Cần lắm những vòng tay

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trời chiều dần tắt nắng. Mấy đứa trẻ con trong tấm áo mỏng manh vô tư đùa nghịch trên đồi cát đầu làng, mặc cho cơn gió đầu đông lành lạnh thổi. Đã lâu rồi, kể từ giây phút phải rời xa vòng tay cha mẹ, tiếng cười giòn tan của chúng cũng dần trở nên hiếm hoi hơn.

Chúng tôi đến với Hòa Bình-một trong 3 ngôi làng đồng bào thiểu số thuộc xã Tú An (thị xã An Khê). Trái ngược hẳn với cái tên của mình, đây lại là ngôi làng có nhiều đứa trẻ bất hạnh đang phải sống bơ vơ không nơi nương tựa vì cha mẹ mất sớm hoặc bỏ đi làm ăn xa đằng đẵng chẳng quay về. Để có miếng cơm ấm bụng qua ngày, các em phải tá túc hết nhà người này đến nhà người khác trong làng. Tình yêu thương của cha mẹ trở cũng trở thành nỗi thèm khát thường nhật ánh lên nơi khóe mắt đầy thơ ngây, non nớt.

Tiếng cười giòn tan hiếm hoi của bọn trẻ khi đùa nghịch trên đồi cát đầu làng. Ảnh: Hồng Thi
Nụ cười hiếm hoi của bọn trẻ khi đùa nghịch trên đồi cát đầu làng. Ảnh: Hồng Thi

Chứng kiến bữa cơm chiều đạm bạc của những đứa trẻ nơi căn chòi bếp tối om và siêu vẹo, chúng tôi không khỏi xót xa, thương cảm. Các em thuộc 2 gia đình khác nhau, song đều chung một tình cảnh là cha mất, mẹ bỏ đi nơi khác làm ăn chẳng thấy về. Trong số đó, 4 đứa nhỏ nhất (3 trai, 1 gái) là con của chị Đinh Thị Blăk. Ngồi cạnh các anh của mình, cô em út chỉ mới lên 2 tuổi, tay bưng chén cơm trắng tự múc ăn khá ngon lành. Vết bẩn vì nghịch đất vẫn còn in đậm trên đôi má phúng phính của bé.

Theo dân làng kể lại, cách đây khoảng 2 năm về trước, xuất phát từ những mâu thuẫn vụn vặt trong gia đình, chồng chị Blăk cạn nghĩ uống thuốc cỏ cháy tự tử. Cuộc sống gia đình nhỏ đã khổ lại thêm khó khi chị Blăk vừa mới sinh xong ít ngày đã phải ra đồng bương chải để nuôi 4 đứa con nhỏ dại. Một năm sau đó, người mẹ trẻ quyết định xa con, rời làng đi nơi khác kiếm kế sinh nhai.

Thế rồi từ đó đến nay, người làng chưa một lần thấy chị quay trở về thăm con cái. Chẳng ai biết chị đi đâu, làm gì, chỉ biết rằng mấy đứa con chị bỗng chốc trở thành trẻ mồ côi, sống bơ vơ trong ngôi nhà nhỏ thiếu vắng vòng tay bảo bọc, chở che của cả cha lẫn mẹ. Ngày ngày, sau giờ đến lớp, nếu hôm nào không thể tự nấu cơm ăn, chúng lại dắt díu nhau đến nhà bà con, hàng xóm lân cận để ăn nhờ, cứ như thế suốt một năm qua.

Những đứa con của chị Đinh Thị Blăk giờ phải tự bảo bọc cho nhau. Ảnh: Hồng Thi
Những đứa con của chị Đinh Thị Blăk giờ phải tự bảo bọc cho nhau. Ảnh: Hồng Thi

Cách nhà chị Blăk không xa là ngôi nhà sàn của em Đinh Thị Hiệp vừa mới được các nhà hảo tâm xây tặng vào tháng 6-2017. Hiệp mồ côi cả cha lẫn mẹ, hiện phải tự mình lo cho bản thân bởi các anh chị đều lập gia đình ở xa. Lúc chúng tôi đến, Hiệp vừa đi học về. Thay xong bộ quần áo học sinh, cô bé vội nhóm bếp để kịp nấu bữa cơm tối. Trò chuyện với người lạ, Hiệp khá rụt rè. Mặc nhiên, không có một nụ cười nào xuất hiện trên môi của cô bé, thậm chí dòng lệ còn chực trào nơi khóe mắt khi ai đó hỏi đến hoàn cảnh của mình.

“Mẹ em mất từ nhỏ còn cha thì mới qua đời. Ở một mình em buồn lắm, lúc nào cũng khóc vì nhớ cha mẹ. Ngoài thời gian đến trường, em còn tranh thủ đi mót mì, hái ớt mướn để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. Em thích đi học và sẽ cố gắng học thật giỏi để sau này làm cô giáo dạy học cho bọn trẻ con trong làng”-Hiệp thủ thỉ.

