Cần ôxy, có họ ngay!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Họ - những đoàn viên thanh niên, tình nguyện viên ở TP HCM - đang ngày đêm, bất kể nắng mưa, mang nguồn ôxy đến tận nhà bệnh nhân với sứ mệnh "Trao ôxy - nối dài sự sống"
Những ngày qua, TP HCM gồng mình phòng chống dịch Covid-19. Trong khi toàn bộ người dân "ai ở đâu ở yên đó" để phòng tránh lây nhiễm thì các tình nguyện viên của chương trình "ATM ôxy" phải len lỏi khắp nơi mang nguồn ôxy đến tận từng nhà bệnh nhân.
Nhận ra giá trị công việc
"TP HCM ngày 28-8-2021.
- Con ơi, chú đứng trước cửa rồi nè. Chú thấy con rồi.
- Con cũng thấy chú rồi. Đang mưa lớn lắm. Chú vô nhà đi. Con sẽ khiêng vào tới thềm nhà cho chú.
Chú cũng tầm tuổi ông ngoại mình. Dáng cao ốm, nhìn mắt chú thì chắc đã mệt mỏi quá lâu, gồng đến bây giờ chắc đã cố gắng lắm rồi. Vừa thấy mình, chú liên tục cúi gập người "cảm ơn con, cảm ơn con, đội ơn tụi con, chú không biết phải nói gì hơn. Cô yếu lắm rồi, cảm ơn tụi con". Nhìn cảnh chú cứ cúi gập đầu làm mình lặng mất vài giây. Chú khiêng bình ôxy vừa đi vừa nói vọng vào nhà: "Bà ơi! Có ôxy rồi. Có ôxy rồi. Ráng lên bà nha".
Đó là những dòng nhật ký của tình nguyện viên Nguyễn Tú, trạm ôxy tại Quận Đoàn 4, viết trên trang Facebook cá nhân. Tú cho biết 2 ông bà này đều mắc Covid-19 nhưng cụ bà nặng hơn. Không có con cái, người thân, 2 ông bà tự chăm sóc nhau.

Lên đường
Lên đường
"Hình ảnh và lời nói của ông chú đó cứ mãi trong tâm trí tôi. Giờ thì cả 2 ông bà đã khỏi bệnh rồi. Chúng tôi mừng lắm. Mình thì như con cháu thôi mà lần nào đến ông cũng cúi người liên tục nói lời cảm ơn, thấy ngại quá. Tình cảm của các bệnh nhân đã khích lệ tinh thần, làm chúng tôi nhận ra giá trị công việc của mình để vượt qua mọi khó khăn" - Tú chia sẻ.
Linh Trọng, một tình nguyện viên của trạm ôxy thuộc Thành Đoàn TP Thủ Đức, kể lại kỷ niệm đầu tiên khó quên của mình. Đó là một buổi chiều, khi nhận được cuộc gọi cần ôxy gấp trên địa bàn phường Linh Xuân, TP Thủ Đức, Trọng nhanh chóng lên đường. "Khoảng 20 phút em mới tới do đường bị rào chắn nhiều nơi. Tới nơi thì người nhà nói chú mất rồi, vừa mất tức thì. Em đứng hình luôn và cảm thấy có lỗi quá. Giá em đến sớm hơn thì có thể đã cứu được chú rồi" - Trọng nói.
Về đến trạm, Trọng kể hôm đó cứ như người mất hồn. Cả tối không tài nào ngủ được vì cảm giác ân hận cứ dâng lên. "Em mất ngủ rất nhiều ngày sau đó. Các anh chị trong đội phải động viên, chia sẻ nhiều em mới lấy lại tinh thần. Kể từ đó, có người gọi là em tìm cách đến nhanh nhất để không phải chứng kiến cảnh buồn nào nữa" - Trọng nói thêm.
Một tình nguyện viên tên Tr. của chương trình cho biết bạn đã mắc Covid-19 trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Sau khi điều trị khỏi bệnh, Tr. đã nhanh chóng quay lại công việc bởi bạn hiểu rõ nhất sự cần thiết của ôxy trong điều trị bệnh Covid-19.
"Dù được tập huấn, bảo hộ rất kỹ nhưng chỉ một chút sơ sẩy nên tôi bị nhiễm. Rất may, tôi được phát hiện sớm nên điều trị kịp thời và nhanh chóng khỏi bệnh. Khi bị bệnh, tôi mới hiểu rõ giá trị của ôxy và đó là lý do tôi quay lại công việc tình nguyện giao, nạp ôxy cho bệnh nhân Covid-19" - Tr. nói.
Sẵn sàng 24/24 giờ
Anh Thi Văn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành Đoàn TP Thủ Đức - người phụ trách điều phối "ATM ôxy", cho biết chương trình "ATM ôxy" được Thành Đoàn TP Thủ Đức triển khai từ đầu tháng 8 nhằm cấp, đổi bình ôxy hỗ trợ công tác chăm sóc sức khỏe người dân tại các bệnh viện, bệnh viện dã chiến, cơ sở y tế cũng như người điều trị Covid-19 ở nhà. Bất kể ngày đêm, mưa hay nắng, cứ có cuộc gọi đến cần ôxy là đội "ATM ôxy" sẽ chia nhau lên đường để các F0 được hỗ trợ kịp thời nhất.
"Với thông điệp "Trao ôxy - nối dài sự sống", chúng tôi đã triển khai 3 trạm ôxy vệ tinh bao quát TP Thủ Đức để kịp thời cung cấp ôxy cho người bệnh có nhu cầu. Không chỉ cung cấp cho các F0, những người dân có bệnh nền đang chữa trị tại nhà trong giai đoạn giãn cách xã hội, không thể gọi các dịch vụ y tế mà cần ôxy thì chúng tôi cũng nhanh chóng cung cấp hoàn toàn miễn phí" - anh Tuấn nói.
Theo anh Tuấn, tiêu chí thời gian là quan trọng nhất của đội. Để kịp thời, tránh mất thời gian di chuyển lòng vòng vì nhiều đường bị rào chắn, khi nhận được cuộc gọi, người trực tổng đài phải hỏi kỹ địa chỉ, đường vào nhà có bị chặn hay không, nếu bị chặn thì người nhà chạy ra đợi sẵn để tiết kiệm thời gian. Khi xét thấy tình huống khẩn cấp, đội sẽ phối hợp với trạm y tế lưu động gần đó hỗ trợ ngay vì các trạm y tế lưu động này cũng có bình ôxy và có sẵn bác sĩ sẽ giúp bệnh nhân được tốt hơn.

