SXH (Trung tâm Y tế huyện Ia Pa) chia sẻ: Ia Pa đứng thứ hai toàn tỉnh về số ca mắc SXH. Ngành Y tế địa phương đã tích cực tuyên truyền về các biện pháp phòng-chống SXH, nhất là trong việc vệ sinh môi trường, không để ao tù nước đọng… Tuy nhiên, lúc cán bộ nhắc nhở thì bà con làm nhưng sau đó thì đâu lại vào đấy. Một khó khăn nữa là chúng tôi thiếu kinh phí nên triển khai công tác phòng-chống SXH có những hạn chế nhất định. 
Nhân viên y tế phun hóa chất khử khuẩn tại một ổ dịch trên địa bàn thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai. Ảnh: Như Nguyện
Nhân viên y tế phun hóa chất khử khuẩn tại một ổ dịch trên địa bàn thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai. Ảnh: Như Nguyện
Nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ y tế địa phương và chủ động phòng-chống SXH, mới đây, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực giám sát và phòng-chống bệnh SXH Dengue cho gần 40 cán bộ chuyên trách phòng-chống SXH các huyện, thị xã, thành phố. Ngoài phần lý thuyết và thực hành, lớp tập huấn còn dành nhiều thời gian để học viên thảo luận, trao đổi về công tác phòng-chống SXH, đề xuất những kiến nghị, giải pháp góp phần đạt hiệu quả cao hơn trong phòng bệnh thời gian tới.
Ông Rơ Mah Huân-Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh-nhận định: Gia Lai đang bước vào mùa mưa và năm nay cũng nằm trong chu kỳ bùng phát dịch bệnh SXH nên có khả năng diễn biến phức tạp trong thời gian tới. “Chúng tôi chủ động xây dựng kế hoạch phòng bệnh, phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên điều tra, giám sát lăng quăng/bọ gậy tại các điểm gia tăng ca mắc và tiếp tục tổ chức các đội điều tra, giám sát tại cơ sở. Chỉ đạo các địa phương có số ca mắc SXH cao triển khai các hoạt động phòng-chống theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Các địa phương khác thì tăng cường giám sát và triển khai các hoạt động phòng-chống SXH theo quy định. Hiện bệnh SXH chưa có vắc xin phòng bệnh. Vì vậy, người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh và phối hợp tốt với chính quyền địa phương để khống chế và dập tắt ổ dịch”-ông Huân khuyến cáo.
NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun ngày 10/1 cho biết, quy mô lây lan các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ở Trung Quốc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và metapneumovirus ở người (HMPV) đã lưu hành hơn 60 năm, không phải chủng vi-rút mới.

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, cơn hen suyễn hoặc bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), suy hô hấp, viêm tiểu phế quản nặng đặc biệt là trẻ em.