Ít người biết: Hòn Đá Lẻ (Cà Mau) là điểm A2 của đường cơ sở Việt Nam, đồng thời còn là điểm cực Nam trên biển, cách Đất Mũi - điểm cực Nam trên đất liền hơn 30 km theo đường chim bay, về phía đông nam.
Hòn Đá Lẻ (tọa độ 8°22′51,1″ vĩ độ Bắc - 104°52′43,4″ kinh độ Đông), nằm trong cụm đảo Hòn Khoai, thuộc địa bàn của xã Tân An, H.Ngọc Hiển, Cà Mau và do Đồn biên phòng 700 - Hòn Khoai quản lý.
|
Cán bộ chiến sĩ đồn biên phòng Hòn Khoai làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát tại Hòn Đá Lẻ. Ảnh: Mai Thanh Hải |
Nằm ở phía đông nam đảo Hòn Khoai khoảng 7,7 km theo đường chim bay, Hòn Đá Lẻ là quần thể đá đen trơ trọi nổi trên mặt biển, có chiều dài khoảng 125 m, chiều rộng nhất 34 m và cao nhất khoảng 7 m. Phía đầu tây nam nhô lên cao nhất với những phiến đá khô. Phía đông bắc là đá trũng, có 1 hồ nhỏ nằm trong và chìm xuống khi thủy triều lên.
|
Hòn Đá Lẻ nhìn từ xa. Ảnh: Mai Thanh Hải |
Do nằm gần Hòn Khoai là đảo quân sự, không có dân sinh sống nên không có tàu thuyền chạy từ đất liền ra thường lệ. Muốn lên Hòn Đá Lẻ, chỉ có cách thuê tàu chạy ra từ bờ hoặc đi nhờ các đoàn dân chính đảng ra thăm làm việc với đảo, tàu quân sự chở người ra làm nhiệm vụ…
|
Tàu của đồn biên phòng Hòn Khoai thả trôi cạnh Hòn Đá Lẻ, đưa người lên đảo. Ảnh: Mai Thanh Hải |
Được sự cho phép của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) và Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Cà Mau, mới đây, chỉ huy Đồn Biên phòng Hòn Khoai đã tổ chức tàu BP-19.06.01 và gần 10 bộ đội đưa chúng tôi ra Hòn Đá Lẻ.
Thiếu tá Trịnh Công Tự, phó đồn trưởng BP Hòn Khoai cho biết: “BĐBP liên tục thực hiện tuần tra kiểm soát tại khu vực Hòn Đá Lẻ. Ở đây, chỉ có các làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và ngư dân đánh bắt thủy hải sản”.
|
Người dân Cà Mau khai thác thủy hải sản ở khu vực biển cạnh Hòn Đá Lẻ. Ảnh: Mai Thanh Hải |
Sau 2 tiếng đồng hồ di chuyển từ cầu cảng phía Tây (bãi đá trứng), vòng qua Tây Nam của đảo Hòn Khoai, qua Hòn Sao… tàu BP-19.06.01 của đồn BP Hòn Khoai mới đưa chúng tôi tới Hòn Đá Lẻ.
Mặc dù thời tiết tốt, mặt biển lặng nhưng do nước ngầm chảy xung quanh rất mạnh nên tàu thả trôi phía ngoài, bộ đội hạ thuyền thúng, cẩn trọng đưa người lên.
|
Di chuyển lên Hòn Đá Lẻ bằng thuyền thúng. Ảnh: Mai Thanh Hải |
Từ giữa đảo lên đầu phía tây nam phải bám vào gờ đá gần chục mét nhô lên như sống lưng khủng long. Bù lại, đầu này có điểm cao bằng phẳng, thuận tiện cho việc tập trung đông người. Phía dưới điểm cao là phiến đá rộng 7 - 8 m2, ngư dân thường lên nghỉ ngơi tránh nắng gió.
|
Cắm cờ Tổ quốc lên điểm cao nhất của Hòn Đá Lẻ. Ảnh: Ngô Trần Hải An |
Ông Nguyễn Văn Phú, ngư dân TT.Rạch Gốc (H.Ngọc Hiển, Cà Mau) kể: “Chục năm trước, Hòn Đá Lẻ chỉ cao 4 - 5 m nhưng giờ đội lên khoảng 7 m. Dây buộc thuyền ở trụ đá phía Nam phình to, căng hết cả vòng dây”.
|
Bề mặt đá trên đảo. Ảnh: Mai Thanh Hải |
Thiếu tá Trịnh Công Tự cho biết: Hòn Đá Lẻ là nơi trú ngụ của nhiều loài chim biển. Xung quanh khu vực là thềm đá san hô thoai thoải, tập trung nhiều thủy hải sản nên có hàng chục hộ gia đình ở Rạch Gốc (H.Ngọc Hiển) ra đóng đáy bắt tôm cá và các tàu ghé vào gần tránh gió.
|
Hồ nước trên mặt đá Hòn Đá Lẻ. Ảnh: Mai Thanh Hải |
Từ Hòn Đá Lẻ, chúng tôi quan sát được rất nhiều tàu vận tải trọng tải lớn của nước ngoài đang di chuyển ở lãnh hải Việt Nam và vùng tiếp giáp. Nhìn vào phía đất liền, cũng thấy rõ Hòn Khoai và các hòn lân cận.
|
Hải đăng Hòn Khoai và trạm ra đa, tàu trực của Vùng 5 Hải quân, nhìn từ Hòn Đá Lẻ. Ảnh: Mai Thanh Hải |
Điều đáng tiếc nhất là trên Hòn Đá Lẻ vẫn chưa được xây dựng mốc cơ sở và mốc định hướng (thuộc Dự án Xây dựng các điểm cơ sở theo đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải trên vùng biển Việt Nam, của Bộ Tài nguyên và môi trường), như ở 10 điểm cơ sở còn lại. Chính vì chưa dựng mốc cơ sở, nên trên Hòn Đá Lẻ cũng không có vật thể đánh dấu xác định điểm cực Nam trên biển của đất nước Việt Nam. (còn tiếp)
|
Rất nhiều loại đá có các màu sắc khác nhau trên Hòn Đá Lẻ. Ảnh: Mai Thanh Hải |
|
Cua cá trong các hốc đá. Ảnh: Mai Thanh Hải |
|
Do nguồn lợi thủy hải sản ở Hòn Đá Lẻ phong phú nên rất nhiều ngư dân đã tìm đến khai thác |
Theo Mai Thanh Hải (TNO)