Bay xa hương vị "Lệ Cần khoai"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mấy chục năm trước, trong hành lý mang theo của người dân xứ Quảng lên dinh điền Lệ Cần (xã Tân Bình, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) có giống khoai Trà Đỏa (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam). Và hôm nay, giống khoai này đã thành đặc sản nức tiếng, giúp cho nhiều gia đình trở nên khá giả.
Từ Trà Đỏa đến Lệ Cần
Ông Nguyễn Trình-Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và dịch vụ Tân Bình mở đầu câu chuyện về khoai lang Lệ Cần bằng việc dẫn chúng tôi ra nhà kho xem mấy người thợ sắt cặm cụi chế tạo máy thu hoạch khoai. Ông Trình hồ hởi: “Tôi mất khá nhiều thời gian và tâm sức cho chiếc máy này. Từ suy nghĩ phải làm sao để việc thu hoạch mấy chục héc ta khoai lang Lệ Cần được nhanh nhất, tôi lên mạng tìm hiểu, mày mò học hỏi rồi phác thảo sơ bộ, sau thì gọi mấy người cháu làm nghề thợ sắt thi công. Hiện nay, chiếc máy mới hoàn thành phần khung, chưa khảo nghiệm thực tế nhưng sẽ hoạt động theo nguyên tắc tự động. Chiếc máy sẽ gắn với một đầu kéo, chạy dọc luống, nhổ khoai lên để sàng cho sạch đất. Kế đó, khi củ khoai rơi xuống ruộng thì có người đi sau nhặt, phân loại theo kích cỡ rồi bỏ vào bao. Nếu chế tạo thành công, chiếc máy này sẽ giúp ích rất nhiều cho bà con nông dân khi thu hoạch khoai lang, khoai tây”.
Hỏi chuyện nguồn gốc giống khoai lang Lệ Cần, ông Trình kể: “Nguồn gốc khoai lang Lệ Cần là ở Trà Đỏa. Còn thời gian cụ thể trồng ở đây, ai là người đầu tiên mang giống lên thì cả vùng không ai còn nhớ rõ. Tôi nghe ông bà kể lại rằng, năm 1957, khi người dân ở làng Trà Đỏa (xã Bình Đào, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) lên đây sinh sống đã mang theo giống khoai lang để trồng. Đây là một trong những loại lương thực quan trọng đối với nhiều gia đình trong ngày đầu lập nghiệp trên vùng đất mới với biết bao gian khó. Trồng khoai Trà Đỏa cũng là cách để mọi người nhớ về quê hương, nguồn cội”.
Khoai lang Lệ Cần nức tiếng thơm ngon. Ảnh: Thiên Di
Khoai lang Lệ Cần nức tiếng thơm ngon. Ảnh: Thiên Di
Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Trương Minh Thắng-Chủ tịch UBND xã Tân Bình-cũng chia sẻ những thông tin về nguồn gốc giống khoai lang Lệ Cần tựa như lời ông Trình. Chỉ tay về mẩu giấy in bài thơ “Khoai lang Lệ Cần” của nhà thơ Xuân Diệu đặt dưới mặt kính chiếc bàn gỗ ở phòng khách, hai người họ gật gù ngâm nga mấy câu: “Tên gọi khoai lang giống Lệ Cần/ruột không vàng lắm thoáng hơi thơm/cũng không ngọt lắm sao mà lạ/ăn mãi ngon lành như thể cơm”. Rồi ông Trình kể thêm: “Bài thơ này viết năm 1976, cũng là năm tôi trồng giống khoai Lệ Cần. Ban đầu, trồng chủ yếu để ăn. Vài năm trở lại đây, giống khoai này người dân được trồng nhiều hơn. So với khoai lang Trà Đỏa, khoai Lệ Cần bùi, màu đẹp hơn và năng suất cao hơn. Tôi cho rằng, thổ nhưỡng là yếu tố quyết định chất lượng của khoai lang. Hơn 90% người dân gốc Quảng Nam trong vùng cũng cảm thấy tự hào khi giống khoai mang từ quê hương vào Gia Lai nay đã trở thành đặc sản”. 
Sản vật của núi rừng Tây Nguyên
Khoai lang Lệ Cần đang là một trong những sản phẩm OCOP của Gia Lai. Dẫu giá cả có sự phập phù theo từng năm nhưng lợi nhuận mang lại cho người trồng khoai lang Lệ Cần ở xã Tân Bình là không hề nhỏ. Đơn cử như năm 2022, mức giá 15-18 ngàn đồng/kg, với tổng sản lượng thu hoạch hơn 400 tấn, 7 thành viên của HTX Nông nghiệp và dịch vụ Tân Bình có nguồn thu không nhỏ từ trồng khoai Lệ Cần theo tiêu chuẩn VietGap. 
Tham gia HTX từ năm 2019, anh Nguyễn Song Viên bộc bạch: “Khoai lang cũng giống các loại nông sản khác, không ổn định về giá cả và đầu ra. Nếu so với khoai lang Nhật thì giá thấp hơn. Tuy nhiên, mấy năm qua, nhờ trồng khoai lang Lệ Cần, gia đình tôi có thêm nguồn thu kha khá. Ví như, nếu trồng 1 ha khoai lang, cuối năm có giá 10 ngàn đồng/kg, chúng tôi thu 60 triệu đồng sau 4 tháng chăm sóc. Năm nay, gia đình tôi trồng 3 ha, lãi hơn 200 triệu đồng”.
Cán bộ, người dân xã Tân Bình (huyện Đak Đoa) trao đổi kinh nghiệm trồng khoai lang Lệ Cần. Ảnh: Thiên Di
Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm tham quan vườn khoai lang Lệ Cần. Ảnh: Thiên Di
Còn gia đình Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Tân Bình có thu nhập “khủng” từ khoai lang Lệ Cần. Lợi nhuận này không chỉ từ bán củ khoai sau thu hoạch mà còn từ chế biến tinh bột, miến khoai. Đặc biệt, sản phẩm miến mang thương hiệu Khoai lang Tám Trình chế biến từ nguyên liệu là khoai lang Lệ Cần được thị trường đón nhận. “Nhiều năm, khoai trồng của nông dân trong vùng ế ẩm, tôi nghĩ ra cách làm tinh bột, miến để bán được giá hơn. Năm nay, gia đình tôi lãi chừng 500 triệu đồng từ bán củ với giá 15-18 ngàn đồng/kg và 100-120 ngàn đồng/kg với miến, tinh bột. Hiện nay, nhu cầu khách hàng mua sản phẩm khoai lang Lệ Cần rất nhiều nhưng chúng tôi không đủ nguồn cung”-ông Trình nói.
Chủ tịch UBND xã Tân Bình cho biết thêm: Khoai lang Lệ Cần là sản phẩm đặc trưng của địa phương. Qua truyền thông và các hội chợ thương mại, sản phẩm từ khoai lang Lệ Cần được giới thiệu rộng rãi đến thị trường trong nước và được sự đón nhận tích cực của khách hàng. Nhờ đó, những năm qua, người dân quay lại trồng khoai lang Lệ Cần nhiều hơn và có nhiều hộ dân vươn lên khá giả. Xã sẽ tiếp tục đồng hành với HTX, nông dân để tìm đầu ra ổn định hơn, giúp bà con có nguồn thu nhập cao hơn.
THIÊN DI

