Bi kịch gia đình từ men rượu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đang là trụ cột gia đình, Rơ Mah Tý (SN 1999, trú tại làng O Grăng, xã Ia Pếch, huyện Ia Grai) phải chôn vùi những tháng ngày dài trong tù vì sự bốc đồng sau cuộc nhậu và đẩy gia đình vào cảnh mẹ góa, con côi.
Tý là con út trong một gia đình nghèo có 4 anh em. Bố mất sớm, bà Rơ Mah Yu-mẹ Tý-phải gồng gánh nuôi 4 người con với mảnh vườn ít ỏi. Khi Tý lập gia đình vào năm 2014, bà cũng không có vườn tược, của cải để chia mà phải để con cùng sống chung nhà với mình ở làng O Grăng. Người anh cả của Tý là Rơ Mah A (SN 1982) được chia đất làm nhà ra ở riêng gần đó. Tuy nhiên, A không chú tâm làm ăn mà thường xuyên sa đà vào men rượu. 
Bà Yu kể: “Thằng A uống rượu say khướt từ sáng đến tối, không thấy lúc nào tỉnh táo. Nương rẫy thì không làm mà cứ đi uống rượu miết rồi về nói năng lung tung. Còn Tý thì biết thương vợ, thương con nên siêng năng làm vườn, hết việc lại đi làm thuê. Cả nhà trông cậy vào nó”. Thế nhưng, bà Yu chẳng ngờ rằng cậu con trai mang sức vóc tuổi đôi mươi ấy sẽ phải trải qua những tháng ngày sau song sắt của nhà tù. 
Tối 8-1-2020, sau khi đi làm về, Tý ngồi uống rượu tại nhà anh Rơ Châm Vong. Lúc này, anh A đi vào và đá vào người Tý. Biết anh A đánh em vô cớ trong lúc say rượu, mọi người xung quanh đã can ngăn. Tưởng chừng câu chuyện nhỏ nhặt ấy sẽ dừng lại. Tuy nhiên, khi đã có men rượu kích thích, nhớ lại chuyện lúc trước, Tý cảm thấy bức xúc trước hành động của anh trai mình. Từ lâu, mẹ Tý thường tâm sự buồn bực cậu con trai cả chỉ lo nhậu nhẹt mà bỏ bê gia đình khiến mọi người khổ sở. Hơn nữa, anh A lại đánh mình trước mặt mọi người nên Tý ấm ức. Nghĩ vậy, Tý về nhà cầm một con dao quắm tìm đến nhà anh trai. 
Bị cáo Rơ Mah Tý tại phiên tòa. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Bị cáo Rơ Mah Tý tại phiên tòa. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Tý đứng ngoài đường gọi vọng vào: “Bác A ơi, sao lúc nãy bác tự nhiên lại đánh tôi”. Thấy em trai “chất vấn”, anh A từ trong nhà đi ra cầm theo một khúc gỗ đánh liên tiếp vào người Tý. Bị đánh, Tý cầm dao quắm chém 1 nhát vào vùng thái dương của anh trai. Nghe tiếng la lối, bà Yu chạy ra can ngăn, giật con dao rồi đẩy Tý ngã xuống đất. Thấy vậy, anh A tiếp tục lao đến dùng gậy đập vào đầu Tý. Trong lúc say rượu, anh A đã đánh trúng mẹ. Nhiều người thấy vậy liền đến can ngăn và đưa cả 2 anh em đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Ia Grai. 
Sau khi điều trị về, anh A vẫn tiếp tục chìm đắm trong những cuộc nhậu mà không hề hay biết tình trạng cơ thể của mình. Đến ngày 19-1, anh A thấy đau đầu, choáng váng nên được đưa đi cấp cứu và tử vong 1 ngày sau đó. Anh A chết để lại vợ cùng 3 con nhỏ. Không dừng lại ở đó, chỉ thời gian ngắn sau khi anh A chết, vợ của A là chị Puih Bliu (SN 1980) trong lúc đi làm đồng lại bị tai biến khiến cơ thể bị liệt, không thể đi làm được. 
Con dâu bị liệt, gánh nặng lại đặt lên vai bà Yu. Còn Tý đi tù cũng bỏ lại người vợ trẻ cùng 2 người con nhỏ. Ở cái tuổi 60, bà Yu vẫn phải chật vật đi làm thuê rồi vay mượn khắp nơi để cùng vợ Tý kiếm cái ăn cho gia đình có đến 5 đứa trẻ. Bà Yu đau đáu nỗi lòng bày tỏ: “Xin Tòa án cho Tý đi tù ít thôi vì cũng do A thường xuyên uống rượu. Chỉ nóng giận lúc đó do bị đánh trước chứ Tý không có ý giết anh nó đâu”.   
Ngày 5-11, Hội đồng xét xử sơ thẩm Tòa án nhân dân tỉnh tuyên phạt bị cáo Rơ Mah Tý 7 năm tù về tội “Giết người”. Hội đồng xét xử nhận định, hành vi của bị cáo là bột phát nhất thời, do bức xúc trước hành vi vi phạm pháp luật của nạn nhân. 
LÊ VĂN NGỌC

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.