Biến thách thức thành cơ hội

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Trước khi đội tuyển bóng đá Việt Nam chơi trận chung kết lượt đi AFF Suzuki Cup 2018 trên sân Bukit Jalil của Malaysia, nơi được coi là “chảo lửa” với bất cứ đội khách nào, ông Park Hang-seo đã đưa ra một slogan đầy tính chiến đấu: “Hãy biến thách thức thành cơ hội!”. Và đội tuyển Việt Nam đã chơi với tinh thần cao nhất để có một trận hòa 2-2, tạo lợi thế cho trận lượt về trên sân nhà Mỹ Đình.
Ở An Khê đã bắt đầu có “4.0” trên những cánh đồng mía khi tự động hóa đang giúp nông dân các công đoạn nặng nhọc nhất của nghề trồng mía.
Ở An Khê đã bắt đầu có “4.0” trên những cánh đồng mía khi tự động hóa đang giúp nông dân các công đoạn nặng nhọc nhất của nghề trồng mía. (ảnh internet)
Ngành mía đường dĩ nhiên không liên quan gì đến bóng đá. Vậy nhưng, slogan mà ông Park Hang-seo đưa ra trong bóng đá xem ra lại hoàn toàn phù hợp với ngành mía đường Việt Nam, nhất là sau khi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực từ ngày 1-1-2018. Từ thời điểm này, mía đường là một trong những ngành bị tác động mạnh nhất bởi sự cạnh tranh giữa các nước trong khu vực. Thuế nhập khẩu đường vào Việt Nam giảm ngay từ mức 40% năm 2017 xuống chỉ còn 5% từ năm 2018. Rào cản bảo hộ sản xuất đường trong nước không còn. Sản xuất đường trong nước chấp nhận sự cạnh tranh sòng phẳng với đường nhập khẩu giá thành thấp của Thái Lan. Đương nhiên người trồng mía phải chịu ảnh hưởng của “sân chơi” khu vực ASEAN này.
Ai cũng biết, Thái Lan là đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ nhất với Việt Nam trên lĩnh vực mía đường. Từ nhiều năm nay, Thái Lan đã có chiến lược cấp nhà nước về những bước phát triển của ngành nông-công nghiệp này. Chính phủ Thái Lan đã có chính sách “bảo hộ ở mức cho phép” để vừa không vi phạm luật của WTO, vừa giúp một cách thực chất cho nông dân trồng mía của mình. Nhưng dù chính phủ Thái Lan có trợ giúp tới đâu mà nếu trên cánh đồng mía nước họ, nông dân không có thu hoạch hàng năm từ 120 tấn mía cây/ha trở lên thì cũng không thể bền vững.
Vấn đề với ngành mía đường Việt Nam hiện nay là phải “tự mình cứu mình, trước khi chờ… chính phủ cứu”. Mà muốn cứu mình thì trước hết phải tạo mọi điều kiện hữu hiệu nhất để giúp người trồng mía. Giúp ở đây không phải mua mía nguyên liệu với giá cao, vì “giúp” kiểu đó thì cả 2-3 bên đều… chết. Phải coi số phận những nhà máy đường cũng là số phận người trồng mía. Nếu hồi trước là dựa vào nhau mà sống thì bây giờ phải làm cho nhau phát triển mới sống được bền vững. Giá mía phải hạ một cách hợp lý và nông dân trồng mía chỉ còn một con đường để vừa cứu mình vừa cứu ngành mía đường Việt Nam là phải nâng sản lượng mía cây lên 100 tấn/ha, rồi phải lên được mức 120 tấn/ha như Thái Lan đã đạt được từ nhiều năm nay.
Đã có một tấm gương về sự liên kết 2 nhà: nhà máy đường và nhà nông, đó là câu chuyện ở vùng mía An Khê với nhà máy của Công ty Đường Quảng Ngãi. Trước hết, muốn giúp người trồng mía thì phải tập hợp họ lại trong những cánh đồng mía lớn. Thứ đến là đưa kỹ thuật cao, công nghệ cao vào các khâu trong quy trình sản xuất. Nhà máy đường đi trước trong câu chuyện này và sẵn sàng trở thành “người làm thuê tự nguyện” cho nông dân. Vì chỉ nhà máy mới sở hữu được kỹ thuật cao, công nghệ cao, nhân lực có kỹ năng tay nghề cao, hệ thống máy móc nông nghiệp phục vụ trồng, chăm sóc và thu hoạch mía. Nông dân sẽ ủng hộ nhà máy hết mình, gắn kết số phận mình với số phận nhà máy. Ở An Khê đã bắt đầu có “4.0” trên những cánh đồng mía khi tự động hóa đang giúp nông dân các công đoạn nặng nhọc nhất của nghề trồng mía.
Vào những năm không có biến động lớn về thời tiết, sản lượng mía ở vùng nguyên liệu của Nhà máy Đường An Khê trên những cánh đồng lớn “hợp tác 2 nhà” luôn đạt chỉ số 120 tấn mía cây/ha. Ở đó, thách thức đã thành cơ hội.
Thanh Thảo

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.