Cần nghiêm trị hành vi phá hoại vườn cây!

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Sau một thời gian dài chăm sóc vất vả, thời điểm cây trồng cho thu hoạch là lúc bà con nông dân gặt hái thành quả. Thế nhưng, trong chốc lát, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ, cả vườn cây bị kẻ xấu phá hoại: vặt quả, bẻ cành, thậm chí chặt ngang gốc. Hành động bột phát, nhất thời đó đã đẩy chủ vườn vào cảnh điêu đứng.

Mới đây, hình ảnh những cây sầu riêng bị đẽo vỏ sát gốc, quả non rơi rụng vương vãi tại vườn của gia đình chị Ngô Thị Hiền (thôn Hoàng Yên, xã Ia Phìn, huyện Chư Prông) khiến mọi người bất bình. Gần 30 cây sầu riêng chỉ còn 1 tháng nữa sẽ cho thu hoạch đã bị kẻ xấu chặt phá, ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập khi giá sầu riêng đang được bán ra khá cao trên thị trường.

Tháng 2-2023, ông Trần Anh Hảo (làng O Gia, xã Ia Pếch, huyện Ia Grai) cũng bàng hoàng khi phát hiện hơn 420 cây chanh dây đang cho quả bị kẻ xấu chặt đứt gốc. Tổng thiệt hại của vườn cây là 450 triệu đồng. Cùng thời điểm, vườn sầu riêng 3 năm tuổi của bà Nguyễn Thị Kim Phúc (cùng làng) cũng bị kẻ gian cạo vỏ, ken gốc mất 20 cây khiến cây chết dần.

27 cây sầu riêng của hộ dân tại xã Ia Phìn (huyện Chư Prông) bị chặt phá sát gốc khiến quả rơi rụng đầy mặt đất. Ảnh: Hà Phương

27 cây sầu riêng của hộ dân tại xã Ia Phìn (huyện Chư Prông) bị chặt phá sát gốc khiến quả rơi rụng đầy mặt đất. Ảnh: Hà Phương

Khoảng giữa tháng 3 năm nay, trên 1.000 cây cà phê 2-5 năm tuổi của nhiều hộ ở làng O Ngó (xã Ia Băng, huyện Đak Đoa) cũng bị kẻ xấu chặt phá hoàn toàn. Đáng nói, tình trạng chặt phá cây cà phê tái diễn nhiều lần, gây thiệt hại không nhỏ cho bà con. Tương tự, đầu tháng 4-2023, anh Võ Thanh Vệ (thôn Phú Yên, xã Hà Ra, huyện Mang Yang) đi thăm vườn thì bất ngờ phát hiện gần 150 cây chanh dây bị khô héo. Đến gần, anh sững sờ nhận ra phần gốc cây đã bị kẻ xấu cắt đứt từ khi nào. Không chỉ vậy, chúng còn phá hỏng hệ thống tưới nước của vườn. Bao công sức chăm sóc, đầu tư phút chốc đổ sông đổ bể.

Tình trạng phá hoại cây trồng đã diễn ra nhiều năm qua, không chỉ địa bàn Gia Lai mà ở nhiều địa phương trong cả nước. Nguyên nhân chủ yếu là do xích mích, mâu thuẫn trong cuộc sống. Điều đáng nói, dù diễn ra nhiều và kéo dài, song việc điều tra, tìm ra đối tượng phá hoại lại gặp khó khăn. Bởi các vườn cây có diện tích rộng, nằm xa khu dân cư, không có bờ rào bảo vệ vững chắc, khó lắp camera quan sát nên kẻ xấu đột nhập mà không bị phát hiện. Chúng cũng thường thực hiện hành vi này vào lúc trời tối hoặc gần sáng, khi chủ vườn trở về nhà ăn uống, nghỉ ngơi.

Nhằm hạn chế tình trạng bị chặt phá, một số nhà vườn đã thuê nhân công túc trực 24/24 giờ tại vườn để canh giữ. Dù vậy, tình trạng phá hoại cây trồng vẫn liên tục diễn ra gây hoang mang, lo lắng cũng như bức xúc trong người dân. Vì thế, hành vi này cần phải bị nghiêm trị để răn đe, ngăn chặn hiệu quả, bảo vệ tài sản và tránh gây thiệt hại cho nông dân.

Theo pháp luật, cây cối, hoa màu cũng là tài sản. Đối với hành vi cố ý hủy hoại tài sản của người khác, tùy vào tính chất của hành vi và mức độ thiệt hại có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính. Theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, sẽ phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác. Đối với hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng, trong đó có trường hợp tài sản bị phá hoại là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác theo quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015. Tùy từng tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi, mức hình phạt áp dụng đối với người phạm tội danh này là phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm.

Trong khi chờ cơ quan chức năng điều tra, xử lý hành vi phá hoại, từng chủ vườn cần nêu cao cảnh giác, thường xuyên túc trực, bảo vệ tài sản của gia đình. Bên cạnh đó, lực lượng Công an, dân phòng cần nắm chắc địa bàn, đối tượng, thường xuyên tuần tra, kiểm soát, nhất là vào ban đêm nhằm kịp thời phát hiện các hành vi phá hoại. Ngoài ra, chính quyền địa phương, các tổ chức, đoàn thể, hội nghề nghiệp cũng cần đẩy mạnh việc tuyên truyền về chấp hành pháp luật đến đoàn viên, hội viên và người dân; đồng thời, quan tâm, có hình thức hỗ trợ phù hợp đối với những chủ vườn cây bị phá hoại nhằm ổn định sản xuất.

Có thể bạn quan tâm

Krông Pa: Tạm giữ 2 đối tượng trộm cắp tài sản

Krông Pa: Tạm giữ 2 đối tượng trộm cắp tài sản

(GLO)- Ngày 30-10, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) cho biết, đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối tượng Rơ Ô Sơn (SN 1994, trú tại xã Phú Cần, huyện Krông Pa) và Kpă Chiu (SN 2007, trú tại xã Ia Rmok, huyện Krông Pa) để điều tra về hành vi trộm cắp tài sản.