Có thể bạn quan tâm

Đại diện xã Chư Drăng và Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa kiểm tra các diện tích đất rừng giao cho người dân tại xã Chư Drăng. Ảnh: Lê Nam

Krông Pa tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

(GLO)- Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 5-11-2021 của Huyện ủy Krông Pa về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Nhiều hội viên nông hội mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: H.D

Tăng khả năng tiếp cận vốn cho nông hội

(GLO)- Mô hình nông hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã góp phần giúp nông dân chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng giá trị các sản phẩm.

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

(GLO)- Mắc ca là loại cây “kén” khí hậu nhưng khi trồng ở xã Sơn Lang (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) lại cho năng suất và chất lượng hạt vượt trội so với vùng đất khác và mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nhiều nông dân địa phương trở thành triệu phú.

Thành phố Kon Tum vào vụ hoa Tết

Thành phố Kon Tum vào vụ hoa Tết

Còn hơn 2 tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhưng thời điểm này, người dân trồng hoa tại thành phố Kon Tum đang tất bật gieo trồng, chăm sóc cây hoa để phục vụ thị trường, với hy vọng sẽ có một vụ hoa Tết thành công.

Gia Lai được cấp mới 15 mã số vùng trồng xuất khẩu

Gia Lai được cấp mới 15 mã số vùng trồng xuất khẩu

(GLO)- Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, năm 2024, toàn tỉnh có 15 mã số vùng trồng xuất khẩu được cấp mới với diện tích 332,09 ha xuất khẩu trên thị trường Trung Quốc và 4 mã số cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu với tổng công suất 155 tấn quả tươi/ngày.

Cà phê là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hà Duy

Liên kết sản xuất phục vụ xuất khẩu

(GLO)- Việc liên kết sản xuất đang được các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Gia Lai chú trọng nhằm tạo nguồn nông sản chất lượng phục vụ xuất khẩu. Nhờ đó, nông sản của tỉnh đã thâm nhập thị trường của gần 50 quốc gia trên thế giới.