Bẫy chết người từ lưới điện nông thôn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trụ điện được làm bằng cọc tre hay bất kỳ một chiếc cọc nào, dây điện mắc chằng chịt, thấp lè tè… Không ít trường hợp tai nạn thương tâm xuất phát từ mạng lưới điện “bùi nhùi” như vậy. Hiểm họa này vẫn đang là mối đe dọa thường trực tại các địa phương trên địa bàn huyện Đak Pơ.

Tuyết Mai
Ảnh: Tuyết Mai

Đã một năm trôi qua, nhưng người dân thôn Chí Công, xã Cư An, huyện Đak Pơ vẫn chưa hết bàng hoàng về vụ điện giật làm một người chết xảy ra tại thôn. Vào cuối tháng 5-2016, đường dây điện trong thôn bị sà xuống vườn nhà ông Nguyễn Văn Ký. Ngay lúc ấy, ông đang tưới rau ở vườn nhà thì bị vướng vào đường dây điện và tai nạn thương tâm đã xảy ra. Bà Huỳnh Thị Lanh (thôn Chí Công, xã Cư An, huyện Đak Pơ)-vợ ông Nguyễn Văn Ký kể: “Đường dây điện đó của người trong xóm dưới kia người ta bắc qua đám đất của tôi, chồng tôi ra tưới rau vướng vào, trụ gỗ mục quá, ngã xuống trúng người ”.

Còn với gia đình chị Lê Thị Phước (thôn 3, xã Hà Tam) thì mọi chuyện đã qua hơn một năm nhưng nỗi đau vợ mất chồng, con mất cha vẫn như còn nguyên vẹn. Trong đợt nắng hạn tháng 3-2016, để có nước tưới cho ruộng lúa nhà mình, anh Phạm Văn Lý-chồng chị Phước đã tự kéo khoảng ba đến bốn trăm mét đường điện từ nhà ra suối bơm nước vào ruộng lúa. Do bất cẩn, anh đã bị điện giật chết. Anh Phạm Văn Lý là lao động chính trong nhà. Giờ anh mất, cuộc sống của vợ con anh rất khó khăn. Mình chị “chèo chống” nuôi ba con nhỏ. “Anh chết anh bỏ lại ba đứa con còn nhỏ.Giờ gia đình cũng khó khăn lấy tiền đâu ra nuôi con ăn học, không có tiền nộp tiền học cho con”-chị Lê Thị Phước xúc động nói.

    Sự việc trên chính là hồi chuông cảnh báo, khi mà tại nhiều nơi trên địa bàn huyện Đak Pơ có hàng trăm điểm đấu nối mất an toàn đang tồn tại.

    Có mặt tại làng Hway, xã Hà Tam, huyện Đak Pơ, qua quan sát của phóng viên, hệ thống dây điện chiếu sáng tại làng, hiện đang là nỗi bất an, lo lắng của người dân nơi đây. Mạng lưới điện sà thấp xuống nhà dân. Đường dây điện kéo vào khu dân cư chằng chịt, độ cao không đảm bảo an toàn. Chỉ vào những dây điện đang sà thấp xuống sân lớp học tại điểm trường làng Hway, ông Lê Văn Thọ- người dân làng Hway, xã Hà Tam nói: “Dây điện ở trong làng cũng không ổn định lắm, nguy hiểm. Đó cứ thòng thòng kia, tôi lấy cây tôi chỏi, chớ không cũng sợ học sinh nó bị chạm đồ kia”.

 

Ảnh: Tuyết Mai
Ảnh: Tuyết Mai

Những cột điện thì được làm bằng những vật liệu rất đơn giản như tre, nứa, gỗ, thậm chí những cây bạch đàn đang còn sống cũng được dùng làm cột điện. Nhiều dây điện đấu nối vội vàng nằm sát mái tôn. Khó có thể hình dung được hậu quả nếu như những sợi dây này bị mưa bão làm đứt và rơi vào mái nhà. Ông Đinh Mlo-người dân làng Hway, xã Hà Tam-cho biết: “Tôi thấy đường dây điện sinh hoạt trong làng đây mất an toàn quá, bà con sử dụng không được, cứ sợ dây điện đứt là chết”.
 
Bên cạnh đó, tình trạng tải điện phục vụ cho việc tưới tiêu rau màu cũng quá “đơn giản” không đảm bảo an toàn về đường điện. Đường điện ở đây chủ yếu do bà con tự kéo, đường dây thấp, dây này đè lên dây kia, cột điện chỉ là những cây tre, nứa, gỗ tạp… dễ đỗ gãy, Thậm chí, có những hộ kéo đường điện tưới tiêu xa đến vài trăm mét, nhưng vẫn rất sơ sài gây nguy hiểm cho người sử dụng cũng như phương tiện đi lại. Ông Phan An (thôn An Sơn, xã Cư An, huyện Đak Pơ), cho biết: “Biết là người nông dân làm trụ điện và đường dây điện này là không an toàn, nhưng mà vì điều kiện người nông dân tiền bạc để đầu tư trụ bê tông hoặc đầu tư dây điện cho an toàn hơn thì trước mắt không có tiền, thì người nông dân buộc phải đi lên trên rừng chặt cây về làm trụ điện rồi mua dây kéo phục vụ cho nông nghiệp”.

Nhiều hộ gia đình vẫn đang từng ngày, từng giờ sử dụng hệ thống điện thiếu an toàn. Ngăn chặn nguy cơ  tai nạn do sử dụng điện không an toàn là hết sức cần thiết. Đã đến lúc chính quyền địa phương cũng như ngành điện lực cần phải vào cuộc. Tuy nhiên, trước khi chờ sự hỗ trợ từ phía các ngành chức năng, thì chính người dân phải tự cứu lấy mình như: bà con cần phải quy hoạch đường dây điện, kéo theo nhánh, cắm trụ điện chắc chắn, đúng tiêu chuẩn quy đinh… để lưới điện nông thôn không còn là những chiếc bẫy chết người.

Mùa mưa đang đến , nguy cơ mất an toàn lưới điện nông thôn ngày càng đáng báo động.

Tuyết Mai

Có thể bạn quan tâm

Những năm tháng cuối đời của Anh hùng Núp

Những năm tháng cuối đời của Anh hùng Núp

(GLO)- Những ngày cuối tháng 4 lịch sử, chúng tôi đến Nhà lưu niệm Anh hùng Núp (xã Tơ Tung, huyện Kbang) để sưu tầm thêm tư liệu, phục vụ triển lãm tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của người anh hùng huyền thoại (2/5/1914-2/5/2024).

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

(GLO)- Tôi gọi ông là thầy. Thật ra tôi chưa thật sự xứng đáng. Cả nước, những tiến sĩ đã từng học và được ông hướng dẫn làm các đề tài luận án mới được vinh dự gọi ông bằng thầy-một người thầy lớn trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa dân gian đồng bào các dân tộc Việt Nam.