Bok Wừu không khuất phục trước kẻ thù - Kỳ cuối: "Có cái chết hóa thành bất tử"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Giữa tháng 4-1952, bok Wừu đi họp chi bộ ở làng Bok Rei thuộc xã Bắc Đak Đoa nhằm triển khai một số nhiệm vụ quan trọng theo chỉ đạo của Huyện ủy Plei Kon. Họp xong, bok cùng 2 đồng chí Nhi (Pan) và Phò (Nam) trở về xã Nam Đak Đoa. Khi đến gần làng Đê Kol cách Bok Rei khoảng 2 km thì bok bị địch phục kích bắt lại lần thứ 3.
Sau 2 lần để sổng một cán bộ Việt Minh cốt cán, tên đội Wit hậm hực mất ăn mất ngủ, nay bắt lại được bok Wừu nó hả hê, rêu rao cho mọi người biết: “Bọn tao đã bắt được lại tên Wừu đầu sỏ Việt Minh rồi!”. Nó gầm gừ như con chó điên: “Mày chạy đâu cho thoát bàn tay tao. Để xem lần này mày có lừa được tao nữa không? Nhất định mày phải chết thật thê thảm!”. Chúng đưa bok về đồn Đak Đoa, thằng Wit trực tiếp tra khảo, đánh đập một cách tàn bạo cho hả lòng dạ căm hận lâu nay của hắn. Nó vừa đánh vừa tra hỏi nhưng chẳng moi thêm được tin tức gì, ngoài câu trả lời thường xuyên trên môi của bok: “Tao không biết!”.
Bất lực, chúng giải bok về sở chỉ huy của địch ở Kon Tum. Tại đây, bọn quan thầy đầu sỏ chuyên nghiệp tra tấn đã không từ ngón đòn cực hình nào, nhưng dù thịt nát xương tan cũng không làm giảm ý chí chiến đấu của người cộng sản này. Biết lòng kiên định của bok khó mà lung lay bằng những ngọn đòn tra tấn, chúng quay sang dụ dỗ ngon ngọt, nếu chịu phục tùng hợp tác cùng quân đội Pháp, chỉ ra các cơ sở Việt Minh thì bản thân và gia đình sẽ được đãi ngộ xứng đáng, có cuộc sống đầy đủ, tốt đẹp. Nghe vậy, bok Wừu thầm cười trong bụng: “Tụi bây khéo dụ trẻ con. Tao đây gần 2 thứ tóc rồi, cái bụng thằng giặc thì tao biết tỏng là chẳng khác gì chồn, cáo. Tao đây cam chịu chết chứ không bao giờ ngồi cùng mâm với bọn chó Tây!”.
Bà Kit là người con gái duy nhất còn lại của bok Wừu. Ảnh: B.Q.V
Bà Kit là người con gái duy nhất còn lại của bok Wừu. Ảnh: B.Q.V
Không khuất phục được “tên Việt Minh” cứng đầu, bọn chúng lại đưa bok về làng Đê Doa hòng làm nhục bok và uy hiếp, làm lung lay ý chí dân làng. Chúng lùa tất cả người dân từ già đến trẻ, không chừa một ai, trong đó có anh em, vợ con bok Wừu đến chứng kiến cảnh hạch tội cán bộ Việt Minh. Chúng trói tay bok, trên thân mình chỉ có mỗi chiếc khố đã lấm bùn đất; toàn thân không sót chỗ nào là không bầm dập, tứa máu do những trận đòn tra khảo mấy ngày qua. Chúng bảo bok: “Ở đây, mày hãy chỉ ra những tên nào là đồng bọn, là Việt Minh. Nói đi, tao sẽ tha và không hành hạ vợ con mày nữa!”. Tuy rất mệt mỏi, nhưng bok cũng ráng gượng nói to để đồng bào nghe thấy: “Ở đây, cả xã này, huyện này ai cũng là Việt Minh. Chúng bay có giỏi thì bắn hết đi!”. Nói rồi, bok quay sang phía dân làng: “Tôi nhất định không phản bội cách mạng, không phản bội dân làng, không phản bội vợ con tôi! Tôi sẵn sàng nhận lấy cái chết để cách mạng, để dân làng, vợ con tôi được sống”. Lấy hơi, bok hô to: “Kon pơlei, pơla… hãy đoàn kết đấu tranh để bảo vệ buôn làng! Xin đồng bào đừng bao giờ quỳ gối, cúi đầu trước bọn giặc kia !”. Bọn thằng Wit tức lộn gan, chúng trở báng súng thúc vào sườn, vào hông của bok Wừu làm ông quỵ xuống đất. Dân làng ai cũng ứa nước mắt, nhìn bọn giặc đầy căm hờn. Vợ con bok quay mặt đi nơi khác không dám nhìn cảnh tượng bọn giặc hành hạ chồng, cha mình. Một số thanh niên của làng chứng kiến sự kiện này trong lòng như có lửa đốt muốn cầm rựa lao vào chém hết bọn đầu trâu mặt ngựa ác độc đó. Bọn lính canh vòng ngoài luôn cảnh giác, chúng lăm lăm cây súng trên tay chĩa về phía đám đông sẵn sàng nhả đạn nếu có điều gì bất thường, manh động.
