Giáo sư-tiến sỹ Trần Văn Nhung, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Giáo sư nhà nước, cho rằng cán bộ cấp chiến lược đầu tiên phải có sức khỏe tốt, có tầm nhìn, có trái tim nhân hậu, bộ óc tốt, kỹ năng sống.
Quang cảnh hội thảo. (Nguồn: moha.gov.vn)
Ngày 28/10, Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo khoa học “Giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW.” Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học.
Theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW, mục tiêu tổng quát là xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng và cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc; bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đủ sức lãnh đạo đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết Nghị quyết số 26-NQ/TW là văn kiện rất quan trọng của Đảng, với nhiều nội dung đổi mới quan trọng, có tính đột phá, khả thi và sát với tình hình thực tế, cần được các cấp, ngành, mọi cán bộ, đảng viên quán triệt, thực hiện nghiêm túc, đảm bảo hiệu quả.
Ngay sau khi Trung ương ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW, Bộ Nội vụ đã chủ động, tích cực tham mưu giúp Chính phủ ban hành các văn bản triển khai thi hành. Tuy nhiên, cũng còn nhiều nội dung của Nghị quyết cần được tiếp tục nghiên cứu để làm rõ hơn, cung cấp luận cứ khoa học tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác tổ chức cán bộ nói chung; về xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược nói riêng.
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận làm rõ khái niệm “cán bộ cấp chiến lược,” các tiêu chí để xác định, đánh giá cán bộ cấp chiến lược và các giải pháp xoay quanh hai trọng tâm và năm đột phá theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW, từ lựa chọn đến đào tạo, quy hoạch, bồi dưỡng, chống các biểu hiện tiêu cực trong công tác cán bộ. Thứ trưởng cho rằng tiêu chuẩn, điều kiện để được quy hoạch cán bộ cấp chiến lược phải thể hiện được tầm của mỗi cấp, mỗi đối tượng.
Công tác tuyển chọn, quy hoạch, luân chuyển cán bộ cấp chiến lược là rất cần thiết. Cần làm rõ phương thức đổi mới tuyển chọn lãnh đạo quản lý như thế nào cho phù hợp, luân chuyển đối với các chức danh là người đứng đầu hay là cấp phó.
“Nhiều đồng chí đi luân chuyển nói với tôi là đi luân chuyển làm nhiệt tình quá, hăng hái quá thì có khi người ta không thích vì bảo mình thể hiện, nhưng nếu mình không làm gì thì bảo đi luân chuyển không phát huy được. Như vậy đổi mới công tác luân chuyển như thế nào để họ có điều kiện rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng, sau đó đảm nhiệm cương vị cao hơn, hoặc quay trở về cơ quan cũ làm việc có hiệu quả hơn; và đi luân chuyển trở về có nhất thiết phải giữ cương vị cao hơn không, đó là vấn đề cần làm rõ,” Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nói.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị các đại biểu kiến giải, thống nhất cách hiểu về những vấn đề được nêu trong Nghị quyết, làm rõ việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được đưa vào quy hoạch các cấp, rèn luyện các tố chất lãnh đạo, kỹ năng lãnh đạo quản lý, việc kiểm tra, giám sát chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ, phát huy vai trò của nhân dân trong xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, trong đó có cấp chiến lược, thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội…
Đưa ra những điểm khái quát, cán bộ cấp chiến lược đầu tiên phải có sức khỏe tốt, có tầm nhìn, có trái tim nhân hậu, bộ óc tốt, kỹ năng sống, tiếng Anh và công nghệ thông tin tốt, giáo sư-tiến sỹ Trần Văn Nhung, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Giáo sư nhà nước, cho rằng cụ thể hóa Nghị quyết 26-NQ/TW phải đặt ra yêu cầu cụ thể và bắt buộc cán bộ cấp chiến lược phải rèn luyện thể dục-thể thao để đủ sức làm việc, cống hiến lâu dài.
Lấy ví dụ trong thời gian dự Hội nghị APEC ở Hà Nội, sáng nào Thủ tướng Australia John Howard cũng đi bộ hai vòng quanh hồ Hoàn Kiếm, giáo sư Trần Văn Nhung khẳng định: “Có sức khỏe dẻo dai ở mức cao, chịu được sức ép từ mọi phía là điều rất quan trọng, phải rèn luyện thể thao để gìn giữ sức khỏe, không thể có một trí tuệ minh mẫn trên một cơ thể ốm yếu.”
Ông cũng cho rằng tầm nhìn là đòi hỏi cao nhất, khó nhất mà mỗi cán bộ chiến lược cần phải có, tức là phải có kiến thức.
Còn theo phó giáo sư-tiến sỹ Vũ Văn Phúc, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, cán bộ cấp chiến lược là những người tham gia xây dựng, hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, tham gia xây dựng chính sách, pháp luật Nhà nước và tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tiễn.
Ông nêu lên một thực tế là trước đây, trong thời gian kháng chiến, nghị quyết của Đảng về cán bộ ít, lý luận ít nhưng tại sao cán bộ thời kháng chiến lại rất tốt. Còn hiện nay, lý luận nhiều, cán bộ học lý luận nhiều, có rất nhiều nghị quyết của Đảng về cán bộ, ba nhiệm kỳ liên tiếp học tập, làm theo Bác, nhưng trên thực tiễn, dù đa số cán bộ là tốt, công tác cán bộ có đổi mới, song còn một bộ phận không nhỏ cán bộ chưa tốt.
Bế mạc Hội nghị Trung ương 11, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nói, trong một nhiệm kỳ mà kỷ luật tới 70 cán bộ cấp cao, có cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng. “Theo tôi, phải suy nghĩ thực sự,” phó giáo sư Vũ Văn Phúc nói.
Phó giáo sư Vũ Văn Phúc cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều khâu trong công tác cán bộ của chúng ta hiện nay “có vấn đề,” “cán bộ luân chuyển về chủ yếu là làm thế nào cho an toàn sau ba năm theo quy định, để được nhận xét tốt và ra đi.”
Ông cho rằng trong cơ chế hiện nay nếu cứ dựa vào phiếu bầu thì không dám làm, làm quyết liệt là không có phiếu, đó là thực tế. Công tác cán bộ phải công khai, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh, công khai quy hoạch từ đầu vào đến đầu ra; phải phát huy dân chủ hơn nữa trong Đảng và trong xã hội, trong Đảng là đảng viên giám sát và trong xã hội là dân giám sát.
Chu Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)