Bùi Thị Xuân Mai, con sóng nhỏ mê say*

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Lớp sinh viên Khoa Ngữ Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, khóa 11 (1966-1970), tựu trường từ muôn nẻo đường chiến sự của đất nước, bằng rất nhiều phương tiện giao thông, phần lớn là đi bộ, nên ai cũng lấm bụi đất chiến tranh, lôi thôi sỹ tử…. Họ gồm trên bảy mươi chàng trai, cô gái mới mười tám đôi mươi, vừa tốt nghiệp phổ thông

Lớp sinh viên Khoa Ngữ Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, khóa 11 (1966-1970), tựu trường từ muôn nẻo đường chiến sự của đất nước, bằng rất nhiều phương tiện giao thông, phần lớn là đi bộ, nên ai cũng lấm bụi đất chiến tranh, lôi thôi sỹ tử…. Họ gồm trên bảy mươi chàng trai, cô gái mới mười tám đôi mươi, vừa tốt nghiệp phổ thông, gặp nhau dưới chân núi Tràng Dương, huyện Đại Từ, tỉnh Bắc Thái, nơi trường Đại học tổng hợp Hà Nội sơ tán. Núi rừng trùng điệp, bạn mới lạ lẫm, gian nan nhiều bề, đói rét thường nhật, nhớ nhà triền miên…Nhưng bỏ qua cái vẻ bề ngoài “lôi thôi sỹ tử” kia đi, trong trái tim, trong đôi mắt của những chàng trai, cô gái sinh viên ấy đang cháy lên biết bao niềm say mê học tập, niềm tin yêu cuộc sống…Cô sinh viên hiền hậu với hai bím tóc tết đuôi sam bỏ ngang vai Bùi Thị Xuân Mai cũng hòa trong những gương mặt đáng yêu ấy.

Vốn là học sinh miền Nam, lớn lên và học tập trên đất Bắc, Bùi Thị Xuân Mai ít nói, hiền lành, khiêm nhường và giản dị. Nhưng chỉ những ai để ý mới thấy bên trong Mai không hề “yên lặng” mà là ẩn chứa một nội tâm phong phú, thơ mộng, một tình cảm sâu nặng, nhất là tình cảm với quê hương, xứ sở, với những nơi chị đã từng trải qua trong suốt thời thơ ấu, nơi đã từng cưu mang chị thời cắp sách đến trường… Đây là cái gốc, cái nguồn mạch của tâm hồn chị. Và từ đó, vượt qua những bận bịu cơm áo thường nhật, chị đến với thơ như một lẽ tự nhiên, như một lối đi riêng, như một lời tâm sự.

Nhà thơ Bùi Thị Xuân Mai. Ảnh: NVCC

Nhà thơ Bùi Thị Xuân Mai. Ảnh: NVCC

Đúng như con người chị, thơ Bùi Thị Xuân Mai không “to lời lớn tiếng”, ngược lại, là một tiếng nói thầm kín, dịu dàng. Chị nhận mình là nhỏ nhoi như suối/ Róc rách lời ban mai là “con sóng nhỏ mê say”. Vì thế thơ chị thầm thĩ mà đằm thắm:

Ai ơi ngược lối về nơi ấy

Chuyển giúp giùm tôi nhánh mai vàng

Hương hoa sẽ níu cơn gió lại

Cho biển yên lòng lúc xuân sang

                                    (Nhánh mai vàng)

Hình như chị là “nhánh mai vàng” của một vùng biển động đang muốn nhắn gửi đến “nơi ấy”, cái nơi chắc chắn chị rất nặng lòng? Bùi Thị Xuân Mai thường là vậy, thủy chung và tình nghĩa, nhớ nhung và khắc khoải, vậy nên thơ chị thường “hướng nội”. Đây là nỗi lòng của người đi xa về lại ngôi nhà cũ của mình: Có tiếng động mà vẫn bị át đi bởi “cỏ dại, rêu phong”, có tiếng dế kêu, có tiếng chó sủa, mà sao vẫn thấy cô quạnh trên mỗi bước chân, nơi bóng cha, bóng mẹ chỉ còn trong tâm tưởng:

