Bệnh nhân ghép quả tim titan đầu tiên trên thế giới xuất viện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Một bệnh nhân hơn 40 tuổi ở Úc trở thành người đầu tiên trên thế giới xuất viện với quả tim titan được ghép trong khi chờ có ca hiến tim.

Quả tim titan của BiVACOR
Quả tim titan của BiVACOR

Đài CNN ngày 12.3 đưa tin một bệnh nhân Úc đã sống 100 ngày với quả tim nhân tạo bằng titan khi chờ đợi ghép tim, thời gian lâu nhất đối với một người được ghép quả tim cơ học này.

Bệnh nhân hơn 40 tuổi, người từ chối công khai danh tính, được ghép tim tại Bệnh viện St. Vincent ở Sydney hồi tháng 11.2024. Đến tháng 2, bệnh nhân này trở thành người đầu tiên xuất viện với quả tim titan và sống sót đến khi có người hiến tim vào đầu tháng này.

Bệnh nhân trên từng bị suy tim nặng và đang hồi phục tốt, theo thông cáo được đưa bởi Bệnh viện St. Vincent và BiVACOR, công ty Mỹ - Úc chế tạo quả tim titan.

Quả tim nhân tạo BiVACOR lần đầu được ghép cho một bệnh nhân tại Viện Tim Texas (Mỹ) vào tháng 7.2024, nhưng người này chưa từng xuất viện. Kể từ đó, có 4 bệnh nhân khác tại Mỹ được ghép tim trước khi có người hiến phù hợp, nhưng họ cũng chưa từng xuất viện.

Khả năng thiết bị trên giúp bệnh nhân sống trong thời gian lâu dài khiến giới khoa học vui mừng, vì đó là dấu hiệu tim nhân tạo có thể là lựa chọn cho những bệnh nhân suy tim. Thiết bị này vẫn đang trong thời gian thử nghiệm và chưa được chứng nhận sử dụng đại trà.

Người sáng lập BiVACOR là kỹ sư sinh học người Úc Daniel Timms, người đã phát minh ra thiết bị này sau khi cha ông qua đời vì bệnh tim. Ông chia sẻ sự phấn khởi khi chứng kiến công sức bỏ ra trong nhiều thập niên đã thành hiện thực.

"Toàn bộ nhóm BiVACOR vô cùng biết ơn bệnh nhân và gia đình đã tin tưởng vào trái tim nhân tạo toàn phần của chúng tôi. Lòng dũng cảm của họ sẽ mở đường cho vô số bệnh nhân khác được tiếp nhận công nghệ cứu mạng này", ông chia sẻ.

Tim nhân tạo toàn phần BiVACOR có một bộ phận chuyển động duy nhất được giữ cố định bằng nam châm. Nó được chế tạo từ titan và không có van hoặc ổ trục cơ học nào có thể dễ bị mòn.

Quả tim này bơm máu đến cơ thể và phổi, thay thế cả 2 tâm thất của một quả tim bị suy. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu, khiến khoảng 18 triệu người tử vong hằng năm.

Kỳ vọng lâu dài là sử dụng thiết bị này để cứu nhiều người đang mòn mỏi trong danh sách chờ đợi người hiến tặng phù hợp. Theo Bộ Y tế Mỹ, khoảng 3.500 người được ghép tim vào năm 2024. Khoảng 4.400 người đã tham gia danh sách chờ trong cùng năm.

Thiết bị này đã được thử nghiệm tại Mỹ với 5 bệnh nhân được ghép thành công, trong nghiên cứu dự kiến thử nghiệm trên 15 bệnh nhân.

Ca ghép ở Úc là ca đầu tiên trong chương trình của Đại học Monash (Úc) trị giá 50 triệu AUD nhằm phát triển và thương mại hóa 3 thiết bị để trị suy tim.

Theo Khánh An (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Căng thẳng dẫn đến nhiều chứng bệnh nguy hiểm

Căng thẳng dẫn đến nhiều chứng bệnh nguy hiểm

(GLO)- Hiện nay, nhiều người vẫn xem nhẹ căng thẳng, đôi khi không nhận ra bản thân đang gặp stress. Thế nhưng, theo các nghiên cứu, căng thẳng kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ trầm cảm, mất ngủ, thậm chí gây ra bệnh tự miễn dịch, ung thư, tim mạch.

Gia Lai nhiều ca sởi biến chứng nặng ở trẻ không tiêm vắc xin

Gia Lai nhiều ca sởi biến chứng nặng ở trẻ không tiêm vắc xin

(GLO)- Cuối tháng 3 vừa qua, Gia Lai ghi nhận 1 bệnh nhi (SN 2020) tử vong nghi do sởi biến chứng nặng. Trường hợp này chưa tiêm vắc xin phòng bệnh sởi. Thống kê cho thấy, hầu hết các ca sởi, nghi sởi biến chứng nặng tại tỉnh đều rơi vào trường hợp không tiêm vắc xin hoặc tiêm không đầy đủ.

Gia Lai: Dừng in thẻ bảo hiểm y tế giấy từ ngày 1-6-2025

Gia Lai: Dừng in thẻ bảo hiểm y tế giấy từ ngày 1-6-2025

(GLO)- Tin từ Bảo hiểm xã hội Gia Lai, từ ngày 1-6-2025, đơn vị dừng in thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) giấy kể cả các trường hợp đề nghị cấp lại và cấp đổi thẻ BHYT, chỉ thực hiện cấp mới thẻ BHYT giấy đối với các trường hợp không thể cài đặt VssID, VNeID và không có căn cước công dân có gắn chíp.