Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh thăm, làm việc tại xã biên giới Ia Mơr

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 26-4, Đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc do Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh làm Trưởng đoàn đã đến thăm, làm việc tại xã Ia Mơr và Đồn Biên phòng Ia Mơr (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai).

Cùng đi có các đồng chí: Nông Quốc Tuấn-Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cùng đại diện lãnh đạo các Vụ Địa phương, Vụ Chính sách dân tộc, Vụ Tài chính, Văn phòng Ủy ban Dân tộc và Chương trình mục tiêu Quốc gia 1719.

Về phía tỉnh Gia Lai có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; lãnh đạo Huyện ủy-UBND huyện Chư Prông cùng cấp ủy, chính quyền và 40 hộ dân xã Ia Mơr.

Cần giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phát biểu tại buổi làm việc với cấp ủy, chính quyền xã Ia Mơr. Ảnh: Anh Huy
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu tại buổi làm việc với cấp ủy, chính quyền xã Ia Mơr. Ảnh: Anh Huy


Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr Nguyễn Tuấn Anh thông tin về tình hình phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn: Xã có 5 thôn, làng (635 hộ/2.541 khẩu) với 10 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó người Jrai chiếm 70,8%. 4 tháng đầu năm 2022, người dân trong xã đã gieo trồng 98,25 ha lúa nước; trồng 150 ha mì và chăm sóc, thu hoạch 596,1 ha điều. Xã đang quản lý hơn 14.260 ha diện tích đất rừng, trong đó rừng sản xuất là hơn 10.632 ha, còn lại là rừng phòng hộ. Năm 2022 xã được giao chỉ tiêu trồng 120,90 ha rừng và đang nỗ lực vận động người dân đăng ký trong tháng 5-2022 để kịp thời vụ xuống giống trồng rừng theo đúng quy định. Bên cạnh đó, xã cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia nhận giao khoán trồng và bảo vệ rừng, vừa phát triển kinh tế nông-lâm nghiệp, vừa tạo thuận lợi để người dân, nhất là hộ dân tộc thiểu số có thêm điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững.

Nói về một số khó khăn, Phó Chủ tịch UBND xã cho hay: Đất rừng và đất lâm nghiệp chiếm phần lớn diện tích, còn đất sản xuất chưa được quy hoạch cụ thể theo hướng chuyển đổi loại đất nên sản xuất của người dân còn manh mún, năng suất cây trồng không cao. Đời sống của bà con vì thế cũng còn nhiều khó khăn. Xã còn 142 hộ nghèo và 106 hộ cận nghèo. Giao thông còn nhiều bất cập, xã cách xa trung tâm huyện nên số học sinh theo học các trường THPT và các trường đào tạo nghề còn thấp.

Đại diện cấp ủy, chính quyền địa phương cũng kiến nghị các cấp, các ngành quan tâm, xem xét chính sách hỗ trợ người dân khi tham gia trồng rừng, nhận quản lý bảo vệ rừng; xem xét sớm hoàn thành công trình thủy lợi Ia Mơr, nhất là khu vực vùng tưới đã dự định bố trí sắp xếp 7 điểm dân cư nhằm phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn khu vực biên giới. Đối với chính sách bảo hiểm y tế nên điều chỉnh theo từng năm để phù hợp với số hộ nghèo qua rà soát.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc thăm, làm việc tại xã Ia Mơr. Ảnh: Anh Huy
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh thăm, làm việc tại xã Ia Mơr. Ảnh: Anh Huy


Tại buổi làm việc, ông Đinh Văn Dũng-Bí thư Huyện ủy Chư Prông-thông tin thêm về một số tiềm năng, thế mạnh của huyện, xã cũng như những khó khăn bất cập và đề xuất, kiến nghị với Đoàn công tác để có những chính sách phù hợp nâng cao trình độ dân trí, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững; sớm chuyển đổi 4.700 ha rừng nghèo để mở rộng vùng sản xuất, tạo điều kiện cho người dân vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng vùng biên giới ngày càng giàu mạnh.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh chia sẻ khó khăn với cấp ủy, chính quyền và người dân trên địa bàn. Đồng thời nhấn mạnh, xã Ia Mơr nói riêng và huyện Chư Prông nói chung có nhiều cơ hội và tiềm năng để phát triển kinh tế, nhất là hệ thống thủy lợi-công trình mang tầm quốc gia. Với góc độ là cơ quan làm chính sách dân tộc, quản lý chính sách dân tộc của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cũng đề xuất với địa phương về một số giải pháp phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn. Đó là tiếp tục kêu gọi các nguồn vốn đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu để người dân khai thác, sử dụng một cách hiệu quả; nghiên cứu các phương án tổ chức sản xuất phù hợp với trình độ, phong tục tập quán của người dân để có thể phát huy hết các tiềm năng, thế mạnh và góp phần xóa đói giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số.