Đông Tây hai phía tường hiu quạnh

Cỏ dại rêu phong bóng ngả chiều

Tiếng ai ru trẻ còn vang vọng

Chó sủa ngoài hiên, tiếng dế kêu

                                    (Về thăm nhà cũ)

Một lần chị trở về nơi ngày xưa chị theo học, mái trường thân yêu trên đất Hải Phòng với biết bao tình nghĩa, nơi những “học sinh miền Nam” xa nhà đang lớn lên từng ngày, đang ấp ủ niềm tin học tốt để trở về phục vụ quê hương. Với niềm xúc động tận tâm can, chị gửi vào thơ cả tâm tình của mình bằng những ngôn từ thủy chung, ơn nghĩa:

Cánh chim bay khắp mười phương

Sáng nay gặp lại mái trường ngày xưa

Cái màu vôi vữa nguyên sơ

Đằm trang sách vở đến giờ chưa phai

 

Trường đời dẫu lắm chông gai

Chảy qua dâu bể sông dài vẫn trong

                                    (Gặp lại ngày xưa)

 

Đây không còn là thứ tình cảm bồng bột của tuổi trẻ. Nhà thơ đã đi qua biết bao năm tháng, chứng kiến biết bao đổi thay, biết bao “chông gai”, “dâu bể”…, vậy mà trong tâm hồn chị vẫn “trong trẻo”, vẫn nguyên vẹn “cái màu vôi vữa” của mái trường xưa. Chỉ có thể gọi tên đó là sự chung thủy, một sự chung thủy sâu sắc của một trái tim từng trải, từng va đập, nhưng biết phân định những gì là son sắt là đinh ninh sau những năm tháng không đơn giản của đời người!

Nhớ hôm nào cả lớp K11 trở lại cánh rừng Tràng Dương, nơi chị trải qua những năm tháng trên giảng đường Đại học, Bùi Thị Xuân Mai như trẻ lại với suối trong, cuội trắng…, nơi lưu giữ những ký ức không phai mờ một thời “chớm lớn”, nơi trải qua biết bao vui buồn của thuở sinh viên, nơi mà mỗi khi nhớ về hình như trong mỗi trái tim lại bập bùng ánh lửa gian nan giữa rừng của bếp ăn thời chiến tranh. Nhưng vượt lên những nỗi nhớ kia, vẫn là một Tràng Dương tinh khôi núi rừng:

Suối vẫn trong đợi mắt người xa vắng

Bước chân trần chạm viên cuội rưng rưng

Tràng Dương ơi! Người xanh tươi thánh thiện

Tình yêu tôi mãi mãi xuân rằm

                                    ( Đồng vọng)

Một tấm lòng hồn hậu, một ký ức trong trẻo, một tâm trạng xúc động, chị nói hộ tình cảm của các bạn khi trở lại mái trường xưa những ngày sơ tán chiến tranh. Bùi Thị Xuân Mai vốn kín đáo, ít khi bộc bạch nội tâm (Em nhỏ nhoi con suối/ Róc rách lời ban mai -Tình yêu ngọt ngào; Em là con sóng nhỏ mê say- Trăng Thiện Chánh) nhưng kín đáo mà không hề khép kín. Những gì chị trải lòng trong thơ cho ta thấy một tâm hồn đằm thắm, rộng mở, đón nhận, bao dung, say mê:

Xa xôi thế sao bỗng nên gần gũi

Ta giang tay ôm Cốc Lếu vào lòng

                                    (Lào Cai ơi)

Nhiều khi là cái “vấn vương”, “chạnh lòng” rất thi sỹ của một người giàu cảm xúc trước thiên nhiên, trước lịch sử. Thi nhân là vậy, họ không dửng dưng trước cuộc đời. Ngược ại, họ âm thầm ghi nhận và đưa vào những câu thơ như những “ghi chú của tâm hồn”:

