Bộ Công an bổ nhiệm 1 trung tướng làm tư lệnh cảnh sát cơ động

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Trung tướng Phạm Quốc Cương đã được Bộ Công an bổ nhiệm làm Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (K20), là một trong 2 đơn vị cấp tổng cục của Bộ Công an cùng Bộ Tư lệnh Cảnh vệ (K10).
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn (phải) trao quyết định bổ nhiệm Tư lệnh CSCĐ cho Trung tướng Phạm Quốc Cương - Ảnh: Bocongan.gov.vn
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn (phải) trao quyết định bổ nhiệm Tư lệnh CSCĐ cho Trung tướng Phạm Quốc Cương - Ảnh: Bocongan.gov.vn
Ngày 28-8, tại Hà Nội, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (CSCĐ) tổ chức hội nghị công bố các quyết định về công tác tổ chức, cán bộ và sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2018.
Hội nghị đã công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy mới của Bộ Tư lệnh; thông báo quyết định của bộ trưởng về việc bố trí lãnh đạo Bộ Tư lệnh CSCĐ theo tổ chức bộ máy mới.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, đã trao quyết định bổ nhiệm của bộ trưởng Bộ Công an bổ nhiệm Trung tướng Phạm Quốc Cương giữ chức vụ Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động.
Theo Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an, tại hội nghị cũng đã đồng thời trao quyết định bổ nhiệm cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của Bộ Tư lệnh CSCĐ và trao thưởng cho các cá nhân, tập thể xuất sắc.
Thay mặt Đảng uỷ Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn chúc mừng và biểu dương những kết quả Bộ Tư lệnh CSCĐ đã đạt được trong thời gian qua.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn yêu cầu Đảng uỷ, lãnh đạo Bộ Tư lệnh CSCĐ, cấp uỷ, chỉ huy các đơn vị cần tập trung nhanh chóng kiện toàn, ổn định tổ chức bộ máy và kiện toàn các tổ chức Đảng sau khi kết thúc việc thực hiện chế độ chính uỷ, chính trị viên trong Bộ Tư lệnh.
Quá trình thực hiện, Bộ Tư lệnh phải đảm bảo các nguyên tắc về bố trí, sắp xếp cán bộ phù hợp với trình độ, năng lực, sở trường công tác với tinh thần trách nhiệm cao nhất; xây dựng đơn vị đoàn kết, kỷ luật, kỷ cương, dân chủ; xây dựng lực lượng CSCĐ ngày càng vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao...
Bộ Tư lệnh CSCĐ cần xây dựng lực lượng vững mạnh, đủ sức chiến đấu, là lực lượng tinh nhuệ, tin cậy của Đảng uỷ Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an. Tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, diễn tập, thực binh.
Thường xuyên tiến hành rà soát, bổ sung các phương án mới và luyện tập thành thục các phương án tác chiến. Chỉ huy các cấp thể hiện trách nhiệm của mình với tư cách là người đứng đầu, thường xuyên huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, ra quân là chiến thắng…
6 tháng đầu năm 2018, Bộ Tư lệnh CSCĐ đã tổ chức 2.084.838 lượt cán bộ, chiến sĩ (CBCS) ứng trực và trực tiếp ra quân bảo vệ các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước; tăng cường 1.750 CBCS hỗ trợ cho công an 20 đơn vị, địa phương tổ chức 56.019 ca tuần tra kiểm soát đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn; tăng cường 340 CBCS phối hợp đấu tranh triệt phá thành công 7 chuyên án lớn; điều động 2.533 CBCS hỗ trợ công an các địa phương giải quyết 3 vụ đột xuất, phức tạp về an ninh trật tự.
Bộ Tư lệnh CSCĐ hiện quản lý lực lượng đặc nhiệm, lực lượng tác chiến đặc biệt, lực lượng bảo vệ mục tiêu, lực lượng huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ. Đơn vị được giao lên phương án tác chiến chống hoạt động phá hoại an ninh, bạo loạn vũ trang, khủng bố, bắt cóc con tin; giải tán các vụ gây rối, biểu tình trái pháp luật; trấn áp tội phạm có sử dụng vũ khí...
 
Theo Nghị định 01 của Chính phủ, Bộ Công an đã triển khai sắp xếp, tinh gọn bộ máy, trong đó giảm 6 tổng cục gồm: Tổng cục An ninh (Tổng cục I), Tổng cục Cảnh sát (Tổng cục II), Tổng cục Chính trị (Tổng cục III), Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật (Tổng cục IV), Tổng cục Tình báo (Tổng cục V) và Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp (Tổng cục VIII).
So với bộ máy cũ, mô hình bộ máy Bộ Công an ngoài việc giảm 6 tổng cục, đã tinh giản gần 60 đơn vị cấp cục và gần 300 đơn vị cấp phòng. Cấp công an địa phương sau khi tinh gọn bộ máy, sáp nhập cảnh sát PCCC giảm hơn 500 đơn vị cấp phòng, gần 1.000 đơn vị cấp đội.
Cũng theo Nghị định 01, Bộ Công an giữ nguyên 2 đơn vị tương đương cấp tổng cục là Bộ Tư lệnh Cảnh vệ (K10) và Bộ Tư lệnh CSCĐ (K20).
D.Ngọc (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Ông Bùi Văn Khánh được bầu giữ chức Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ

Ông Bùi Văn Khánh được bầu giữ chức Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ

(GLO)- Sáng 19-12, HĐND huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) khóa IV đã khai mạc kỳ họp thứ 10 nhằm xem xét, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2022 và đề ra phương hướng, giái pháp thực hiện nhiệm vụ năm 2023. Dự họp có đồng chí Ngô Khắc Ngọc-Tỉnh ủy viên, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh.
Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Trần Quốc Cường giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên

Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Trần Quốc Cường giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên

(GLO)- Sáng 16-11, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai trao quyết định của Bộ Chính trị cho ông Trần Quốc Cường-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thôi giữ chức Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương, tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên nhiệm kỳ 2020-2025. Quyết định có hiệu lực từ 15-11.
Ông Đoàn Anh Dũng giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận

Ông Đoàn Anh Dũng giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận

Ban Tổ chức Trung ương công bố quyết định của Ban Bí thư về việc luân chuyển, chỉ định cán bộ tham gia Ban chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đối với ông Đoàn Anh Dũng, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII.
Đến năm 2026, các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có 101.546 biên chế

Đến năm 2026, các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có 101.546 biên chế

(GLO)- Đến năm 2026, các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập có 101.546 biên chế. Tổng biên chế công chức, biên chế của các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương bảo đảm đến hết năm 2026 là 103.300 biên chế.