Mãi rút kinh nghiệm là làm hại cán bộ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cứ mãi rút kinh nghiệm là làm hại cán bộ, làm hại lãnh đạo, tự mình làm xấu hình ảnh, uy tín của chính quyền. Bởi dưới mắt người dân, 'việc nhỏ như con thỏ' là không xài nhầm xe công nói mãi, bị chỉ trích mà vẫn không sửa được!
Chắc mọi người phải đặt câu hỏi: xe công có "ma lực" gì mà rất nhiều cán bộ vẫn cứ vi phạm? Chỉ có người trong cuộc mới có thể trả lời vì sao nhưng dù bài học kinh nghiệm đã được rút ra cho cán bộ này thì cán bộ khác lại vướng vào.
Mới đây nhất là vụ nhiều cán bộ tỉnh Kiên Giang dùng xe công đi dự khánh thành nhà nuôi chim yến của "sếp" Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy.
Trước đó không lâu, Tỉnh ủy Sóc Trăng đã "rút kinh nghiệm" đối với những cán bộ dùng xe công đi dự tiệc cưới con nữ trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh này.
Giải trình với cấp trên việc dùng xe công đến dự tiệc cưới, có cán bộ ở Sóc Trăng phân trần anh em có chuyến công tác tiện thể ghé vào chung vui, rồi có cán bộ hưu trí "quá giang" nên nể nang điều xe... nên xin được "rút kinh nghiệm".
Với vụ ở Kiên Giang, ông Hồ Minh Tuấn - chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Kiên Giang, chủ nhân của buổi tiệc khánh thành nhà nuôi yến - cho hay khi mời đã dặn anh em rất kỹ không được dùng xe công, ai đi thì thuê taxi nhưng một số anh em vẫn mượn xe công để đi. Và vị này cam kết sẽ báo cáo Tỉnh ủy cho kiểm tra, tổ chức kiểm điểm để chấn chỉnh việc này.
Chờ xem lãnh đạo Kiên Giang xử lý vụ cán bộ dùng sai xe công ra sao. Hi vọng rằng nó không như những vụ trước đó, ban đầu tuyên bố mạnh mẽ sẽ kiểm tra, xử nghiêm cán bộ nhưng cuối cùng chỉ là "rút kinh nghiệm"!
Sợi dây rút kinh nghiệm cứ thế dài ra, dài mãi. Ít thấy vụ lạm dụng xe công nào được xử nghiêm, xử đểlàm gương.
Có cả "nghìn lẻ một" lý do để cán bộ sử dụng xe công vào việc riêng. Nào là tiện thể trên đường đi công tác, cho cán bộ hưu trí mượn hoặc đổ lỗi cho... lái xe! Tại sao cán bộ không sợ, tránh xa hành vi lạm dụng xe công? Bởi cuối cùng chỉ là "rút kinh nghiệm".
Nhưng việc cán bộ lạm dụng xe công lặp đi lặp lại, chỉ rút kinh nghiệm chẳng khác nào đùa cợt với dư luận. Lạm dụng xe công, chẳng khác nào xài nhầm đồ không phải của mình, chẳng lẽ những cán bộ, kể cả lãnh đạo, lại coi đó là chuyện nhỏ!?
Thực tế, chuyện lạm dụng xe công không hề nhỏ vì ảnh hưởng lớn đến uy tín của cán bộ, lãnh đạo và chính quyền.
Vì thế không thể chấp nhận cứ xử lý xuê xoa, xử lý cho qua chuyện như bấy lâu nay. Theo nghị định 63, từ ngày 1-9-2019 hành vi giao, sử dụng tài sản công không đúng mục đích, công năng của tài sản sẽ bị phạt từ 1-100 triệu đồng, tùy theo mức độ vi phạm. Riêng với hành vi sử dụng ôtô vào mục đích cá nhân sẽ bị phạt 10-20 triệu đồng...
Chỉ có phạt nặng và xử nghiêm cán bộ mới bỏ thói quen xuê xoa khi sử dụng xe công. Khi đó, ngay lãnh đạo cũng phải có thói quen "không được, thôi để anh tự đi đến đám giỗ" thay vì tung tăng xe công đi đám giỗ như bao lâu nay.
Còn cứ mãi rút kinh nghiệm chính là làm hại cán bộ, làm hại lãnh đạo, tự mình làm xấu hình ảnh, uy tín của chính quyền. Bởi dưới mắt người dân, "việc nhỏ như con thỏ" là không xài nhầm xe công nói mãi, bị chỉ trích mà vẫn không sửa được!
H.Trí Dũng (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Cần lắm mảng xanh đô thị

Cần lắm mảng xanh đô thị

Cách đây chưa lâu, một chủ thầu xây dựng ở Singapore bị tòa án nước này phạt 25.000 USD vì đã chặt hạ một cây xanh cao 20 m. Một công dân khác chặt 1 cây xoài và 2 cây chôm chôm trong vườn nhà mình cũng bị phạt tổng cộng 6.000 USD.
Dạy bơi trên… giấy

Dạy bơi trên… giấy

Chống đuối nước hiệu quả không chỉ là mệnh lệnh, nhưng phải bằng hành động, trong đó dạy bơi và trang bị các kỹ năng chống đuối nước cho trẻ là điều rất cần phải làm.