Thạch Động, Chùa Mây lòng vấn vương

Qua hòn Phụ Tử chạnh niềm thương

                                    (Về Hà Tiên)

Một lần đến Hàn San tự, với cảm thức nhân thế “mang mang thiên cổ sầu”, Bùi Thị Xuân Mai lắng nghe trong tâm khảm mình một trăm linh tám tiếng chuông chùa như muốn hòa chung tâm trạng của hôm nào của Trương Kế:

Chuông ơi sao tan được

Trăm lẻ tám nỗi sầu

                                    (Vãn Hàn San tự)

Bùi Thị Xuân Mai không chỉ hồn hậu, dịu dàng, chị là nhà thơ khiêm nhường, biết hy sinh, biết dâng hiến. “Phần nổi” bé nhỏ như bao số phận khác là để “bươn chải với đời”. “Phần chìm” chất chứa khát vọng tình yêu là phần chị âm thầm dâng hiến, đem cho. Và như thế chị là người hạnh phúc: Em như băng đảo/ Một phần năm nổi trên mặt nước/ Bươn chải với đời/ Bốn phần năm khát vọng chìm trong biển/ Đó là tình yêu rất thật/ Dành cho anh (Băng đảo)

Nhưng dù phần chìm rộng lớn đến đâu, với Bùi Thị Xuân Mai vẫn là bé nhỏ so với cuộc đời bao la. Chị khiêm nhường một cách dung dị. Khác với nhiều cây bút khác đề quá cao “cái tôi” của mình, Bùi Thị Xuân Mai tự nhận mình: Em chỉ là chiếc lá/ Nhỏ nhoi đậu trên cành/ Một cánh hoa mỏng manh/ Giữa đời bao hương sắc…Em chỉ là một khắc/ Trong vô tận thời gian/ Và chỉ là một hạt/ Trong mênh mông cát vàng (Cầu nguyện)

Nhưng “một khắc trong vô tận thời gian” kia, “một hạt trong mênh mông cát vàng” kia đang mang trong mình “biển khát”. Đó chính là “ký hiệu” cho ta biết tâm hồn của chị: Lòng em là biển khát/ Dòng máu nóng mặn mòi/ Như muôn trùng sóng biếc/ Nhớ về anh không nguôi (Biển khát)

Thơ Bùi Thị Xuân Mai không chỉ có hồn hậu, dịu dàng, khiêm nhường…Như bao thi nhân khác chị sống và rút ra những bài học từ cuộc sống. Những lúc như vậy thơ chị cũng rất đa sự, nghĩ ngợi, chân thành, sâu lắng dễ tạo ra sự đồng cảm.

Thơ chị thảng hoặc trầm ngâm triết lý, chất chứa nỗi niềm: Chiều nay biển ốm rồi/ Sóng đục ngầu vật vã/ Tóc bạc tung trắng xóa/ Trăn trở bao nỗi niềm (Biển ốm)

Thơ chị có lúc là một sự từng trải, chiêm nghiệm: Có qua ướt lạnh một lần/ Mới hiểu đời thêm tường tận (Không đề II)

Thơ chị cũng đã từng thấm thía cô đơn: Hồi chuông nào góa bụa/ Trời xanh sắc bồ đề/ Có thương người đơn chiếc/ Hoàng hôn tím hồn quê (Hoàng hôn)

Thơ chị cũng đôi lúc thảng thốt, hoang vu, lạnh lùng: Trông ánh sao băng trời tái mặt/Anh đi phố xá lạnh như chùa/ Tưởng tay chẳng còn gì để mất/ Rêu mọc hồn em đã vạn mùa (Hoang vu)

