Các ban quản lý đang giữ rừng hay phá rừng?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Thời gian qua tại tỉnh Gia Lai liên tiếp công bố sai phạm của các Ban quản lý rừng.
Được giao quản lý bảo vệ rừng nhưng các ban này chủ yếu để mất rừng, thậm chí còn có tình trạng cán bộ nhân viên ban quản lý  xâm chiếm đất rừng.
Sai phạm của các ban quản lý rừng đang cho thấy có quá nhiều bất thường, bất ổn mang tính hệ thống, cần phải được làm rõ để có những thay đổi cần thiết, kịp thời, tránh giao rừng cho những đơn vị chỉ có khả năng làm mất rừng.
Một trong những diện tích đất rừng bị lấn chiếm tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ.
Một trong những diện tích đất rừng bị lấn chiếm tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ.
Thuộc lâm phần Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ, khu vực đồi thông thuộc địa bàn xã Ia Dêr, huyện Ia Grai đang chết hàng loạt. Nguyên nhân thông chết được xác định là có tác động từ bên ngoài bằng việc vạt vỏ, khoan gốc để bơm thuốc diệt cỏ. Việc giết thông không nằm ngoài mục đích lấn chiếm đất.
Ông Đặng Lương Minh Điệp, Phó Chủ tịch UBND Xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, cho biết, chính quyền địa phương và chủ rừng đều nắm được tình hình nhưng không thể ngăn chặn: “Chúng tôi cũng đã phối hợp với Ban quản lý rừng và thôn đi kiểm tra, xác minh thì không những ken cây mà có những lỗ khoan vào gốc thông. Từ đó, tình trạng thông càng chết nhiều hơn.”
Đất rừng bị xâm chiếm tràn lan đặt ra câu hỏi lớn về trách nhiệm của các Ban quản lý rừng. Tuy nhiên, câu hỏi ấy khó mà trả lời khi chính cán bộ, lãnh đạo của Ban quản lý rừng cũng lấn chiếm đất rừng.
Hàng trăm ha rừng thuộc Tiểu khu 229 Ban QLR phòng hộ Bắc Biển Hồ đã bị lấn chiếm.
Hàng trăm ha rừng thuộc Tiểu khu 229 Ban QLR phòng hộ Bắc Biển Hồ đã bị lấn chiếm.
Tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ, Thanh tra tỉnh Gia Lai xác định có tổng cộng gần 85.000m2 đất rừng của Ban đã bị lấn chiếm, hợp thức hóa thành đất của cán bộ, nhân viên hoặc cựu cán bộ, nhân viên của ban quản lý rừng này. Những diện tích đất ấy giờ đều là “đất vàng” khi nằm gần khu công nghiệp và khu dân cư thành phố mở rộng.
Ban quản lý rừng Bắc Biển Hồ được giao quản lý bảo vệ khoảng 8.000 ha, nhưng 7 năm qua đã để mất gần 2.500 ha rừng. Hai cựu Trưởng ban này là Nguyễn Đức và Tưởng Tín đều bị khởi tố, bắt giam chính vì hành vi lấn chiếm đất rừng cùng một số sai phạm khác.
Ông Nguyễn Tất Thành, người vừa về đảm nhận vị trí Phó trưởng ban  phụ trách Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ, thừa nhận rằng, hậu quả của những hành vi lấn chiếm đất rừng tại Ban là rất nặng nề.
“Có kết luận của Thanh tra, đơn vị cũng xảy ra nhiều vấn đề về công tác quản lý bảo vệ rừng cũng như quản lý tài chính. Hiện nay Cơ quan Công an đang điều tra, xử lý. Còn đối với tôi, mới về Ban thì cũng đang có những giải pháp để làm sao giữ được rừng, trồng thêm rừng và đảm bảo công tác quản lý bảo vệ rừng được tốt nhất”, ông Thành nói.
