Cận Tết 2019, tiền giả lại được rao bán rầm rộ trên Facebook

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Các bài đăng rao bán tiền giả đang xuất hiện tràn lan trên Facebook, và không ít người nhẹ dạ cả tin đã bị lừa.
 
Tiền giả được rao bán công khai trên Facebook. (Ảnh chụp màn hình)
Chỉ còn chưa đầy 20 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Lợi dụng thời điểm này, nhiều đối tượng đã sử dụng mạng xã hội để rao bán tiền giả với đủ loại mệnh giá từ 100.000 đồng, 200.000 đồng cho tới 500.000 đồng.
Theo lời rao của nhiều chủ tài khoản Facebook, fanpage, chỉ cần bỏ ra 1 đồng tiền thật, người mua sẽ nhận được gấp 10 - 12 lần bằng tiền giả. Những người rao bán tiền giả cũng không cung cấp địa chỉ giao dịch mà chỉ giao hàng tận nơi, có nơi yêu cầu đặt cọc có nơi không.
Thực tế, tội phạm tiền giả là vấn nạn của hầu hết các quốc gia trên thế giới hiện nay chứ không riêng tại Việt Nam. Trước thực trạng đó, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an mà nòng cốt là lực lượng An ninh kinh tế, An ninh điều tra phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác đấu tranh với loại tội phạm này.
Theo Bộ Công an, thời gian gần đây, thông qua mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber, các đối tượng công khai rao bán tiền giả với phương thức người mua chuyển tiền thật vào tài khoản mà các đối tượng tội phạm đã định sẵn, sau đó các đối tượng sẽ chuyển tiền giả trực tiếp cho người mua hoặc thông qua bưu điện hay xe khách liên tỉnh. Không ít trường hợp đối tượng buôn bán tiền giả lừa đảo chiếm đoạt tiền thật của người tìm mua tiền giả.
Được biết, thủ đoạn mà tội phạm tiền giả thường sử dụng là dùng tiền giả có mệnh giá cao để mua hàng hóa có giá trị thấp nhằm lấy tiền trả lại là tiền thật; kẹp tiền giả có mệnh giá cao vào các cọc tiền thật để thanh toán... Để tránh bị phát hiện, các đối tượng thường thực hiện hành vi phạm tội vào lúc trời tối hoặc nhá nhem tối, nơi thiếu ánh sáng; trao đổi, giao dịch một cách nhanh chóng, chớp nhoáng. Vì vậy, khi người bán hàng phát hiện ra thì đối tượng đã “cao chạy xa bay”. Địa bàn lưu hành tiền giả thường ở các vùng sâu, vùng xa, những nơi có trình độ dân trí thấp, người dân chưa nhận biết được đặc điểm bảo an của đồng tiền.
 
Lực lượng chức năng đang hướng dẫn người dân phân biệt tiền giả và tiền thật. (Ảnh: Bộ Công an)
Liên quan tới vấn nạn tiền giả, Cục An ninh kinh tế - Bộ Công an cho biết, từ năm 2006 đến tháng 8/2018, lực lượng An ninh điều tra toàn quốc đã bắt giữ, điều tra 1.200 vụ với 2.257 bị can, thu giữ trên 30 tỉ đồng tiền Việt Nam giả và hàng nghìn USD giả.
Nổi cộm trong thời gian gần đây là trường hợp Bùi Văn Hải (22 tuổi, ngụ TP.HCM) bị kết án 12 năm tù về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Theo hồ sơ, Hải lập tài khoản Facebook có tên “Nhật Vy (bán tiền giả)” để rao bán tiền giả với nhiều mệnh giá khác nhau. Bà N.T.H (ngụ phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã liên hệ với tài khoản Facebook này, và chuyển cho Hải 4,2 tỉ đồng để mua 18 tỉ tiền giả.
Sau khi nhận được tiền của bà H., Hải cắt đứt mọi liên lạc. Biết mình bị Hải lừa, bà H. đến cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) - Bộ Công an trình báo sự việc. Đến chiều ngày 3/4/2017, công an phát hiện và bắt quả tang Hải đang sử dụng thẻ ngân hàng mang tên khác rút tiền chiếm đoạt tại một cây ATM trên địa bàn quận 12, TP.HCM.
Tại cơ quan điều tra, Hải khai nhận hành vi lừa đảo. Ngoài bà H., Hải còn lừa 10 người khác với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng bằng hình thức tương tự.
Trước đó, Công an tỉnh Quảng Nam đã bắt một đường dây tiêu thụ tiền giả liên tỉnh. Cụ thể, ngày 14/5/2016, Đào Văn Cần (SN 1989, quê Thái Nguyên) cùng anh ruột là Đào Văn Ninh (SN 1981) đến chợ Vinh Huy (huyện Thăng Bình) mua rất nhiều hàng như xà phòng, mắm, dầu, thuốc lá,… bằng tiền giả. Cứ mỗi lần mua, 2 thanh niên này đưa tờ 200.000 tiền giả để tiểu thương trả lại tiền thừa.
Trong vụ án này, công an bắt giữ 07 đối tượng, trong đó đối tượng chính cung cấp tiền giả cho đường dây này là Chu Thị Oanh (SN 1969, quê Cao Bằng). Oanh khai, số tiền giả có được là do sang Trung Quốc mua lại của một phụ nữ tên A Ming, sau đó đem về Việt Nam theo đường tiểu ngạch.
Điều 207 trong Bộ luật hình sự năm 2015 về tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả
1. Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
3. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
4. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Ngọc Phạm (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

(GLO)- Sáng 9-1, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB Bank) Chi nhánh Gia Lai khai trương hoạt động ngân hàng tự động (Smartbank) Đak Đoa tại số 289 Nguyễn Huệ (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa).