Cà phê ghép chồi: Kháng bệnh tốt, năng suất cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm gần đây, nhiều nông dân ở xã Gào (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) cải tạo vườn cà phê già cỗi bằng phương pháp ghép chồi. Cách làm này đã phát huy hiệu quả rõ rệt khi cây cà phê kháng bệnh tốt, cho năng suất cao.

Sau nhiều năm khai thác, vườn cà phê của ông Lê Hồng Nam (thôn 6) đã già cỗi, năng suất đạt rất thấp. Năm 2015, được Hội Nông dân xã hướng dẫn, ông dùng phương pháp ghép chồi để cải tạo vườn cà phê. Thời điểm đó, ông Nam và một số người trong thôn đã ghép thử nghiệm chồi giống Thiện Trường trên diện tích nhỏ, tỷ lệ chồi sống đạt 80-90%. Qua quá trình thử nghiệm, nhận thấy chồi cà phê Thiện Trường sau khi ghép sinh trưởng tốt, rất phù hợp với thổ nhưỡng, kháng được một số bệnh phổ biến và cho năng suất cao gấp 3-4 lần so với cây cà phê cũ, ông Nam quyết định triển khai trên toàn bộ diện tích 10 ha của gia đình.

“Giống cà phê ghép Thiện Trường có xuất xứ từ Lâm Đồng và được lai tạo gần 20 năm nay. Ưu điểm của giống cà phê này là thích nghi với đất bạc màu, nhiều sỏi đá; đất bauxite nghèo dinh dưỡng. Sau 6 năm triển khai phương pháp này, kết quả hơn cả mong đợi. Vườn cà phê ghép chồi phát triển khá tốt, thân mập mạp, cành dài, lá xanh tốt, quả nhiều và to. Năng suất cà phê hàng năm đạt 35-40 tấn tươi/ha, mang lại nguồn thu nhập ổn định gần 1 tỷ đồng/năm”-ông Nam phấn khởi cho hay.
 

 Gia đình ông Lê Hồng Nam (xã Gào, TP. Pleiku) là một trong những hộ tiên phong cải tạo vườn cà phê bằng phương pháp ghép chồi. Ảnh: Trần Dung
Gia đình ông Lê Hồng Nam (xã Gào, TP. Pleiku) là một trong những hộ tiên phong cải tạo vườn cà phê bằng phương pháp ghép chồi. Ảnh: Trần Dung


Thôn 6 là nơi tiên phong thực hiện phương pháp ghép chồi trên thân cây cà phê ở xã Gào. Ban đầu, mô hình có hơn 10 hộ tham gia. Sau khi nhận thấy hiệu quả khả quan, hiện nay, 100% người dân trong thôn tham gia mô hình này. Không dừng lại ở đó, Hội Nông dân xã Gào đã triển khai nhân rộng mô hình này tại 6 thôn, làng của xã.

Sau khi tham quan, học tập và tham gia các lớp tập huấn, anh Mai Văn Vinh (thôn 2) quyết định ghép chồi để cải tạo vườn cà phê gần 1.500 cây của gia đình. Chỉ sau 2 năm thực hiện, vườn cà phê ghép chồi phát triển tốt, cho năng suất hơn 40 tấn tươi/ha.

Anh Vinh cho hay: “Tôi tham gia mô hình khi đã nhận thấy hiệu quả từ các hộ triển khai trước nên rất tự tin. Mức đầu tư cho giống cà phê ghép chồi cũng không quá cao; mỗi vụ cần bón phân hữu cơ và phân hóa học 2 đợt vào mùa khô, 3 đợt vào mùa mưa… Tuy nhiên, giống cây này cần bổ sung lượng nước đầy đủ và nhiều hơn giống cà phê cũ. Với hiệu quả khả quan, tôi dự tính sẽ tiếp tục mở rộng diện tích cà phê ghép chồi”.

Vườn cà phê ghép chồi của anh Mai Văn Vinh (thôn 5, xã Gào) cho thu nhập cao. Ảnh: Trần Dung
Vườn cà phê ghép chồi của anh Mai Văn Vinh (thôn 5, xã Gào) cho thu nhập cao. Ảnh: Trần Dung


Nhận xét về hiệu quả của mô hình, ông Nguyễn Văn Ánh-Chủ tịch Hội Nông dân xã Gào-thông tin: Chúng tôi bắt đầu triển khai và nhân rộng mô hình ghép chồi trên thân cây cà phê có sẵn với giống cây ghép Thiện Trường đã được 6 năm. Sau khi học tập kinh nghiệm một số nhà vườn tại Lâm Đồng, một số hội viên, nông dân đã mạnh dạn áp dụng vào vườn cà phê già cỗi của gia đình.