Cùng với Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ, Thanh tra tỉnh Gia Lai cũng đã vào cuộc thanh tra 5 Ban quản lý rừng phòng hộ khác gồm: Ya Hội, Bắc An Khê, Ia Grai, Ayun Pa, Đăk Đoa
Trong khi tiền để bảo vệ rừng có dấu hiệu bị tham nhũng, trục lợi, rừng phòng hộ Đăk Đoa bị phá tan hoang
Trong khi tiền để bảo vệ rừng có dấu hiệu bị tham nhũng, trục lợi, rừng phòng hộ Đăk Đoa bị phá tan hoang
Tại tất cả các đơn vị này đều phát hiện có sai phạm, với 5.100ha rừng bị mất. Hàng chục tỷ đồng ngân sách chi cho công tác quản lý, bảo vệ rừng đã bị các các Ban làm chứng từ khống, có dấu hiệu tham nhũng, trục lợi.
Mới đây nhất là trường hợp sai phạm của Ban quản lý rừng phòng hộ Đăk Đoa với số tiền có dấu hiệu tham nhũng lên đến gần 5,4 tỷ đồng. Hay tại Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Grai cũng có dấu hiệu tham nhũng số tiền khoảng 16,5 tỷ đồng từ trồng rừng và giao khoán quản lý, bảo vệ rừng.
Rừng thuộc Tiểu khu 365 lâm phần Ban QLR phòng hộ Ia Grai cũng bị phá tan hoang, trong khi tại Ban này, phát hiện sai phạm, có dấu hiệu tham nhũng khoảng 16,5 tỷ đồng
Rừng thuộc Tiểu khu 365 lâm phần Ban QLR phòng hộ Ia Grai cũng bị phá tan hoang, trong khi tại Ban này, phát hiện sai phạm, có dấu hiệu tham nhũng khoảng 16,5 tỷ đồng
Theo bà Trần Thùy Thanh, Phó Chánh thanh tra tỉnh Gia Lai, hầu hết hồ sơ sai phạm của các đơn vị đều đã được chuyển sang cơ quan điều tra Công an tỉnh. Tuy nhiên tiến độ điều tra để xử lý sai phạm một số vụ việc là khá chậm.
“Trong đó, một vụ Bắc Biển Hồ đã khởi tố, một vụ mới chuyển. Còn 2 vụ Ban quản lý rừng An Khê và Ya Hội thì chưa có một kết quả. Bên Công an khi họp thì có ý kiến là đang gặp nhiều khó khăn, chưa khởi tố được. Nhưng mấy năm rồi vẫn chưa có kết quả. Nếu không khởi tố được thì chuyển lại để xử lý hành chính hay như thế nào thì cũng không thấy chuyển”, bà Thanh nói.
Tỉnh Gia Lai hiện có 22 ban quản lý rừng đang là chủ của gần 330.000 nghìn ha rừng và đất lâm nghiệp. Ông Trương Phước Anh, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh thừa nhận, những bất ổn, yếu kém trong việc kiểm soát các ban quản lý rừng đã diễn ra quá lâu, dẫn đến hễ thanh tra là ra sai phạm.
“Sở thấy rằng tình hình quản lý bảo vệ rừng có vấn đề bất ổn. Sai phạm của các ban là kéo dài từ nhiều năm về trước. Thứ hai, trong đó có phần tự kiểm soát, tự thanh tra của ngành nông nghiệp cũng có những hạn chế nhất định, không sâu sát vào lĩnh vực quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Dẫn đến quá trình kiểm soát của ngành đối với các ban này có những hạn chế nhất định”, ông Anh nói.
Được chuyển đổi từ các Lâm trường quốc doanh, các Ban quản lý rừng tại Gia Lai được kỳ vọng sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng theo chủ trương của Chính phủ.
Thế nhưng, các ban quản lý này đang cho thấy có quá nhiều bất ổn. Không những để người dân lấn chiếm, cán bộ, lãnh đạo ban quản lý cũng tham gia xâu xé đất rừng. Không ít cán bộ, lãnh đạo các ban quản lý giàu lên bất thường, còn rừng thì ngày một nghèo đi.
Công Bắc (VOV.VN)

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.