Bộ trưởng nhấn mạnh: Trên địa bàn xã, huyện có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống do đó địa phương cần gìn giữ, phát huy bản sắc truyền thống riêng của từng dân tộc gắn với xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân; phát huy vai trò chủ thể của người dân trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là chương trình chung sức xây dựng nông thôn mới với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cũng đề nghị người dân trên địa bàn tiếp tục học tập, giúp đỡ lẫn nhau trong phát triển kinh tế, cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương và Bộ đội Biên phòng giữ vững an ninh biên giới. Riêng với các kiến nghị, đề xuất của địa phương đoàn công tác sẽ tổng hợp và phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét, giải quyết.

Nhân rộng mô hình giúp dân phát triển kinh tế

Cũng trong sáng cùng ngày, Đoàn công tác đã đến thăm, làm việc với Đồn Biên phòng Ia Mơr. Trung tá Nguyễn Đình Đương-Đồn trưởng-thông tin về tình hình đơn vị: Đồn hiện quản lý đoạn biên giới chính diện dài 12,8km, chưa được phân giới cắm mốc. Những năm qua, đơn vị luôn quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm chỉ thị, mệnh lệnh, kế hoạch của cấp trên về công tác quản lý, bảo vệ biên giới. Đơn vị duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu theo quy định; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn hoạt động xuất-nhập cảnh trái phép và phòng-chống âm mưu, phương thức hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới. Từ đầu năm 2022 đến nay, đơn vị đã độc lập và phối hợp với các lực lượng đứng chân trên địa bàn tổ chức hoạt động tuần tra, kiểm soát địa bàn trọng điểm, phòng-chống dịch Covid-19 với 142 tổ/342 lượt người tham gia.

 

Đoàn công tác làm việc với Đồn BP Ia Mơr. Ảnh: Anh Huy
Đoàn công tác làm việc với Đồn Biên phòng Ia Mơr. Ảnh: Anh Huy


Cùng với đó, đơn vị phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và giúp dân lao động sản xuất, phát triển kinh tế; duy trì có hiệu quả hoạt động của cán bộ tăng cường xã và phân công 4 đảng viên Đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt tại 4 chi bộ thôn, làng; “Nâng bước em đến trường” với 3 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn và nhận 1 cháu là “Con nuôi Đồn Biên phòng”. Đồng thời tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền việc thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg, ngày 9-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức Phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”.

Thực hiện công tác đối ngoại, đơn vị thường xuyên trao đổi với chính quyền, lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia đối diện; duy trì thực hiện nghiêm các hiệp ước, hiệp định, thông cáo báo chí và văn bản thỏa thuận giữa 2 nước; tôn trọng chủ quyền lãnh thổ, duy trì các hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới theo đúng đường biên giới hiện quản.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã đánh giá cao thành tích của Đồn trong quản lý, bảo vệ biên giới, tham gia xây dựng hệ thống chính trị và cùng với địa phương trong việc giúp dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và các phong trào thi đua tại địa phương. Bộ trưởng cũng bày tỏ mong muốn thời gian tới, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục quan tâm, bồi dưỡng và bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số; tiếp tục phát huy, nghiên cứu những mô hình phù hợp tới phong tục tập quán, trình độ để góp phần cùng với địa phương giúp dân xóa đói giảm nghèo; đổi mới nội dung, phương thức trong công tác tuyên truyền, nhanh chóng đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân; hỗ trợ địa phương trong công tác đối ngoại để xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.

Dịp này, Đoàn Công tác của Ủy ban Dân tộc đã trao tặng 1 phần quà cho Đảng ủy-HĐND-UBND-Ủy ban MTTQ Việt Nam xã và 40 phần quà (500 ngàn đồng/phần) cho các gia đình chính sách, hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn xã.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng quà cho xã. Ảnh: Anh Huy
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh tặng quà cho xã Ia Mơr. Ảnh: Anh Huy

ANH HUY
 

Có thể bạn quan tâm

Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

(GLO)- Tổng Bí thư Tô Lâm vừa có bài phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia vào sáng 13-1. Báo Gia Lai điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư. 

Gần 12 ngàn đại biểu dự hội nghị về đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia

Gia Lai: Gần 12 ngàn đại biểu dự hội nghị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

(GLO)- Sáng 13-1, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Hội nghị kết nối đến 15.345 điểm cầu trên toàn quốc với 978.532 đại biểu tham dự. Tại Gia Lai có gần 12.000 đại biểu tham dự.

Đề xuất giữ nguyên tên 5 bộ sau sắp xếp

Đề xuất giữ nguyên tên 5 bộ sau sắp xếp

Theo phương án đề xuất, Bộ Tài chính sẽ giữ nguyên tên sau khi hợp nhất Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Tài chính. Bộ Nội vụ giữ nguyên tên sau khi hợp nhất Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ. Bộ Xây dựng giữ nguyên tên sau khi hợp nhất Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng...

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Trần Minh Sơn (bìa phải) tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ Trại giam Gia Trung. Ảnh: Hoàng Hoài

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Trại giam Gia Trung và các gia đình có công tiêu biểu ở huyện Mang Yang

(GLO)- Sáng 10-1, đoàn công tác do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai Trần Minh Sơn làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Trại giam Gia Trung và các gia đình có công tiêu biểu ở huyện Mang Yang.