Bấy giờ, bỗng nhiên bok cố gắng gượng đứng dậy trước bọn lính vây quanh. Bọn thằng Wit tiến lại gần bok, chúng hếch mặt: “Mày còn nói nổi không? Nói nữa đi!”. Bok Wừu nhìn thẳng vào khuôn mặt hung bạo của chúng, rồi phun một bãi nước miếng vào giữa mặt thằng Wit. Tên Wit giận dữ hô hào đám lính xông vào đè bok Wừu xuống đấm đá túi bụi. Chưa hả, nó ra lệnh cho bọn lính rút dao găm xẻo mũi, cắt 2 tai rồi đè ra chặt cả 10 đầu ngón tay của bok. Dân làng không ai đủ can đảm nhìn cảnh tượng này. Bok chết đi sống lại đôi ba lần, rồi nằm im bất động trong vũng máu giữa sân làng. Yă Yăng và mấy người con của bok nhìn thấy vậy cũng xỉu luôn. Nhiều người thấy bok nằm bất động thì tưởng rằng đã chết. Nhưng khi thấy cơ thể bok còn cựa quậy, địch xốc nách dựng bok đứng lên, máu me bê bết, sức cũng đã cạn dần… “Mày chưa chết được đâu! Bây giờ phải dẫn bọn tao đi tiêu diệt căn cứ ở Kon Kring. Nếu muốn sống thì phải biết nghe lời!”. Biết mình chuyến này không thể sống được, bok nghĩ: “Thôi, thế nào cũng chết, phải ráng liều với bọn chúng 1 trận cuối nữa, cho bọn quỷ dữ này nếm mùi hầm chông, bẫy đá!”. Bok giả đò thuận tình dẫn chúng đi vào căn cứ.
Trong đội hình tiến về Kon Kring hôm đó, ngoài đội quân trên 30 tên, chúng còn bắt theo khoảng 20 thanh niên của làng Đê Doa để mang vác những thứ cần thiết cho cuộc hành binh và làm bia đỡ đạn cho chúng khi lâm trận. Bọn địch vừa hò hét vừa xốc nách bok Wừu lôi đi. Cuộc hành quân của địch kéo dài cả mấy tiếng đồng hồ mới đến chân núi Dốc Dòm, sát con suối Đak Pơkei thuộc địa phận Kon Kring, nơi mà Huyện ủy khu Trung và cơ quan chỉ huy của Đại đội 1 độc lập trú chân. Đây là khu vực bố phòng của ta đã được bộ đội và du kích một số làng của xã Bắc Đak Đoa lập phòng tuyến để bảo vệ căn cứ và cán bộ chủ chốt. Bok Wừu là Chủ tịch xã, thường xuyên đi về họp hành nên mọi ngõ ngách, đường đi nước bước đều thông thuộc, kể cả những nơi đặt hầm chông, bẫy đá chống giặc. Bok nói với tên Wit là đã đến căn cứ và chỉ lên phía dốc trước mặt là nơi Việt Minh đang ở. Bây giờ muốn tiến lên thì phải cho quân dàn hàng ngang, bí mật bò lên để đánh úp mới hốt trọn ổ được.
