Bệnh than bất ngờ trở lại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn-Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) gần đây tiếp nhận một số ca bệnh than nhập viện trong tình trạng nặng do các ổ áp xe lớn.
 
Bệnh nhân quốc tịch Sri Lanka trong quá trình điều trị tại khoa. ẢNH: THẢO MY
Những ổ áp xe nguy hiểm
Các bác sĩ (BS) tại đơn vị chăm sóc vết thương, Khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn - Bệnh viện Hữu nghị (BVHN) Việt Đức cho biết các ca bệnh than nhập viện có tổn thương điển hình là một vùng viêm tấy đỏ, đau, nằm ở khu vực gáy, lưng. Trong nhiều năm qua, hầu như không ghi nhận trường hợp mắc bệnh than nhập viện điều trị. Với 3 bệnh nhân (BN) vào viện chỉ trong 3 tuần của tháng 5 vừa qua, bệnh than cần được cảnh báo để người dân không chủ quan.
Khác với nhọt bọc là tổn thương rất nông và thường là một khối mủ có thể chích đơn giản, ổ áp xe do bệnh than bắt buộc phải phẫu thuật mở rộng và lấy tổ chức hoại tử bên dưới mới khỏi được
PGS-TS Nguyễn Đức Chính (Trưởng khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức)
Mới đây, một BN nam quốc tịch Sri Lanka, nhân viên tàu viễn dương, được chuyển đến BVHN Việt Đức trong tình trạng nhiễm trùng dai dẳng. Trước nhập viện hơn 1 tháng, BN xuất hiện các cụm nhọt nhiễm trùng vùng lưng. Do điều kiện y tế trên tàu hạn chế, tổn thương nhanh chóng lan rộng và tạo thành ổ mủ dọc suốt chiều dài từ lưng xuống tận hông 2 bên.
Ngày 14.5, tại BVHN Việt Đức, BN được tiến hành hội chẩn và phẫu thuật rạch tháo mủ, cắt lọc, làm sạch các ổ nhiễm trùng vùng lưng, đùi cùng với kiểm soát đường huyết. Sau 1 tuần, các vết thương đã tiến triển rất tốt, BN được tạo hình vết thương và khép lại vết mổ. BN cho biết trước khi nhập viện đã đau đớn và chảy mủ suốt hơn 1 tháng do không có điều kiện lên bờ điều trị.
Một trường hợp khác là nữ BN 75 tuổi, ở Hà Nội. Bà có tiền sử điều trị tiểu đường nhiều năm, ung thư vú trái đã phẫu thuật. “2 tuần trước, tôi bị sưng tấy, đau vùng lưng, tự điều trị, tổn thương lan rộng đau nhức quá nên tôi mới đến BV”, BN cho hay.
BS Trần Tuấn Anh, Khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn, cho biết BN được các BS điều trị ổn định và tiến hành phẫu thuật, làm sạch ổ hoại tử. Hiện vết thương của bà đã được kiểm soát tình trạng nhiễm khuẩn nhưng do tổn thương rộng nên đang được xem xét vá da.
Mới đây nhất, ngày 23.5, các BS tại Khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn đã cấp cứu, phẫu thuật cho BN nữ 56 tuổi (ngụ H.Lạc Thủy, Hòa Bình). BN có tổn thương vùng gáy gần 2 tuần. Tổn thương là những ổ áp xe nhỏ nhiều vách và ngóc ngách, tổ chức dưới da hoại tử và mủ trắng. Người bệnh đã được cắt lọc, làm sạch và để da hở.
Bệnh than không tự khỏi
PGS-TS Nguyễn Đức Chính, Trưởng khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn - BVHN Việt Đức, người trực tiếp phẫu thuật cho các BN, thông tin: Do vị trí u nhọt nằm phía thân sau của cơ thể nên được dân gian gọi là “hậu bối”, có khi được gọi là “cụm nhọt tổ ong” hay “nhọt gương sen” do khi vỡ ra mủ lỗ chỗ giống như tổ ong hoặc như gương sen đã lấy hết hạt. BS Chính cho biết “hậu bối” trước đây hay được dùng với thuật ngữ là Anthrax - bệnh than (hoặc tiếng Anh là Carbuncle: cụm nhọt, gồm nhiều nhọt nhỏ do viêm lỗ chân lông tập trung thành đám và có quá trình hoại tử phần mềm tổ chức dưới da).
Tác nhân gây bệnh than chủ yếu là do tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus). Nếu không được xử lý, nhiễm trùng có thể lan tỏa đến các phần khác của cơ thể.
Khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên của bệnh, đặc biệt là người đề kháng kém hay có bệnh chuyển hóa như đái tháo đường..., cần đến ngay các cơ sở y tế khám và điều trị, tránh những diễn biến nặng của bệnh có thể gây ra hậu quả đáng tiếc, thậm chí biến chứng nhiễm khuẩn huyết còn có thể gây tử vong.
PGS-TS Nguyễn Đức Chính
Qua thực tế điều trị, các BS cho biết hậu bối thường mọc ở gáy, lưng, ở những người có sức đề kháng kém, người cao tuổi, người mắc bệnh đái tháo đường... Bệnh xuất hiện ban đầu là một đám mảng đỏ có đường kính rất khác nhau, có thể từ 5 - 20 cm kèm theo biểu hiện viêm đỏ, sưng tấy, gồ cao, đau, có nhiều ngòi, tiến triển hoại tử tổ chức dưới da, tổn thương lõm sâu khoảng 0,5 - 1 cm.
BS Chính lưu ý: Bệnh than (hậu bối) không tự khỏi theo cách thay băng thông thường hoặc tự uống thuốc, mà cần sự can thiệp của các BS điều trị. “Khác với nhọt bọc là tổn thương rất nông và thường là một khối mủ có thể chích đơn giản, ổ áp xe do bệnh than bắt buộc phải phẫu thuật mở rộng và lấy tổ chức hoại tử bên dưới mới khỏi được”, BS Chính cho biết.
Liên Châu (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Nghiện rượu - tan vỡ mái ấm, rối loạn tâm thần