Qua theo dõi, đến năm thứ 3, khi bước vào kinh doanh thì sản lượng cà phê đạt 35-40 tấn tươi/ha. Bên cạnh năng suất vượt trội, giống cà phê ghép Thiện Trường còn có những ưu điểm như kháng được bệnh gỉ sắt và nấm hồng. Lượng phân bón cũng tiết giảm được khoảng 30% so với các giống cà phê khác nhưng năng suất vẫn ổn định.

“Năm 2018, chúng tôi bắt đầu nhân rộng mô hình ra 4 làng và 2 thôn trên địa bàn xã. Ban đầu, Hội Nông dân tổ chức cho các hộ tham quan những vườn cây phát triển tốt để học tập kinh nghiệm, sau đó mở lớp tập huấn cho bà con. Ngoài ra, những hội viên đã tham gia mô hình đạt hiệu quả sẽ trực tiếp xuống vườn để tận tình hướng dẫn kỹ thuật ban đầu cho một số hộ gia đình”-Chủ tịch Hội Nông dân xã Gào cho biết.

Hiện nay, trên địa bàn xã Gào có gần 400 ha cà phê áp dụng phương pháp ghép chồi. Với hiệu quả mà mô hình này mang lại, gần đây, nhiều nông dân trong tỉnh đã tìm đến một số vườn cà phê ở xã Gào để tham quan, học tập kinh nghiệm.

 

 TRẦN DUNG

Có thể bạn quan tâm

Trồng cây mắc ca: Đa lợi ích

Trồng cây mắc ca: Đa lợi ích

(GLO)- Tính đến ngày 14-8, toàn tỉnh Gia Lai mới trồng được trên 2.550 ha rừng (gần 2.050 ha rừng tập trung và hơn 500 ha cây phân tán), đạt 24,7% kế hoạch. Con số thống kê đó nói lên sự chậm trễ trong công tác chỉ đạo trồng rừng của các cấp chính quyền.
Nay Yer: Người uy tín làm kinh tế giỏi

Nay Yer: Người uy tín làm kinh tế giỏi

(GLO)- Những năm qua, ông Nay Yer (buôn Mi Hoan, xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) luôn được bà con yêu mến, tin tưởng. Bởi lẽ, ông là điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế và thường xuyên vận động, hướng dẫn bà con học tập làm theo.
Phú Thiện trao “cần câu” cho hộ nghèo

Phú Thiện trao “cần câu” cho hộ nghèo

(GLO)- Triển khai thực hiện Tiểu dự án 1-Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, trong năm 2023, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã hỗ trợ 53 con bò sinh sản cho các hộ nghèo, cận nghèo.

Cây cà phê bén đất Ayun

Cây cà phê bén đất Ayun

(GLO)- Đón đầu nguồn nước từ công trình thủy lợi Plei Keo, gần 4 năm trước, người dân xã Ayun (huyện Chư Sê) đã đưa những cây cà phê đầu tiên về trồng trên vùng đất pha cát cằn cỗi. Đến nay, diện tích cà phê ở Ayun không ngừng tăng, góp phần đưa cuộc sống người dân nơi đây ngày một khởi sắc.

Sức sống mới ở Kon Chiêng

Sức sống mới ở Kon Chiêng

(GLO)- Từ các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, xã Kon Chiêng (huyện Mang Yang) không chỉ hoàn thiện cơ sở hạ tầng mà tập trung phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Nhờ vậy, bộ mặt nông thôn của xã đang ngày càng khởi sắc
Nâng tầm sản phẩm rau quả Phú Thiện

Nâng tầm sản phẩm rau quả Phú Thiện

(GLO)- Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và tuân thủ nghiêm quy trình canh tác, Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn thị trấn Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã nâng tầm sản phẩm rau quả, giúp bà con nông dân thay đổi nhận thức trong canh tác nông nghiệp theo hướng bền vững.