Sống một mình, Hiệp thường hay khóc vì nhớ cha mẹ. Ảnh: Hồng Thi
Sống một mình, Hiệp thường hay khóc vì nhớ cha mẹ. Ảnh: Hồng Thi

Trao đổi cùng chúng tôi, anh Hoàng Xuân Đạt-Trưởng làng Hòa Bình, cho biết, làng có tất cả 104 hộ với 413 khẩu. Ngoài anh ra, 100% số hộ còn lại đều là người Bahnar. Đời sống của bà con chủ yếu nhờ vào sản xuất nông nghiệp nên còn khá bấp bênh. Hiện nay, làng có tổng cộng 9 em mồ côi cả cha lẫn mẹ (3 hộ) và 12 em mồ cô cha (3 hộ). Trong số đó có 8 em vẫn còn đang theo học từ lớp 1 đến lớp 7. Trừ những em đã trưởng thành, còn lại hoàn cảnh rất đáng thương. Làng vốn khó khăn nên chỉ có thể giúp đỡ bằng cách vận động quyên góp gạo, thức ăn hỗ trợ các em. Trong làng cũng có một số hộ dân tình nguyện cưu mang vài em thông qua những bữa cơm mỗi ngày. Riêng các em đang được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội, số tiền trợ cấp hàng tháng sẽ giao cho người thân hoặc do chính anh giữ để chi tiêu ăn uống hay thuốc thang cho các em khi đau ốm.

“Chính quyền xã, làng phối hợp với trường học thường xuyên động viên các em này trong độ tuổi tiếp tục đến lớp; đồng thời vận động các mạnh thường quân giúp đỡ các em về quần áo, sách vở, dụng cụ học tập, xe đạp và nhu yếu phẩm hàng ngày. Ngoài ra, Hội Chữ thập đỏ của xã cũng trích Hũ gạo tình thương hỗ trợ mỗi hộ ấy 10 kg gạo/tháng. Xã cũng đã tính đến phương án đưa các em nhỏ tuổi lên Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh nhưng chưa khả thi vì bản thân các em và người nhà không đồng ý”-ông Nguyễn Xuân Toàn-Phó Chủ tịch UBND xã Tú An, cho hay thêm.

Rời ngôi làng khi trời đã nhá nhem tối, chúng tôi vẫn không thể nào quên được ánh mắt ngây thơ đáng thương của bọn trẻ. Chợt nghĩ, sự giúp đỡ trên của chính quyền địa phương và người dân làng Hòa Bình dành cho các em âu cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Còn về lâu dài, những đứa trẻ ấy vẫn rất cần sự chung tay bảo bọc của cả cộng đồng để có thể vượt qua những tháng ngày đầy khó khăn phía trước…

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm

Tặng 145 suất quà cho người dân phường Diên Hồng

Tặng 145 suất quà cho người dân phường Diên Hồng

(GLO)- Chiều 14-1, Đảng ủy-HĐND-UBND-Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Diên Hồng (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) tổ chức chương trình “Xuân ấm áp, Tết yêu thương” nhân dịp Xuân Ất Tỵ năm 2025 nhằm trao tặng quà Tết cho hộ cận nghèo và hộ khó khăn trên địa bàn phường.

Phường Tây Sơn trao hơn 190 suất quà Tết cho hộ khó khăn và đối tượng yếu thế

Phường Tây Sơn trao hơn 190 suất quà Tết cho hộ khó khăn và đối tượng yếu thế

(GLO)- Ngày 10-1, Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Tây Sơn (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) phối hợp với các ban ngành, đoàn thể và các nhà hảo tâm tổ chức chương trình “Tết ấm áp-Xuân Ất Tỵ 2025”, trao 190 suất quà Tết cho các hộ khó khăn và đối tượng yếu thế trên địa bàn.

Tặng sữa cho trẻ em nghèo, khuyết tật tại Đak Pơ

Tặng sữa cho trẻ em nghèo, khuyết tật tại Đak Pơ

(GLO)- Ngày 3 và 4-1, Hội Bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Gia Lai, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi huyện Đak Pơ phối hợp với Công ty sữa TH True Milk tổ chức chương trình trao tặng sữa bột dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khó khăn, trẻ em khuyết tật trên địa bàn huyện.

“Tết nhân ái” Xuân Ất Tỵ 2025, các cấp Hội Chữ thập đỏ trong tỉnh phấn đấu hỗ trợ cho 50.000 lượt người nghèo, khó khăn với tổng giá trị đạt 22 tỷ đồng. Ảnh: N.N

Tết nhân ái

(GLO)- Với mục tiêu huy động sự chung tay hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân để giúp người nghèo có thêm điều kiện đón Tết cổ truyền của dân tộc, phong trào “Tết nhân ái” đã được triển khai và nhận sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng.

Mẹ mất, em Thái Thị Mỹ Diệu (ở giữa) trở thành trụ cột gia đình và chăm sóc 2 em. Ảnh: N.N

Xót lòng 3 trẻ mồ côi

(GLO)- Mẹ qua đời, cha bỏ nhà đi , em Thái Thị Mỹ Diệu (SN 2006, hẻm 174 Nguyễn Văn Cừ, tổ 7, phường Diên Hồng, TP. Pleiku) phải bỏ dở việc học để chăm sóc 2 em nhỏ.