Những lúc như vậy có thể hình dung chị đang ngẫm ngợi, đang trăn trở, đang trắc ẩn “buồn thương gì không nguôi” trên bến thời gian, khi chị nhận ra “Ga lòng tôi đang mưa” (Còi tàu). Nhưng mưa rồi tạnh, chị là cây viết hướng thiện, lấy lòng tốt của mình cảm hóa để mọi sự diễn ra tốt lành, lấy ngôn từ của mình để làm lành vết thương đau: Có vầng trăng/ Lưu lạc bến Bạch Đằng/ Sóng nước cuốn/ Vỡ ra trăm mảnh/ Em vớt lên/ Ủ giữa bàn tay ấm/ Trăng lại lành/ Vầng sáng lung linh (Vầng trăng lưu lạc). Như có lần chị thừa nhận đây thôi: Nếu em không là mùa xuân/ Cho lòng anh hoa nở…Nếu em chẳng phải là mùa hạ/ Ru anh ngon giấc trưa nồng…Nếu em không là mùa thu/ Làm chiếc gương trong anh soi mình…Nếu em không là mùa đông/ Cho cây luyện nhựa ủ mầm qua mùa gió bấc…Thì em còn là em chi nữa! (Em mãi là em)

Có thể nhận ra sự bao dung và bản lĩnh trong tính cách, tâm hồn chị!

Nên một mùa hoa mưa là tập thơ chọn của Bùi Thị Xuân Mai sau mấy chục năm sáng tạo mê say. Là “thơ chọn” nên khá nhiều chủ đề được đề cập đến trong thơ. Từ chủ đề chiến tranh sang thế sự. Cũng như khá nhiều vùng đất được nhắc đến trong thơ, những nơi chị đến và ghi lại những xúc cảm của mình. Chủ đề nào, vùng đất nào với chị cũng là những nơi chị ghi nhớ và biểu hiện những cảm xúc chân thành của một ngòi bút cần mẫn và mê say. Với chị, thơ là người bạn đồng hành tin cậy, dù chúng ta biết “phần nổi” đã rất nhỏ bé, khiêm nhường kia, lại luôn phải nhường chỗ cho những “bươn chải” của trăm thứ cơm áo cuộc đời. Vậy mà chị vẫn luôn dành cho thơ một góc xứng đáng, vậy mà chị vẫn cần mẫn như “con sóng nhỏ mê say” với thơ, vậy mà chị đã có những đóng góp rất đáng khích lệ cho một thể loại rất đòi hỏi năng lực đặc biệt của người viết.

                                                                                                               Hà Nội, tháng 6 năm 2025

            LÊ THÀNH NGHỊ

------------

* Tập thơ Nên một mùa mưa hoa của Bùi Thị Xuân Mai, NXB Hội Nhà văn, H, 2024

Có thể bạn quan tâm

default

Địa phận Phủ Hoài Nhơn được xác lập năm Hồng Đức thứ 2 (1471), là miền “viễn châu” khá rộng; sau hơn 550 năm, vùng đất rộng lớn lúc ban đầu được phân chia thành nhiều tỉnh thuộc Nam Trung bộ và Bắc Tây Nguyên. 
Pleiku, miền nhớ...

Pleiku, miền nhớ...

(GLO)- Nếu tính từ dấu mốc ký Nghị định Toàn quyền Đông Dương thành lập đại lý hành chính Pleiku thuộc tỉnh Kon Tum ngày 24-5-1925, Pleiku với ý nghĩa một địa danh cả về cách đọc và cách viết đã ra đời và tồn tại đến ngày nay đã được 100 năm.

Ðại ngàn nối liền những niềm vui

Ðại ngàn nối liền những niềm vui

Trong ngôi nhà sàn dưới chân núi ở làng K8, xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh), Nghệ nhân nhân dân Ðinh Chương nở nụ cười sảng khoái, hồ hởi nói: “Bà con trong làng đang trông chờ ngày 1.7.2025, để không chỉ núi liền núi, sông liền sông mà đồng bào Bana ở hai tỉnh trước đây sẽ về chung mái nhà tỉnh Gia Lai mới”.
Tổng Bí thư Tô Lâm dự khai mạc Triển lãm “Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Cuộc đời và sự nghiệp”

Tổng Bí thư Tô Lâm dự khai mạc Triển lãm “Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Cuộc đời và sự nghiệp”

Nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1.7.1915 – 1.7.2025), sáng 29.6, tại Hà Nội, Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức Triển lãm “Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Cuộc đời và sự nghiệp” nhằm tri ân những cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Văn Linh đối với Đảng, đất nước và nhân dân. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và cắt băng khai mạc Triển lãm.
Nhen tình yêu dân ca, bài chòi

Nhen tình yêu dân ca, bài chòi

Với ngọn lửa đam mê nghệ thuật truyền thống, vợ chồng Nghệ nhân Ưu tú Lý Thành Long đứng ra truyền dạy làn điệu dân ca, bài chòi cho nhiều học sinh tại Trường THCS Tam Quan (ở phường Tam Quan, TX Hoài Nhơn).

Núi lửa Chư Đang Ya (huyện Chư Păh) đã đi vào thơ của tác giả Nguyễn Thanh Mừng. Ảnh: Phạm Quý

Cao nguyên trong thơ Nguyễn Thanh Mừng

(GLO)- Tên tuổi nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng gắn liền với các tập thơ “Rượu đắng”, “Ngàn xưa”, .... Viết không nhiều nhưng thơ ông lại có mặt trong hầu hết các tuyển tập danh tiếng thơ Việt Nam hiện đại. Mấy năm gần đây, ông dành tình thương mến với Tây Nguyên và viết nhiều về vùng đất này.

Nơi chắp cánh đam mê âm nhạc

Nơi chắp cánh đam mê âm nhạc

(GLO)- Với đặc thù làm việc trong sự cô đơn, tĩnh lặng, nhiều kỹ thuật viên (KTV) có kinh nghiệm tại một số phòng thu trên địa bàn TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đang âm thầm đứng sau những bản thu chất lượng của các ca sĩ chuyên và không chuyên, chắp cánh cho đam mê âm nhạc.

Chung vai một gánh hai quê

Chung vai một gánh hai quê

Chung vai một gánh hai quê là chủ đề chung cho tập truyện ngắn “Người hai quê” của Hương Văn do Tạp chí Văn nghệ Quân đội chọn lọc và được NXB Quân đội Nhân dân - 2025 ấn hành. 

Chuyện về những nhà báo không chuyên

Chuyện về những nhà báo không chuyên

(GLO)- Dù chưa được đào tạo chuyên ngành báo chí, nhưng bằng nhiệt huyết, nhiều cộng tác viên của Báo Gia Lai vẫn luôn nuôi dưỡng niềm đam mê với nghề báo, cần mẫn ghi lại từng khoảnh khắc đời sống ở cơ sở trở thành cánh tay nối dài của tòa soạn trong việc lan tỏa thông tin, kết nối cộng đồng.

Trong dòng chảy báo chí cách mạng

Trong dòng chảy báo chí cách mạng

Trong dòng chảy tròn một thế kỷ của nền báo chí cách mạng Việt Nam, cái tên Thanh Niên luôn mang trên mình một sứ mệnh thiêng liêng; luôn khát khao, ước vọng đồng hành cùng dân tộc trên mọi chặng đường phát triển.

Tự hào được sống đúng đam mê

Tự hào được sống đúng đam mê

Có thẻ hay không có thẻ nhà báo họ vẫn làm báo. Bởi họ luôn có niềm đam mê và mong muốn góp một phần nhỏ bé vào hành trình chuyển động của xã hội bằng ngòi bút, bằng trái tim và bằng đôi mắt luôn đau đáu với hiện thực.

Tác nghiệp ở Trường Sa

Tác nghiệp ở Trường Sa

Mỗi chuyến tác nghiệp tại Trường Sa không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là hành trình cảm xúc, hun đúc tinh thần yêu nước và khát vọng cống hiến. Những trải nghiệm nơi đảo xa đã trở thành dấu mốc nổi bật trên chặng đường làm báo, để các phóng viên, biên tập viên được “tôi luyện” trong môi trường đặc biệt, khắc nghiệt và đầy cảm hứng.

null