Nhìn thấy phía trên đồi là rừng núi âm u, chưa hiểu sự bố phòng như thế nào nên địch cũng sợ sệt. Nhưng không thể lùi được nữa. Khi nghe bok nói vậy, Wit cho quân dàn hàng ngang, ôm súng tiến lên. Chúng bò lên được một đoạn thì lọt vô khu bố phòng hầm chông dày đặc của ta. Lần lượt 2, 3 tên rồi 5, 7 tên lọt xuống hầm chông bày sẵn. Dính những mũi chông nhọn hoắt cắm xuyên lòng bàn chân, bọn địch la inh ỏi vang cả một góc rừng. Những toán lính đi sau hoảng hốt, không biết chuyện gì xảy ra, chĩa súng bắn loạn xạ. Chưa xông trận mà đội hình đã vỡ, tốp lính này dìu tốp lính khác bị thương rên la như cha chết. Tên Wit đi theo đường mòn chỉ huy nên thoát cảnh bị hầm chông nuốt chửng. Biết chúng trúng kế của mình, bok Wừu lúc này không còn biết đau nữa, phấn khởi la lớn: “Căn cứ Kon Kring của Việt Minh đó! Căn cứ Kon Kring đó! Bọn bay phải chết! Bọn bay phải chết!”. Tên Wit không ngờ đến phút này mà mình vẫn bị lừa. Nhìn đám lính bị thương la liệt, tan hàng, nó tức lộn gan lên đầu, trở báng súng thi nhau đánh tới tấp khiến bok quỵ xuống. Còn chút hơi thở, bok thách thức: “Chúng mày cứ giết tao đi! Tao không chết đâu mà chúng mày rồi sẽ chết như con kiến, con sâu. Người Bahnar chúng tao sẽ còn sống mãi như sông, như núi. Lũ cướp nước! Dân tao căm ghét chúng mày; sẽ đứng lên tiêu diệt chúng mày”. Rồi bok nhìn về phía những người dân làng bị bắt đi theo trăn trối lời cuối cùng: “Tôi có chết thì cũng là người Bahnar, người của Đảng, là con cháu Cụ Hồ. Dân làng nhớ trả thù cho tôi!”. Mắt thằng Wit như cục lửa, nó hét bọn lính xông tới dùng lưỡi lê đâm thẳng vào mắt bok, rồi xả súng bắn vào đầu, vào ngực không biết bao nhiêu phát đạn. Bok ngã xuống, máu thấm đẫm vào đất, hòa đỏ cả con suối, tư thế nằm vắt một nửa chân dưới suối, tay bám chặt vào bờ, như tình yêu quê hương của bok. Bok Wừu đã anh dũng hy sinh vào một buổi chiều tháng 4-1952 bên cạnh dòng suối Đak Pơkei.
Hôm ấy là ngày đau buồn nhất của gia đình bok và dân làng Đê Doa. Được tin cấp báo về điều chẳng lành của anh em du kích, chờ cho địch rút quân, ông Hồ Miên-Bí thư chi bộ của bok Wừu, cùng các đồng chí: Thôi, Phúc và cán bộ làng Bok Rei đã tiếp cận hiện trường, nơi địch giết đồng đội mình. Bok Wừu nằm đó cạnh con suối Đak Pơkei, trên thân hình không có chỗ nào lành lặn. Bấy giờ đang vào mùa mưa nên mặt trời sụp xuống nhanh, mây đen vần vũ kéo về. Đêm ấy, con chim lợn nơi bìa rừng kêu những tiếng buồn thương… Anh em nhanh chóng đưa bok lên cách bờ suối khoảng 20 m, bên một gốc cây cổ thụ rồi tổ chức mặc niệm, vĩnh biệt người đồng chí trong tiếc thương vô hạn, sau đó chôn cất cẩn trọng. Trước đó, chi bộ có hỏi ý kiến người làng về việc đưa thi hài bok về an táng ở làng ma Đê Doa, nhưng vì cấn phong tục Bahnar, người chết ngoài làng không được đem về chôn chung cùng nghĩa địa cộng đồng. Nhưng sau đó, cán bộ của ta bàn bạc với già làng và gia đình bok Wừu lập một ngôi mộ gió, có nhà mồ đàng hoàng ở làng ma nằm phía Tây làng Đê Doa và làm các nghi lễ theo phong tục để vợ con, dân làng thăm nom hàng ngày. Trong ngôi mộ đó vẫn có cái hòm gỗ, gia đình đã để vào đấy tất cả đồ dùng cá nhân của bok khi còn sống, cùng nồi niêu, dao rựa, chiêng ché… Mấy năm sau, gia đình cũng làm lễ bỏ mả cho bok Wừu. 
Bok Wừu mất đi là một tổn thất lớn lao cho Đảng và nhân dân Plei Kon, cho phong trào cách mạng địa phương. Sinh ra và lớn lên trên chính núi rừng Đak Đoa, bok đã quật cường đứng lên chiến đấu và bảo vệ mảnh đất buôn làng mình để rồi hiên ngang, anh dũng hy sinh trên chính quê hương thân yêu trong sự đùm bọc yêu thương của đồng bào mình. Bok Wừu đã trở thành người con ưu tú, tiêu biểu của dân tộc Bahnar vùng Đak Đoa, người đảng viên trung kiên, bất khuất, dũng cảm mưu trí; một tấm gương sáng về tinh thần kiên trì vận động quần chúng bám đất bám làng, phát triển chiến tranh du kích, kiên quyết đánh địch giữ vững phong trào cách mạng trong lúc khó khăn, ác liệt nhất. Tinh thần kiên cường, bất khuất, anh dũng đó của bok Wừu mãi là niềm tự hào, là tài sản vô giá, là nguồn động viên, là sức mạnh cho nhân dân các dân tộc huyện Đak Đoa noi gương, đoàn kết, chung sức, chung lòng xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.
-------------------------
(*): Lời bài thơ “Hãy nhớ lấy lời tôi” của nhà thơ Tố Hữu
BÙI QUANG VINH-QUỐC NINH

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.