Không chỉ mang ôxy đến, họ còn sẵn sàng giúp bệnh nhân đo huyết áp
Không chỉ mang ôxy đến, họ còn sẵn sàng giúp bệnh nhân đo huyết áp
Anh Lê Thành Đạt, Phó Bí thư Quận Đoàn 12, cho biết chương trình "ATM ôxy" đã phát huy được tinh thần xung kích của đoàn viên thanh niên trong đại dịch. Các bạn đoàn viên, tình nguyện viên đã nhanh chóng bắt tay vào việc bởi đây là nhiệm vụ cấp bách, giúp cứu chữa kịp thời nhiều trường hợp trở nặng.
"Trong quá trình vận hành "ATM ôxy", chúng tôi đã phối hợp với đội ngũ các y - bác sĩ có chuyên môn để thực hiện tốt các khâu như: vận hành, lưu trữ, bảo quản, di chuyển, lắp đặt, hỗ trợ cho người dân một cách hiệu quả nhất, tránh được những trường hợp đáng tiếc xảy ra, góp phần giảm số lượng ca nặng và tử vong trên địa bàn quận 12. Hiện nay, số ca nhiễm ở quận 12 đang giảm nhưng số bệnh nhân cần ôxy vẫn còn nhiều, nên chúng tôi vẫn triển khai theo tinh thần sẵn sàng 24/24 giờ" - anh Đạt thông tin.
Giảm tải cho tuyến đầu
Theo anh Lê Hoàng Minh - Trưởng Ban Công nhân lao động Thành Đoàn TP HCM, phụ trách chương trình "ATM ôxy" - sự thành công của chương trình chính là các tình nguyện viên. Sức trẻ, sự nhiệt huyết của tuổi trẻ cộng với tinh thần vì cộng đồng, vì tuyến đầu chống dịch đã làm nên câu chuyện "ATM ôxy" cứu được nhiều bệnh nhân nguy cấp.
"Phải nói chương trình "ATM ôxy" đã biến cái không thể thành có thể. Trong giai đoạn thực hiện giãn cách nghiêm ngặt, doanh nghiệp đóng cửa nhưng chương trình đã vận động được một số lượng lớn bình và ôxy để kịp thời cứu chữa người bệnh. Đó không chỉ là công sức của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam hay Thành Đoàn TP HCM mà là sự chung tay của rất nhiều doanh nghiệp, cá nhân, nhà hảo tâm để tạo nên một chương trình đầy ý nghĩa, kịp thời trong hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh" - anh Minh nói.

Súc rửa bình ôxy, chuẩn bị cho một ngày mới
Súc rửa bình ôxy, chuẩn bị cho một ngày mới
"Với 23 trạm lưu trữ và cung cấp ôxy tại 22 quận, huyện và TP Thủ Đức; hơn 400 trạm y tế lưu động tại TP HCM, chương trình cung cấp ôxy miễn phí cho các bệnh nhân Covid-19 và những bệnh nhân khác có nhu cầu đã hoạt động 24/24 giờ mỗi ngày để cung cấp máy tạo ôxy, bình ôxy hỗ trợ công tác chăm sóc sức khỏe, giúp bệnh nhân sớm hồi phục, góp phần giảm tải cho tuyến đầu chống dịch" - anh Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, cho biết. 
"Mô hình “ATM ôxy” (hay trạm ôxy) là một trong nhiều sáng kiến vì cộng đồng của doanh nhân Hoàng Tuấn Anh (người nổi tiếng với “ATM gạo”), được Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam phối hợp Thành Đoàn TP HCM thực hiện. Hiện chương trình đã triển khai khắp các quận, huyện và TP Thủ Đức với 7.000 bình ôxy các loại và hơn 1.500 tình nguyện viên tham gia.
Bài và ảnh: Giang Nam (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.