Nghiện rượu - tan vỡ mái ấm, rối loạn tâm thần

(GLO)- Tại Bệnh viện Tâm thần kinh Pleiku, nhiều bệnh nhân đang điều trị rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng rượu. Điều đáng nói, sau thời gian điều trị khỏi bệnh về nhà, họ lại tái nghiện rượu, khiến gia đình xung đột, người thân xa lánh, mái ấm đổ vỡ...

Thuốc Femancia

Gia Lai: Cảnh báo về thuốc Femancia và hai sản phẩm thực phẩm không còn hiệu lực lưu hành

(GLO)- Sở Y tế vừa ban hành văn bản thông báo thu hồi toàn bộ thuốc Femancia, số đăng ký VD-27929-17, do vi phạm mức độ 2 theo quy định của Bộ Y tế. Đây là loại thuốc có dạng viên nang cứng, chứa sắt nguyên tố (dưới dạng sắt fumarat) và acid folic, do Công ty Cổ phần Dược phẩm Me Di Sun sản xuất.

Người bị gan nhiễm mỡ nên uống gì?

Người bị gan nhiễm mỡ nên uống gì?

(GLO)- Gan nhiễm mỡ là một trong những bệnh lý phổ biến do thói quen ăn uống, sinh hoạt thiếu lành mạnh. Bên cạnh việc điều chỉnh chế độ ăn, lựa chọn đồ uống phù hợp cũng đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ điều trị và cải thiện chức năng gan. Dưới đây là một số gợi ý cho bạn.

Bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý y tế cho công chức 77 xã, phường phía Tây tỉnh Gia Lai

Bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý y tế cho công chức 77 xã, phường phía Tây tỉnh Gia Lai

(GLO)- Sáng 23-7, tại phường Pleiku, Sở Y tế tỉnh Gia Lai khai mạc lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý cho công chức cấp xã phụ trách lĩnh vực y tế của 77 xã, phường khu vực phía Tây tỉnh. Trước đó, công chức cấp xã của 58 xã, phường khu vực phía Đông tỉnh đã được bồi dưỡng lĩnh vực này.

Các cơ sở y tế phải chủ động kế hoạch mua sắm đầy đủ thuốc, nhất là thuốc cấp cứu, phòng dịch, chế phẩm máu và thuốc tiền mê giảm đau. Ảnh: Thảo Khuy

Chủ động đảm bảo cung ứng thuốc phục vụ khám, chữa bệnh

(GLO)- Trước nguy cơ thiếu hụt thuốc do ảnh hưởng từ dịch bệnh (Covid-19, sốt xuất huyết...), chiến sự tại một số khu vực trên thế giới cùng với sự gián đoạn chuỗi cung ứng từ nước ngoài, Sở Y tế vừa yêu cầu các đơn vị y tế trên địa bàn chủ động đảm bảo nguồn thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh.

null